Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, hai trường vẫn còn gặp khó khăn về nguồn lực, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thực tập, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Khó phát triển vì thiếu cơ sở vật chất
Là trường ĐH y dược lớn nhất ĐBSCL, gần 14 năm qua - kể từ khi tách ra từ khoa Y - Nha - Dược thuộc Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đào tạo hàng ngàn cán bộ y tế cho vùng. Trường hiện có 591 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Trong đó có 397 biên chế (2 giáo sư, 16 phó giáo sư, 21 tiến sĩ); quy mô đào tạo hơn 10.000 sinh viên. Đối với tuyển sinh theo chế độ đặc thù vùng Tây Nam Bộ, trường tuyển 150 chỉ tiêu cho 5 chuyên ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y). Song song với việc tăng quy mô, đa dạng hóa loại hình đào tạo, trường chú trọng xây dựng và phát triển các điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bệnh viện trực thuộc trường đã và đang phát huy hiệu quả, với 200 giường; trung bình mỗi ngày khám khoảng 650 bệnh nhân, phẫu thuật khoảng 20 ca…
Theo Giáo sư Phạm Văn Lình - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ: Tuy trường cố gắng đầu tư nguồn lực để đảm bảo chất lượng đào tạo nhưng vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng cơ sở vật chất. Như dự án xây dựng trường giai đoạn 1, đã xây dựng hoàn thành công trình khối nhà 7 khoa (Y, Răng Hàm Mặt, Dược, Điều dưỡng…); tuy nhiên, chỉ mới đầu tư khoảng 70% kinh phí được duyệt, còn 2 hạng mục (bệnh viện thực hành và khu hiệu bộ) vẫn chưa thực hiện. Giai đoạn 2 (2016 - 2020), trường chưa có kinh phí cho xây dựng các hạng mục đã được phê duyệt. Dự án xây dựng trường giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào tháng 12/2016 nhưng tiến độ 2 hạng mục công trình là bệnh viện thực hành 250 giường và khu hiệu bộ rất chậm.
Tương tự, Trường CĐ Y tế Cần Thơ (thành lập từ năm 2007), trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung học Y tế Cần Thơ đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất vì trong giai đoạn xây dựng chưa hoàn chỉnh nên khó mở rộng quy mô đào tạo vì thiếu phòng học, phòng thí nghiệm thực hành.
Theo Hiệu trưởng nhà trường Phan Trung Thuấn: Phòng học thiếu, ảnh hưởng việc xếp lịch giảng dạy; đặc biệt so với đào tạo tín chỉ, phòng thực tập còn thiếu so với tiêu chuẩn (chỉ đạt 32/65 phòng). Trường chưa có ký túc xá nên việc quản lý học sinh, sinh viên gặp khó khăn; sân bãi dành cho các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao còn thiếu, chưa đảm bảo so với quy mô lớn của trường. Năm học 2015 - 2016, Trường CĐ Y tế Cần Thơ có 164 cán bộ, viên chức, công chức (3 tiến sĩ, 53 thạc sĩ); với hơn 3.000 học sinh, sinh viên cao đẳng và trung cấp.
Rất cần hỗ trợ
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường CĐ Y tế Cần Thơ vừa qua, đại diện một số sở, ban, ngành thành phố cho rằng: Thiếu thốn nguồn lực, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành là rào cản cho sự phát triển đối với Trường CĐ Y tế Cần Thơ.
Theo ông Trần Văn Kiệt - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ và Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi, nguồn lực về nhân lực, vật lực của trường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ dạy và học, nhất là trang thiết bị thực hành, thực tập.
Trong khi đó, định hướng phát triển của trường trở thành trường ĐH điều dưỡng - Kỹ thuật y tế. Do vậy, lãnh đạo thành phố, sở, ban, ngành các cấp cần quan tâm, đầu tư cho trường. Và Trường CĐ Y tế Cần Thơ cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên.
Ông Phan Trung Thuấn kiến nghị: Trường rất mong thành phố, các sở, ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ dự án mở rộng cơ sở 1 (số 340 đường Nguyễn Văn Cừ) và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án 10 ha (cơ sở 2, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy), tạo điều kiện để trường phát triển theo đúng tiến trình xây dựng trong đề án thành lập trường ĐH, cũng như chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực cho công tác hậu kiểm của Bộ GD&ĐT đối với trường CĐ.
Không riêng gì Trường CĐ Y tế Cần Thơ, nhiều năm qua, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ luôn lâm vào cảnh thiếu hụt kinh phí đầu tư. Trải qua nhiều lần kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, trường may mắn được Trung ương đầu tư kinh phí từ nguồn trái phiếu Chính phủ.
Theo Giáo sư Phạm Văn Lình, định hướng đến sau năm 2020, trường trở thành ĐH khoa học sức khỏe, với 5 trường thành viên và 3 khoa. Để đạt mục tiêu này, trường kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục đầu tư nguồn lực để phát triển trường thành trường trọng điểm đào tạo nhân lực y dược cho ĐBSCL. Trước mắt, trường mong lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình bệnh viện thực hành 250 giường và khu hiệu bộ để phục vụ tốt việc dạy học, thực hành thực tập của sinh viên.