Gỡ khó triển khai Nội dung giáo dục địa phương

GD&TĐ - Với đặc thù cần sắp xếp nhiều giáo viên giảng dạy, hoạt động kiểm tra, đánh giá Nội dung giáo dục địa phương tại các trường trung học còn khó khăn.

Tập huấn sử dụng tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Đồng Tháp năm 2022. Ảnh: INT
Tập huấn sử dụng tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Đồng Tháp năm 2022. Ảnh: INT

Tuy nhiên, có trường đã đưa ra được giải pháp giúp triển khai hoạt động này hiệu quả.

Nhiều giáo viên cùng phối hợp

Theo thầy Lê Xuân Thiều, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên), tài liệu giáo dục địa phương THCS tại Phú Yên có 7 chủ đề, liên quan đến 7 nội dung học khác nhau là: Ngữ văn; Giáo dục công dân; Âm nhạc, Mĩ thuật (môn Nghệ thuật); Lịch sử, Địa lý (môn Lịch sử và Địa lí) và Công nghệ. Nhà trường phân công 7 giáo viên có chuyên môn phù hợp để đảm nhiệm nội dung này.

“Với kiểm tra định kỳ, nhà trường phân công tổ trưởng tổ chuyên môn chịu trách nhiệm phân nhiệm vụ cho giáo viên trong tổ cùng giảng dạy Nội dung giáo dục địa phương để xây dựng đề kiểm tra giữa và cuối kì. Ra đề kiểm tra chung khó vì phải phân bố số câu hỏi tương ứng với từng chủ đề một cách hợp lý.

Chấm bài cũng khó, vì 1 bài chuyển cho 7 giáo viên chấm, sau đó mới cộng điểm. Chưa kể, chỉ 35 tiết/năm học, nên có thể khoảng cách dạy học giữa các chủ đề cách xa nhau, khi kiểm tra học sinh dễ quên kiến thức. Do đó, trước kiểm tra, giáo viên phải ôn tập lại cho học sinh từ đầu đến cuối”, thầy Lê Xuân Thiều chia sẻ.

Trường Tiểu học và THCS Ea Trol xây dựng kế hoạch triển khai việc giảng dạy môn Giáo dục địa phương tại đơn vị. Theo đó đề ra 2 phương án trong kiểm tra, đánh giá Nội dung giáo dục địa phương: Hoặc kiểm tra, đánh giá từng chủ đề riêng, sau đó tính trung bình để lấy điểm; hoặc giáo viên cùng phối hợp để làm 1 bài kiểm tra để có đủ 7 chủ đề, giáo viên phụ trách chủ đề nào chấm điểm chủ đề đó và tổng hợp lại để tính điểm. Hiện tại, điểm thường xuyên trường sử dụng phương án 1; điểm định kì sử dụng phương án 2.

Thầy Nguyễn Văn Vỹ, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: Do khó khăn chung về đội ngũ nên nhà trường hiện tại chỉ bố trí được 2 giáo viên dạy giáo dục địa phương. Kế hoạch giảng dạy bám đúng theo cấu trúc sách giáo khoa. Tổ chức đánh giá bảo đảm ra đề đúng cấu trúc môn học. Nhà trường xây dựng ngân hàng đề kiểm tra có sự tham gia của tất cả giáo viên thuộc bộ môn chương trình yêu cầu với ma trận, bảng đặc tả, đề và đáp án... Tổ chức đánh giá ở 2 mức: Đạt, Chưa đạt theo đúng yêu cầu.

Nói về khó khăn, theo thầy Nguyễn Văn Vỹ, do thiếu giáo viên nên chưa phân công cụ thể, đầy đủ được giáo viên tương ứng chuyên môn ở từng phần học. Việc thay đổi, sắp xếp thời khóa biểu theo từng phần học cũng khó cho nhà quản lý, giáo viên. Khi kiểm tra đánh giá cuối kì, nội dung kiến thức nhiều phân môn, bố trí ôn tập trong thời gian có hạn nên việc củng cố kiến thức chuyên sâu cho học sinh còn bất cập. Tài liệu, minh chứng của môn Giáo dục địa phương có hạn chế…

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Những giải pháp linh hoạt

Năm đầu tiên nhưng Trường THPT Yên Thế (Bắc Giang) triển khai Nội dung giáo dục địa phương khá trơn tru, trong đó có kiểm tra, đánh giá. Kinh nghiệm cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Hạnh chia sẻ là lên kế hoạch sớm, chỉ đạo sát sao, giáo viên phối hợp nhuần nhuyễn.

“Trường phân công đủ giáo viên đảm nhiệm các nội dung giáo dục địa phương. Việc kiểm tra, đánh giá không có khó khăn vì thầy cô cùng phối hợp. Cả 4 bài kiểm tra lấy điểm thường xuyên, định kì của môn đều tổng hợp từ các chủ đề (tính đến thời điểm kiểm tra) và câu hỏi có cả hình thức trắc nghiệm, tự luận. Căn cứ vào số tiết từng chủ đề, các tổ chuyên môn xây dựng ma trận đề, cụ thể mỗi chuyên đề có bao nhiêu câu, nên có được đề kiểm tra thuận lợi. Riêng cán bộ quản lý vất vả hơn chút ít ở sắp xếp thời khóa biểu”, cô Hoàng Thị Hạnh chia sẻ.

Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) bắt đầu triển khai Nội dung giáo dục địa phương từ học kỳ II với lớp 10. Chia sẻ của thầy Hà Văn Trí, Phó Hiệu trưởng nhà trường, tài liệu Giáo dục địa phương lớp 10 của Thừa Thiên - Huế có các chuyên đề: Lịch sử và Văn hóa; Địa lí - kinh tế - chính trị - xã hội; Hướng nghiệp địa phương; Nghệ thuật; Văn học. Căn cứ vào đó, nhà trường phân công giáo viên 3 tổ: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí cùng phụ trách môn học. Như vậy, mỗi lớp có 3 giáo viên dạy Nội dung giáo dục địa phương, tổng số giáo viên dạy môn này của trường là 15 người.

Việc kiểm tra, đánh giá Nội dung giáo dục địa phương, theo thầy Hà Văn Trí không gặp nhiều khó khăn bởi nhà trường chỉ đạo 1 bài kiểm tra thường xuyên do giáo viên Lịch sử, 1 bài do giáo viên Địa lí thực hiện. Bài kiểm tra định kì được giáo viên tổ Lịch sử đảm nhiệm trên cơ sở phối hợp với giáo viên tổ Địa lí trong công tác ra đề kiểm tra cuối học kỳ I. Trong học kỳ II, chỉ đạo tổ Ngữ văn thực hiện các bài kiểm tra thường xuyên và định kì.

Để triển khai giảng dạy nội dung này, thầy Hà Văn Trí mong được cung cấp tài liệu sớm để lên kế hoạch phân công giảng dạy đầu năm học. Đây là môn ít tiết, nhưng nhiều giáo viên phụ trách, nên việc phân công có khó khăn trong công tác xếp thời khóa biểu. Ví dụ, hiện trường có 12 lớp 10/521 học sinh, nhưng tổ Lịch sử chỉ có 3 giáo viên, tổ Địa lí tương tự nên phải thực hiện đan xen khi phân công giảng dạy.

Nêu kiến nghị, đề xuất, thầy Lê Xuân Thiều mong muốn tổ chức bồi dưỡng giáo viên để mỗi thầy cô có thể đảm nhiệm được Nội dung giáo dục địa phương cho một lớp trong suốt năm học. Làm được việc này thuận tiện kể cả ở cấp độ quản lý đến triển khai thực hiện, theo dõi đánh giá học sinh sát sao.

Bên cạnh đó, có thể mở cơ chế thoáng để nhà trường hợp đồng, mời chuyên gia về thỉnh giảng với chủ đề phù hợp nội dung này sẽ thu hút học sinh hơn. Ví dụ, chủ đề Mĩ thuật mời người có chuyên môn từ Bảo tàng, Sở Văn hóa tỉnh để trao đổi chỉ 4 tiết là hoàn thành. Tất nhiên, khi chuyên gia nhận lời thỉnh giảng nội dung nào thì phải chịu trách nhiệm liên quan đến kiểm tra, đánh giá nội dung đó.

Thầy Lê Xuân Thiều cho biết: Nội dung giáo dục địa phương, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh được thực hiện theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT. Giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng nhận xét theo một trong hai mức: Đạt và Chưa đạt. Vì có 35 tiết/năm học, nên đánh giá thường xuyên với Nội dung giáo dục địa phương không giới hạn số lần, nhưng chỉ lấy 2 đầu điểm. Đánh giá định kì có 2 bài/học kì. Các lần đánh giá phải có sự phối hợp của các giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.