(GD&TĐ)-Khó khăn về kinh phí là vấn đề đại diện nhiều Sở GD&ĐT phía Bắc băn khoăn khi triển khai công tác đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học giáo dục mầm non tại hội nghị cùng tên do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm nay (1/4).
Hội nghị triển khai công tác Đồ dùng-Đồ chơi-Thiết bị dạy học giáo dục mầm non các tỉnh phía Bắc. Ảnh: gdtd.vn |
Khó khăn kinh phí
Khó khăn xuất phát trước hết từ thực tế ngành học mầm non trong nhiều năm qua chưa được đầu tư bằng ngân sách nhà nước về cơ sở vật chất, đồ dùng – đồ chơi – thiết bị dạy học. Việc triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm tài chính 2010. Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia không ghi cụ thể định mức dành cho giáo dục mầm non và thông tư liên tịch số 125/2008/TTLT-BTC-BGD&ĐT về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT đến năm 2010 cũng chỉ hướng dẫn vận dụng kinh phí của địa phương.
Bên cạnh đó, công tác báo cáo, tổng hợp số liệu thống kê về thực trạng đồ dùng – đồ chơi – TBDH giáo dục mầm non và tình hình kế hoạch đầu tư mua sắm đồ dùng – đồ chơi – TBDH cấp học này chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương, kinh phí đầu tư mua sắm đồ dùng – đồ chơi – TBDH còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em - Bộ GD&ĐT cho biết, định hướng kinh phí để mua sắm đồ chơi, thiết bị dạy học mầm non thời gian tới chủ yếu khai thác từ nguồn kinh phí chi thường xuyên từ nguồn sự nghiệp giáo dục; vốn chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT; quỹ học phí và các nguồn khác như kinh phí từ các chương trình, dự án (nếu có) và kinh phí tài trợ, đóng gố của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Với kinh phí chi thường xuyên từ nguồn sự nghiệp GD, kinh phí mua sắm đồ chơi, thiết bị dạy học được lấy từ nguồn kinh phí theo thông tư 30/TTLB (nay là thông tư 14/TT-BGD&ĐT), hàng năm dùng từ 6% đến 10% tổng chi ngân sách cho mua sắm sách và thiết bị trường học nói chung, trong đó có đồ chơi, thiết bị giáo dục mầm non. Cơ cấu chi cho các cấp học phụ thuộc vào định hướng chỉ đạo chuyên môn hàng năm, nhưng chi cho giáo dục mầm non không ít hơn 10% tổng chi của toàn ngành, trong đó giành phần thích đáng cho mua sắm thiết bị, đồ chơi.
Với vốn chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT, ông Phương cũng yêu cầu Sở GD&ĐT, ng oài phần ưu tiên để thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giành một phần để mua sắm đồ chơi, thiết bị nhằm tăng huy động số lượng và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở độ tuổi 0-4 tuổi. Với quỹ học phí, sau khi đảm bảo các nội dung chi theo quy định về học phí, các trường giành một phần kinh phí để bổ sung cho mua sắm và hỗ trợ hoạt động tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học. Đối với các trường tư thục, Sở GD&ĐT cần có những quy định ràng buộc để đảm bảo có đủ đồ chơi, đồ dùng, TBDH tối thiểu.
Về vấn đề kinh phí phục vụ mua sắm đồ dùng, đồ chơi, TBDT mầm non, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, đó sẽ chỉ là khó khăn của năm 2011vì hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2011-2015. Sau khi có chương trình này, Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính ban hành thông tư thay thế thông tư liên tịch số 125/2008/TTLT-BTC-BGD&ĐT.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: gdtd.vn |
Nhiều công việc phải triển khai trong năm 2011-2012
Theo báo cáo của các địa phương, việc xây dựng kế hoạch đầu tư đồ dùng, đồ chơi, TBDH giáo dục mầm non phục vụ năm học 2010-2011 đã được nhiều nơi triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong đó, một số địa phương đã tập trung đầu tư tương đối đáp ứng cơ bản nhu cầu thực tế như Bắc Ninh, Kon Tum, Hậu Giang... Một số địa phương đầu tư mức độ trung bình khá, đáp ứng một phần nhu cầu thực tế của địa phương như Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Ninh Thuận, Điện Biên, Lạng Sơn... Tuy nhiên, cũng có một số địa phương đầu tư thấp như Bắc Kạn, Phú Thọ, Hà Nam, TP.Đà Nẵng, Bình Định, Đắk Lắk, Hà Tĩnh... Ngoài việc đầu tư, mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu, một số địa phương đã đầu tư mua sắm thiết bị dạy học ngoài danh mục tối thiểu như Hà Nam, TP.Đà Nẵng, Vĩnh Long, Thái Bình.
Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2011 sẽ thực hiện việc thanh, kiểm tra việc mua sắm, quản lý, sử dụng đồ dùng, đồ chơi, TBDH giáo dục mầm non. Đồng thời, xây dựng danh mục và kỹ thuật cho bộ thiết bị làm quen với tin học, ngoại ngữ; xây dựng danh mục và tiêu chuẩn kỹ thuật cho bộ đồ chơi ngoài trời; triển khai thực hiện cấu phần đồ chơi, thiết bị dạy học tự làm giáo dục mầm non theo đề án phát triển thiết bị dạy học tự làm giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2010-2015.
Đối với địa phương, năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT yêu cầu cần ưu tiên mua sắm đồ dùng, đồ chơi, TBDH mầm non sử dụng ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn khác; chú trọng mua sắm đồ dùng, đồ chơi, TBDH trong nhà đảm bảo đủ tối thiểu 1 bộ/lớp cho lớp mẫu giáo 5 tuổi, kể cả cho lớp mẫu giáo ngoài công lập.
Cùng với đó, rà soát thực trạng đồ dùng, đồ chơi, TBDH giáo dục mầm non hiện có, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư mua sắm phục vụ năm học 2011-2012, chú ý thứ tự ưu tiên mua sắm, đầu tư. Tổ chức mua sắm theo đúng luật đấu thầu và các quy định về danh mục, tiêu chuẩn, kỹ thuật, nghiệm thu chất lượng đồ dùng, đồ chơi, TBDH giáo dục mầm non theo các văn bản của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho giáo viên về nghiệm thu, khai thác sử dụng, bảo quản, tự làm đồ dùng, đồ chơi, TBDH giáo dục mầm non theo đúng hướng dẫn.
Đồ dùng, đồ chơi, TBDH tối thiểu do Bộ GD&ĐT quy định gồm 6 nhóm/lớp và số lượng thiết bị theo số trẻ từng nhóm/lớp quy định trong điều lệ trường mầm non như sau: Nhóm trẻ 3-12 tháng tuổi (15 trẻ) có 50 thiết bị Nhóm trẻ 12-24 tháng tuổi (20 trẻ) có 68 thiết bị Nhóm trẻ 24-36 tháng tuổi (25 trẻ) có 90 thiết bị Lớp mẫu giáo 3-4 tuổi (25 trẻ) có 104 thiết bị Lớp mẫu giáo 4-5 tuổi (30 trẻ) có 126 thiết bị Lớp mẫu giáo 5-6 tuổi (35 trẻ) có 124 thiết bị |
Hiếu Nguyễn