Các trường đại học có nhiều giải pháp hỗ trợ người học sớm thích nghi môi trường mới.
Bỡ ngỡ đủ điều
Hơn nửa tháng ở thành phố kể từ ngày nhập học, Trần Minh Đức, tân sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM không khỏi “choáng” trước nhịp độ học tập trên giảng đường. Sau 2 tuần vừa sinh hoạt ngoại khóa đầu năm, vừa học các môn đại cương, Đức cho rằng “học đại học khác hẳn phổ thông”.
Theo Đức, ở bậc phổ thông, hơn 90% kiến thức có từ sách giáo khoa và bài giảng của thầy cô trong khi ở bậc đại học, tỷ lệ này là 30 - 50%. “Một môn học có 2 tín chỉ mà giáo trình dày cộm như một cuốn sách giáo khoa học cả năm ở phổ thông, lại thêm nhiều tài liệu tham khảo. Em có đọc đề thi các năm trước thì thấy nội dung cũng khác xa các chương mục trong giáo trình”, Đức chia sẻ những trải nghiệm đầu tiên.
Giống như Đức, Nguyễn Mỹ Hà, tân sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, vẫn bối rối với môi trường mới dù đã lên TPHCM từ đầu tháng 9. Hà kể, thời phổ thông, một buổi chỉ học hết một bài nhưng lên đại học, trong một buổi giảng viên đã dạy xong 2 chương. Không biết ghi chép sao cho hiệu quả, em chỉ kịp gạch chân nội dung giảng viên nói có sẵn trong giáo trình.
“Nhiều bạn trong lớp cũng hoang mang như em, tìm lời khuyên từ các anh chị khóa trước”, Hà nói. Em và các bạn được anh chị khóa trên khuyên đọc trước giáo trình ở nhà, quá trình học có thể chụp slide bài giảng hoặc bôi đậm câu trả lời có ở tài liệu và tham khảo thêm bài giảng trên YouTube.
Đó là những “chướng ngại vật” đầu tiên của nữ sinh trên giảng đường. Bước ra khỏi cổng trường về nhà trọ, tân sinh viên cũng gặp không ít rắc rối. Nơi Hà ở trọ cách trường 20 phút đi xe máy nhưng trong tuần đầu tiên đi học, em không dám tự đi, phải thuê xe ôm công nghệ đến trường. “Xe cộ nườm nượp, qua nhiều đoạn đường khác nhau nên em chưa tự tin chạy xe đi học. Phải đi xe ôm vài lần để thuộc đường”, Hà chia sẻ.
Giờ đến trường và tan lớp ở trường đại học cũng là một trải nghiệm nhớ đời với tân sinh viên. Ngày đầu đến trường, Hà hoảng hồn với hàng dài xe máy chờ vào bãi gửi xe, đoạn đường xung quanh trường ùn tắc, xe nhích từng chút một. Mỗi tòa nhà có 3 - 4 thang máy nhưng người chờ lúc nào cũng đông, xếp hàng dài nhưng trật tự.
Xem thông tin trên diễn đàn sinh viên trường, Hà có thêm kinh nghiệm phải đến trường sớm hơn giờ học ít nhất 20 phút để trừ hao giờ gửi xe, chờ thang máy. “Đúng là môi trường ở đại học khác hẳn với thời phổ thông. Em phải tập dần để phù hợp với môi trường mới”, tân sinh viên đúc kết.
Một số tân sinh viên khác cũng bối rối khi tham gia giao thông, tìm chỗ đi chợ, ăn uống hoặc mua sắm ở đô thị lớn sau 2 - 3 tuần nhập học. Có em còn bị kẻ xấu dụ dỗ vào đường dây bán hàng đa cấp, tiền ảo…
Ảnh minh họa ITN. |
Nỗ lực hỗ trợ tân sinh viên
Theo lời khuyên của các cán bộ làm công tác đào tạo, công tác sinh viên ở trường đại học, tân sinh viên phải lập ra mục tiêu, kế hoạch học tập cụ thể cho 3,5 - 4 năm ở bậc đại học. ThS Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, phương pháp học đại học rất khác ở bậc THPT. Sinh viên cần phải lên kế hoạch học tập kỹ càng, tự học và thường xuyên tự đánh giá bản thân để có thể bổ khuyết kiến thức, kỹ năng cho mục tiêu công việc lâu dài của mình.
Theo ông Trần Nam, tích lũy tri thức từ lớp học sẽ không bao giờ đủ. Sinh viên cần mở rộng kiến thức bằng cách đọc sách, tài liệu có liên quan hay tham gia các khóa học trực tuyến được tổ chức bởi tổ chức uy tín. Ở bậc đại học, sinh viên cũng làm quen với việc làm việc nhóm, tham gia chương trình học thuật ngoài lớp học, hoạt động cộng đồng, hoạt động tình nguyện để rèn luyện kỹ năng của mình.
Ngoài ra, hiện có nhiều chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí hay học phí khá thấp được tổ chức bởi trường đại học, hệ thống giáo dục uy tín trên khắp thế giới. Đây cũng là chương trình mà sinh viên nên tìm hiểu, chọn lựa để học tập nếu cảm thấy phù hợp.
“Công việc hiện nay có xu hướng đòi hỏi tính đa nhiệm ở nhân sự, nên thời gian học đại học là phù hợp nhất để tích lũy các kiến thức, kỹ năng khác ngoài chuyên môn ngành học để sẵn sàng cho nghề nghiệp tương lai. Khi kiến thức, kỹ năng đã tích lũy nhiều, thường ở cuối năm thứ ba trở đi, sinh viên nên đi thực tập tại các tổ chức, doanh nghiệp… để học tập, rèn khả năng làm việc thực tế”, ông Trần Nam nói.
Để tân sinh viên sớm thích nghi, bắt nhịp với cuộc sống và cách học mới, tránh những “cạm bẫy” ở thành phố lớn, các phòng ban, tổ chức Đoàn - Hội ở trường đại học có nhiều giải pháp hỗ trợ. Trong đó, mô hình câu lạc bộ hoặc đội nhóm tình nguyện hay tổ chức buổi nói chuyện, chuyên đề ngoại khóa… được nhiều trường thực hiện.
Chẳng hạn, Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức chuyên đề về nhận diện và trang bị kỹ năng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho sinh viên. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức chương trình “Chuyện xa nhà” để chia sẻ những khó khăn của tân sinh viên, nỗi nhớ nhà cũng như cách hòa nhịp với cuộc sống đô thị.
Còn tại Trường Đại học Luật TPHCM, nhiều giải pháp hỗ trợ về nhà trọ, tài chính cho tân sinh viên được đưa ra. ThS Nguyễn Thành Bá Đại, Bí thư Đoàn trường cho biết, Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên phối hợp với Đoàn - Hội Sinh viên trường thành lập đội hình tìm kiếm, khảo sát nguồn nhà trọ, tư vấn cho sinh viên có nhu cầu. Nhà trường cũng tạm hoãn học phí đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và giới thiệu các loại học bổng ngay từ đầu năm học.
Tại Trường Đại học Văn Lang, trong buổi gặp tân sinh viên ngành Y khoa ngày 20/9, TS Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng khoa Y nhắn nhủ: “Với sinh viên ngành Y khoa, bậc đại học không chỉ nỗ lực trong quá trình học tập mà còn có sự chuyển biến trong nhận thức, tự giác và trách nhiệm với sứ mệnh cao quý của nghề, trở thành những bác sĩ có y đức, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp”.