Gỡ khó việc cải tạo chung cư xuống cấp ở TPHCM

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hiện nay tại TPHCM, nhiều chung cư có hạn mức sử dụng và chung cư vĩnh viễn đều đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng.

Chi phí sửa chữa, nâng cấp nhà đang là gánh nặng chung của nhiều hộ dân tại Chung cư 88 căn CMT8.
Chi phí sửa chữa, nâng cấp nhà đang là gánh nặng chung của nhiều hộ dân tại Chung cư 88 căn CMT8.

Những chung cư này không được tu sửa, cải tạo kịp thời, nguy cơ xảy ra tai nạn, sập lún ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng và sức khỏe người dân.

Nỗi lo của dân cư ở chung cư xuống cấp

Sống cùng gia đình trong một căn hộ khoảng 50 m2 thuộc chung cư Lê Thị Riêng (Quận 10) đã gần 15 năm, anh L.N.H. cho hay, hệ thống cấp điện, nước nhà anh thường xuyên gặp tình trạng trục trặc, hư hỏng.

Hành lang, cầu thang của tòa nhà bong tróc, nứt bể thành nhiều mảng khiến cư dân phải sinh hoạt trong tình trạng lo lắng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, bao gồm thang máy đều là thiết bị đã cũ, chưa được nâng cấp.

Trước thông tin TPHCM đã có kế hoạch di dời nhằm cải tạo, xây dựng lại cơ sở hạ tầng nhiều chung cư xuống cấp, anh H. vô cùng hào hứng. Thế nhưng, như bao người dân khác, những thắc mắc liên quan đến chính sách hỗ trợ, thời gian tiến hành cũng như thời điểm hoàn thành vẫn đang là điều khiến anh trăn trở.

Đối mặt với hoàn cảnh tương tự, anh N.H.L. (trú tại Chung cư 88 căn CMT8, cũng trên địa bàn Quận 10) cho biết, hiện nay hầu như tất cả căn hộ thuộc chung cư CMT8 đều có sổ hồng sở hữu lâu dài nhờ thuộc dự án quy hoạch đất do Nhà nước chuyển giao cho chủ đầu tư. Quyền lợi sở hữu lâu dài cũng đi đôi với nghĩa vụ cần giữ gìn, bảo vệ, duy trì tài sản cá nhân.

Theo anh L, trước tình trạng cơ sở hạ tầng chung cư nói chung cũng như nhà ở của bản thân nói riêng ngày càng xuống cấp, gia đình anh và các hộ dân phải tự xoay xở để nâng cấp, cải tạo và bảo quản.

“Đối với một số hộ dân không có điều kiện, phải ngày ngày trăn trở trước mối lo cơm áo gạo tiền, đây thật sự là gánh nặng khiến họ lao đao suốt nhiều năm qua”, anh L. chia sẻ.

Đáng chú ý là phần sở hữu chung (sân thượng, hành lang, thang máy, điện, nước,…) không thể phân chia theo từng phần cho các chủ sở hữu. Vì thế kế hoạch triển khai nâng cấp, sửa chữa ra sao, dựa vào nguồn kinh phí nào để giúp người dân “gỡ khó” vẫn đang là câu hỏi.

Người dân sống tại Chung cư Lê Thị Riêng đang chờ đợi kế hoạch nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật để cuộc sống được đảm bảo.

Người dân sống tại Chung cư Lê Thị Riêng đang chờ đợi kế hoạch nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật để cuộc sống được đảm bảo.

Cần có quy định cụ thể về tổ chức di dời

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 4.452 căn hộ và nền đất (3.015 căn hộ và 1.437 nền đất) đã được chính quyền thành phố phân bổ nhằm phục vụ TĐC cho 258 dự án đầu tư công, chỉnh trang đô thị giải phóng mặt bằng. Có 2.224 căn hộ và nền đất (1.138 căn hộ và 1.086 nền đất) được dùng làm quỹ nhà dự phòng phục vụ tạm cư chung cư hư hỏng nặng, cháy nổ, sạt lở bờ sông… và 4.967 căn hộ, nền đất (4.927 căn hộ và 40 nền đất) đã có chủ trương đấu giá, đang thực hiện thủ tục bán đấu giá.

Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sống tại những chung cư xuống cấp, nguy hiểm cấp độ D (công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, phải sửa chữa lớn, ưu tiên làm ngay), kế hoạch tổ chức di dời và cải tạo, tu bổ, nâng cấp công trình được xem là phương án cấp thiết.

Tuy nhiên, đến nay công tác di dời người dân khỏi các chung cư nguy hiểm và tạm cư tại các khu tái định cư (TĐC), nhà ở xã hội gặp không ít khó khăn, chưa nhận được nhiều đồng thuận từ cộng đồng cư dân.

Nguyên nhân vì quá trình đối thoại giữa người dân và chính quyền xoay quanh phương án di dời, thời gian tạm cư, chính sách hỗ trợ trong khi chờ công trình hoàn thiện chưa được cụ thể, xuyên suốt.

Một số nội dung người dân và dư luận quan tâm có thể kể đến là sau khi di dời thì bao lâu người dân có thể quay về nơi ở cũ? Chính sách tạm cư hiện mới hỗ trợ trong 3 năm, nếu phát sinh bất cập trong quá trình triển khai khiến thời gian bị kéo dài thì có được hỗ trợ tiếp không? Nếu có, đơn vị nào sẽ chi trả phí phát sinh quỹ nhà tạm?

“Quan trọng là phải giúp người dân nắm bắt, hiểu rõ các phương án, thấy được việc di dời là phù hợp, đảm bảo an toàn cho cuộc sống. Tất nhiên là không thể một lúc hài hòa tất cả, cư dân, chính quyền cần tổ chức đối thoại giúp người dân hiểu được đâu là phương hướng tốt nhất. Khi đó, việc triển khai kế hoạch sẽ suôn sẻ, diễn ra nhanh chóng, sớm đạt được sự đồng thuận”, Luật sư Điền cho biết.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Tuy nhiên, đối với chung cư không còn an toàn, cơ quan thường trực của Quốc hội cũng cho rằng cần có quy định cụ thể về việc tổ chức thực hiện việc di dời, phá dỡ, cải tạo nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn tài sản, tính mạng cho người dân.

Hiện nay, UBND TPHCM đã phân bổ cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện để phục vụ tái định cư cho hàng trăm dự án đầu tư công, chỉnh trang đô thị có giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, TPHCM cũng chuyển đổi một phần nhà ở phục vụ tái định cư (TĐC) sang nhà ở xã hội để giải quyết cho vấn đề nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân sống trên và ven kênh rạch, hộ gia đình không đủ điều kiện bồi thường, không đủ tiền để mua nhà ở TĐC, nhà ở thương mại ổn định cuộc sống.

Để giải quyết tình trạng khó khăn trong việc di dời khỏi các chung cư xuống cấp cũng như giảm tải áp lực đối với các quỹ nhà tạm, nhiều chuyên gia khuyến khích sử dụng các khu nhà TĐC trên địa bàn nhằm tối ưu hiệu quả, tránh gây lãng phí.

Được biết, trong đợt dịch Covid-19, các quỹ nhà tại TP Thủ Đức cũng từng được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến và cho thấy hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.