Điều này giúp tân sinh viên có định hướng trong học tập, cuộc sống và công việc tương lai.
Tân sinh viên không “lẻ loi”
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) đã kết thúc chuỗi hoạt động mang tên “USSH Mentoring” nằm trong đợt nhập học của tân sinh viên khóa 2024 - 2025. ThS Trần Nam - Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, “mentoring” là quá trình một mentor hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm của mình với người khác.
Điều này giúp mentee phát triển và tiến bộ nhanh hơn bằng cách học hỏi từ kinh nghiệm thực tiễn của mentor. Quá trình mentoring thường liên quan đến việc hỗ trợ, hướng dẫn và khuyến khích để người học phát triển hiệu quả hơn trong học tập cũng như cuộc sống cá nhân.
Mentor trong chương trình là các sinh viên năm 2, 3, 4 đang theo học tại trường. Mentee là các tân sinh viên khóa 2024 - 2025 của nhà trường. Chương trình đã thành lập đội ngũ cố vấn với hơn 800 sinh viên theo các môn khoa học, chuyên ngành. Mỗi mentor được tập huấn các thông tin và kỹ năng cần thiết.
Sau đó, nhà trường phân công hướng dẫn 3 - 5 mentee. Từ những buổi gặp gỡ, các mentor đã chia sẻ kinh nghiệm học tập, giải đáp thắc mắc của mentee; đồng thời, định hướng, khuyến khích và động viên mentee trong quá trình học tập.
Là một mentor trong chuỗi chương trình, Nguyễn Đình Khải - sinh viên năm 4, ngành Báo chí cho hay, thời gian đầu, các tân binh còn e dè và chưa xác định được bản thân. Sau một thời gian tiếp xúc, mentee có những câu hỏi cụ thể hơn về những điều còn thắc mắc khi mới bước vào môi trường đại học.
“Mình thấy chương trình rất ý nghĩa vì từ những trải nghiệm của bản thân có thể giúp đỡ đàn em khóa sau. Các em đã cho mình nhìn thấy hình ảnh khi là sinh viên năm nhất bỡ ngỡ bước vào trường”, Khải nói và cho rằng đó là sự tiếp nối thế hệ trước giúp thế hệ sau trên con đường mới.
Nguyễn Phạm Lan Vi (sinh viên năm 1, ngành Quan hệ quốc tế) chia sẻ niềm vui sau một tháng được mentor hỗ trợ. Nữ sinh cho hay, khi tham gia với tư cách một mentee, em được mentor hỗ trợ và giải đáp nhiều điều mới lạ khi vừa bước chân vào môi trường đại học.
“Nhóm em gồm 5 bạn trong khoa và một mentor khóa trên. Chị rất nhiệt tình giải thích chi tiết và dễ hiểu những thắc mắc của em trong việc tính học phần để nhận học bổng hay miễn học phần, thông qua các buổi gặp mặt trực tiếp cũng như trao đổi qua tin nhắn. Điều đó giúp em có định hướng và kế hoạch học tập rõ ràng, cụ thể hơn”, Vi cho hay.
Theo ThS Trần Nam, USSH Mentoring là giải pháp kết nối sinh viên và tân sinh viên nhằm giúp các em làm quen nhanh chóng với môi trường đại học vốn nhiều điều mới mẻ.
“Gần 4.000 tân sinh viên được xấp xỉ 700 sinh viên hỗ trợ tư vấn trong 1 tháng. Nhiều cuộc trao đổi về phương pháp học, đời sống đại học, cách thức hòa nhập với môi trường ký túc xá, các hoạt động hỗ trợ sinh viên khó khăn... được chia sẻ nhanh chóng, tường tận đến tân sinh viên. Điều này giúp tân sinh viên hội nhập tốt hơn với môi trường đại học”, ông Nam cho biết thêm.
Xây dựng khả năng lãnh đạo cho sinh viên
Cùng khối Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng phát triển dự án “HCMUS Future Leaders”. Dự án được nhà trường phối hợp với Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM), Ban đại diện Cộng đồng Cựu sinh viên Khoa học và Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Cựu sinh viên Khoa học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (C-100) thực hiện.
“HCMUS Future Leaders” được triển khai theo hình thức chia nhóm với 1 - 2 mentor và 5 mentee, nhằm xây dựng các môn học với mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng và tố chất một nhà lãnh đạo tương lai, giúp người học có thêm nhiều góc nhìn thực tế về nghề nghiệp, phát triển năng lực bản thân.
Chia sẻ về cấu trúc chương trình đào tạo, bà Hồ Thanh Hương - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân C100, nguyên CEO Vinfast Việt Nam cho hay, tất cả sinh viên được lập thành nhóm cùng thực hiện một đề tài. Những đề tài không đi sâu quá vào chuyên môn và không tốn nhiều thời gian.
“Trong 10 tuần, các bạn sẽ thực hiện đề tài mà ban tổ chức giao. Sinh viên được học và thực hiện các kỹ năng như làm việc nhóm, quản lý thời gian, kỹ năng thuyết trình, phản biện, kỹ năng giao tiếp… Thông qua buổi học lý thuyết ngắn, sinh viên sẽ thực hiện ngay trong nhóm của mình”, bà Hương nói.
Ngoài ra, dự án còn bổ sung đội ngũ cố vấn dài hạn cho các chương trình đào tạo, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ. “HCMUS Future Leaders” năm nay thu hút sự quan tâm của hơn 70 mentor là các cựu sinh viên của trường và chuyên gia từ nhiều lĩnh vực. Quy mô dự kiến của dự án là tập huấn cho 350 cán bộ trẻ và 1.000 học sinh, sinh viên trong năm học 2024 - 2025.
PGS.TS Trần Lê Quan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, mô hình là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết thực tiễn với lý thuyết. “Nhà trường luôn nỗ lực tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để hỗ trợ sinh viên phát triển khả năng lãnh đạo, tư duy làm chủ và trách nhiệm xã hội từ đó tạo ra các thay đổi tích cực trong cộng đồng”, ông Quan nói.
Theo ông Quan, hoạt động mang lại cơ hội hiếm có cho sinh viên vì người trẻ được hướng dẫn, chia sẻ bởi các mentor - những người không chỉ thành công trong sự nghiệp, mà còn hiểu rõ thách thức sinh viên có thể gặp phải.
“Đây là cơ hội để các em khám phá thêm về chính mình, tìm hiểu rõ hơn định hướng nghề nghiệp, đồng thời phát triển những kỹ năng quan trọng để tự tin bước ra thị trường lao động cạnh tranh sau khi tốt nghiệp”, PGS.TS Trần Lê Quan cho hay và tin rằng dự án mang lại những giá trị lớn lao và tạo ra những thế hệ lãnh đạo tài năng, bản lĩnh.
Tại dự án “HCMUS Future Leaders”, nhiều đề tài hay và thiết thực được phân cho mỗi nhóm như tổ chức sự kiện cộng đồng về biến đổi khí hậu. Sinh viên lên kế hoạch thực hiện sự kiện trong cộng đồng địa phương hoặc trường học để nâng cao nhận thức và kiến thức khoa học; đánh giá đề xuất cải thiện hệ thống chấm điểm và phản hồi giảng dạy từ sinh viên; phân tích chiến lược marketing cho một sự kiện tại trường; phân tích đánh giá chất lượng một phương thức tuyển sinh…