Giúp sinh viên rèn khả năng nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Rèn luyện khả năng nghiên cứu khoa học mang lại cho sinh viên rất nhiều kĩ năng và kiến thức bổ ích. Tuy nhiên, việc này đang bị “bỏ quên” tại nhiều trường ĐH, CĐ.

Giúp sinh viên rèn khả năng nghiên cứu khoa học

Hiện nay, dù hầu hết các học phần giảng dạy trong nhà trường đều có phần tự học, tự nghiên cứu và các chủ đề semina nhưng thời lượng còn ít so với thời gian giảng dạy trên lớp.

Ngoài ra, các chủ đề semina tuy có phong phú nhưng chưa được đào sâu nghiên cứu. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên còn rất đơn giản, tập trung vào một số vấn đề chung như phương pháp giảng dạy hay kĩ năng mềm.

Rất cần những hội thảo ở nhiều cấp độ khác nhau, (hội thảo cấp tổ, cấp khoa, cấp trường, cấp liên trường) và ở nhiều chủ đề (hội thảo về khoa học, hội thảo về phương pháp giảng dạy, hội thảo về kĩ thuật ứng dụng...) để tạo môi trường và không khí nghiên cứu khoa học sôi nổi trong sinh viên

Để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học cho sinh viên, giảng viên Triệu Quỳnh Trang (Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định) cho rằng, trước hết, cần giúp sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên tìm ra cái mới, tăng khả năng sáng tạo cũng như khả năng làm việc cho sinh viên. Ngoài ra, nghiên cứu khoa học làm tăng khả năng nghiên cứu, tổng hợp và trình bày.

Qua các bài giảng, các buổi tập huấn, giao lưu, những đợt học tập đầu khóa, các giảng viên có thể giúp sinh viên của mình nhận thức rõ được vấn đề này

Bên cạnh đó, Ban giám hiệu, các phòng, ban, khoa, tổ, Đoàn Thanh niên phải tỏ rõ thái độ quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Một vấn đề vô cùng quan trọng là tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Tại Trường CĐ Sư phạm Nam Định, sinh viên hầu hết sống ở nông thôn, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn việc được nhà trường tạo điều kiện càng có nhiều ý nghĩa.

Để thực hiện điều này, có nhiều cách khác nhau như không thu phí khi sinh viên sử dụng thư viện điện tử của nhà trường; có chế độ khen thưởng đối với những công trình nghiên cứu có giá trị; cho phép sinh viên tham gia vào các đề tài nghiên cứu của giảng viên trong trường; khuyến khích sinh viên thể hiện ý tưởng, dù ý tưởng đó có vẻ phi thực tế, sau đó cùng với sinh viên lựa chọn ý tưởng phù hợp và có tính khả thi cao nhất.

Cuối cùng, là việc rèn luyện tư duy khoa học cho sinh viên trong khi giảng dạy.

“Việc thường xuyên rèn luyện tư duy khoa học cho sinh viên trong quá trình giảng dạy sẽ giúp các em có được tư duy nhanh nhẹn và sắc bén, đặc biệt rèn luyện tư duy phản biện. Trách nhiệm của việc này thuộc về mỗi giảng viên khi đứng lớp” - Giảng viên Triệu Quỳnh Trang nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ