Giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững

GD&TĐ - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được các địa phương triển khai thực hiện.

Nông dân huyện Cao Phong giảm nghèo nhờ đặc sản cam Cao Phong
Nông dân huyện Cao Phong giảm nghèo nhờ đặc sản cam Cao Phong

Vai trò quan trọng của chương trình

Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh có người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43%, có 145/151 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có 59 xã khu vực III, 12 xã khu vực II, 74 xã khu vực I và 86 thôn, xóm diện đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II và khu vực I.

Đây là những địa bàn được thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, cũng là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tây Bắc được Đảng, Nhà nước xác định là vùng trọng yếu, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước.

Bà Đinh Thị Thảo- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số dù đạt được một số thành tựu, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng KT-XH còn bất cập, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển còn yếu, thiếu đồng bộ. Kinh tế vùng nông thôn miền núi chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng chưa mang tính hàng hóa.

Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng nguy cơ tái nghèo cao. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ có những bất cập. Trong tỉnh còn một số hạn chế về bình đẳng giới; vẫn tồn tại hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị.

Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt, triển khai thực hiện chính là sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về chính sách dân tộc; vừa là giải pháp để phát triển KT-XH, vừa là tích hợp thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đáp ứng mong đợi của ĐBDTTS cả nước, trong đó có tỉnh Hòa Bình.

Là chương trình có tổng vốn từ Ngân sách nhà nước lớn nhất; có nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần nhất; thời gian thực hiện dài nhất; là chương trình được kỳ vọng nhiều nhất và quan tâm tới lĩnh vực bình đẳng giới nhất.

Đối với tỉnh Hòa Bình, chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng do đặc điểm ĐBDTTS&MN sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, xuất phát điểm rất thấp; đây là vùng "lõi nghèo” của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét diễn ra nghiêm trọng, khó lường; giao thông khó khăn; chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển KT-XH chung của cả tỉnh.

Hiện nay, Hòa Bình vẫn là tỉnh nghèo, chưa tự cân đối được ngân sách, do đó nguồn lực hỗ trợ của T.Ư cho tỉnh thực hiện đầu tư, hỗ trợ đối với vùng đồng bào DTTS&MN thông qua chương trình có vai trò hết sức quan trọng. Việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh là tiền đề cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030.

Cơ sở vật chất các trường PTDT nội trú, bán trú không ngừng được đầu tư mở rộng

Cơ sở vật chất các trường PTDT nội trú, bán trú không ngừng được đầu tư mở rộng

Tháo gỡ những vướng mắc

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hòa Bình, bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình của tỉnh này được kiện toàn, thành lập theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương. Đến nay, bộ máy này đã hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả trong vai trò của mình.

Các văn bản về kế hoạch tổ chức, triển khai được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị chủ trì, phối hợp. Cơ chế thực hiện Chương trình hiện đang được xây dựng, đảm bảo thuận lợi trong quá trình tổ chức, thực hiện Chương trình kế hoạch năm 2022 và cho cả giai đoạn 2021-2025.

Để thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu, Hòa Bình đã thực hiện phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, UBND tỉnh đã giao Sở GD&ĐT quản lý, thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của các trường PTDTNT; triển khai thực hiện các nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTNT, trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú; triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

UBND cấp huyện thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của các trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú; tham gia phối hợp triển khai thực hiện công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú; tham gia phối hợp triển khai thực hiện xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vấn đề vướng mắc trong triển khai hiện nay là do Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mang quan điểm đầu tư tổng thể, quy mô lớn với nhiều dự án, tiểu dự án thành phần có mối liên quan chung với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Điều này ảnh hưởng tới tiến độ, thời gian ban hành các cơ chế, tổ chức thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, một số bộ, ngành Trung ương chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình. Ngoài ra, công tác phối hợp tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ có những việc còn chậm, nhiều nội dung phải tổ chức lấy ý kiến nhiều lần, nhất là trong việc xây dựng cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo Chương trình tỉnh Hoà Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo một số bộ, ngành khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, tạo cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện. Tỉnh cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn ban hành tài liệu triển khai thực hiện các nội dung liên quan để các địa phương triển khai thống nhất, đúng quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ