Để học sinh lớp 9 tự tin trước kỳ thi vào lớp 10
Giúp học sinh lớp 9 chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đổi mới, cô Trương Thúy Lê, Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên 2, Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, việc dạy học cần bám sát các yêu cầu cần đạt mà chương trình đề ra, đảm bảo chất lượng kiến thức, giúp học sinh học hiểu bản chất, có sự hệ thống kiến thức xuyên suốt cả 4 năm học.
Giáo viên cần tham gia các buổi tập huấn về SGK mới để nắm bắt những thay đổi và phương pháp giảng dạy mới. Thường xuyên cập nhật các dạng đề mẫu, hướng dẫn học sinh cách giải quyết các dạng bài tập trong đề thi, rèn luyện kỹ năng làm bài và quản lý thời gian. Đồng thời, động viên, khích lệ học sinh, giúp các em tự tin và có tinh thần học tập tốt; luôn đồng hành, hỗ trợ học sinh khi gặp khó khăn trong quá trình học tập, ôn thi.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác hiệu quả sách giáo khoa, theo cô Trương Thúy Lê, với môn Khoa học tự nhiên, chương trình mới yêu cầu nhiều về khả năng thực hiện hoặc mô tả được thí nghiệm của học sinh, nên giáo viên cần chuẩn bị tốt về kỹ năng thực hành, dụng cụ thí nghiệm, hoặc học liệu số (video thí nghiệm, thí nghiệm ảo...), giúp học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt mà chương trình đề ra.
Chương trình có đề cập đến những vấn đề thực tiễn, giáo viên cần tìm hiểu các nguồn thông tin khác nhau để có số liệu, thông tin cập nhật mới, giúp học sinh hiểu và có thể gắn được bài học với các vấn đề thực tiễn. Từ đó, các em xây dựng được niềm yêu thích, ham muốn tìm hiểu và định hướng được công việc trong tương lai.
Cô Trương Thúy Lê đồng thời nhấn mạnh việc lập kế hoạch giảng dạy chi tiết cho từng bài học, bao gồm mục tiêu, nội dung, phương pháp và các hoạt động giảng dạy. Thường xuyên đánh giá hiệu quả giảng dạy, lấy ý kiến phản hồi từ học sinh để điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp và đạt hiệu quả nhất.
Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng THCS Thụy Trường, Thái Thụy, Thái Bình thì nhấn mạnh việc giáo viên cần triển khai dạy học đúng đủ chương trình, chú trọng phát triển 5 phẩm chất, 10 năng lực cho học sinh. Trong đó chú trọng rèn tính chăm chỉ tự giác, nâng cao khả năng tự học để các em có khả năng ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống.
Giáo viên bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên về việc thực hiện kế hoạch giáo dục, các văn bản liên quan đến kiểm tra đánh giá; từ đó định hướng và xây dựng kế hoạch để củng cố kiến thức, năng lực cho học sinh.
“Để thuận lợi cho nhà trường, học sinh, cần sớm có định hướng, cấu trúc về đề thi vào lớp 10 cũng như số lượng các môn thi, thời điểm thi để giáo viên chủ động định hướng trong quá trình giảng dạy và học sinh có kế hoạch học tập khoa học, hợp lý”, cô Nguyễn Thị Hương đề xuất.
Chuẩn bị tốt nhất cho học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT
Với yêu cầu này, là giáo viên dạy Tiếng Anh, cô Nguyễn Đức Ái Nhật, Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên Huế nhấn mạnh trước hết đến việc thực hiện đúng khung chương trình dạy học theo sách giáo khoa, bảo đảm phát triển năng lực giao tiếp của học sinh.
Cùng với đó, giáo viên phân tích kỹ đề minh họa, làm rõ điểm mới trong đề để có hướng luyện tập cho học sinh. Theo đó, chú trọng phát triển vốn từ vựng và kỹ năng đọc hiểu cho học sinh; lưu ý dạng mới: sắp xếp nội dung một đoạn hội thoại, hoặc một lá thư, một đoạn văn, một đoạn hướng dẫn…; tham khảo các đề thi trên Hoclieu.vn để học sinh luyện tập.
Nhấn mạnh giải pháp tăng chất lượng dạy học qua nắm vững chương trình, khai thác tốt nhất sách giáo khoa, thầy Trần Quang Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân, Vĩnh Long cho rằng, giáo viên cần tìm hiểu kỹ mục tiêu, yêu cầu cần đạt, cấu trúc chương trình, nội dung bài học. Sau đó, phân tích sự khác biệt, cải tiến so với chương trình, sách giáo khoa cũ; xác định các kiến thức, kỹ năng trọng tâm cần tập trung hướng dẫn.
Để lập kế hoạch dạy học hiệu quả, thầy cô xây dựng kế hoạch bài dạy, phân phối thời gian hợp lý cho các nội dung. Thiết kế các hoạt động, phương pháp dạy học tích cực, kích thích tư duy học sinh. Chuẩn bị đầy đủ tài liệu, thiết bị, phương tiện dạy học phù hợp. Lập kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng CNTT hiệu quả.
Với việc triển khai đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, thầy Trần Quang Huy nhấn mạnh việc tăng cường các hoạt động thảo luận nhóm, thực hành, giải quyết vấn đề; ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ dạy học; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Tổ chức cho giáo viên cùng khối lựa chọn cách lý giải hợp lý, khoa học và ngắn gọn nhất cho học sinh dễ hiểu. Đúc rút nội dung cốt lõi đáp ứng được yêu cầu cần đạt của bài và tiến hành xây dựng kế hoạch bài dạy hợp lý, linh hoạt, khoa học. Thiết kế slide trình chiếu sinh động để thu hút học sinh, chủ động làm đồ dùng dạy học và tổ chức cho học sinh làm thêm đồ dùng học tập cũng cần thiết để các em nắm chắc kiến thức hơn.
Nhà trường nên tổ chức cho giáo viên cùng khối thiết kế phiếu học tập từng bài, đảm bảo nội dung kiến thức cốt lõi để học sinh chuẩn bị bài trước ở nhà, vào lớp cho học sinh thảo luận thống nhất kiến thức.
Với đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá, thầy Trần Quang Huy lưu ý việc thiết kế đa dạng các hình thức kiểm tra (trắc nghiệm, tự luận, vấn đáp, ...; chú trọng đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết vấn đề của học sinh; phối hợp đánh giá thường xuyên, định kỳ để có sự điều chỉnh kịp thời.
Đồng thời, tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.
“Ngoài các nội dung trên cần tổ chức các hoạt động hỗ trợ, bồi dưỡng học sinh. Trong đó có việc xây dựng hệ thống bài tập, câu hỏi, bài tập bồi dưỡng; tổ chức các buổi ôn tập, giải đáp thắc mắc cho học sinh; thường xuyên cho học sinh làm bài kiểm theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thống kê những sai sót, rút kinh nghiệm cho các em”, thầy Trần Quang Huy cho biết thêm.