'Nói không' với pháo nổ tự chế
Ngày 8/1, Trường THPT Lam Hồng (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Tới dự có đại diện Công an TP Hà Nội, Công an huyện Sóc Sơn, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn, Công an xã Phù Lỗ cùng toàn thể CBGVNV và học sinh của trường.
Đại úy Bùi Quang Hưng – Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP Hà Nội đã phân tích một số quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng như các chế tài xử lý tương ứng. Việc sử dụng pháo hoa nổ do Bộ Quốc phòng sản xuất cũng cần lưu ý để đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, vị chuyên gia cũng trao đổi các thông tin về khái niệm, tác hại và quy định của pháp luật liên quan đến hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán, sử dụng pháo nổ trái phép. Thời gian qua, trên cả nước xảy ra một số vụ tai nạn do pháo tự chế gây ra hậu quả chết người. Lực lượng chức năng đã điều tra, xử lý hình sự tùy tính chất vụ việc.
Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết về xử phạt đối với các hành vi liên quan đến hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ. Các hành vi như cho tặng pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháp trái phép đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Theo Điều 190 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6 - dưới 40 kg thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm; với khối lượng từ 40 - dưới 120 kg, mức phạt tù sẽ từ 5 - 10 năm; còn từ 120 kg trở lên mức phạt tù từ 8 - 15 năm. Nhà nước đã quy định rất chặt chẽ về chế tài với các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ.
"Trên mạng xã hội có rất nhiều video hướng dẫn cách làm pháo nổ tự chế cũng như buôn bán các loại pháo nổ dịp Tết. Học sinh cần tỉnh táo và tuyệt đối không làm theo bởi đó đều là các hành vi vi phạm pháp luật. Để giữ an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội, các em cần hiểu đúng và tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về pháo", Đại úy Bùi Quang Hưng nhấn mạnh.
Hiểu đúng khái niệm vũ khí quân dụng
Ngoài ra, cán bộ Phòng PC06 - Công an TP Hà Nội cũng nêu bật một số điểm mới trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Luật số 42/2024/QH15) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Học sinh hiểu được những khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để biết cách phòng ngừa các hành vi vi phạm có liên quan.
Theo đó, vũ khí quân dụng bao gồm: Các loại súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng; các loại vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành và dao có tính sát thương cao được sử dụng với mục đích để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật…
Cô Nguyễn Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Lam Hồng (Hà Nội) khẳng định, những thông tin của cán bộ Công an là vô cùng quan trọng trong việc nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và pháo nổ, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Mỗi em học sinh sẽ là những tuyên truyền viên tới gia đình, người thân để vận động mọi người tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Tại Trường THCS Hải Xuân (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), lực lượng Công an xã Hải Xuân vừa tổ chức tuyên truyền cho học sinh các quy định về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ. Nếu tự chế pháo nổ sẽ gây ra rất nhiều tai nạn thương tâm cũng như những hậu quả pháp lý khi vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí và ảnh hưởng xã hội đi kèm.
Trung tá Trần Văn Khánh – Phó Trưởng Công an xã Hải Xuân cho hay: Việc sử dụng pháo nổ, sở hữu vũ khí trái phép hay các công cụ hỗ trợ không đúng quy định không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn có thể gây ra những hậu quả khôn lường, nguy hiểm đến tính mạng cho các em và những người xung quanh. Do đó, công tác tuyên truyền để hiểu rõ các quy định pháp luật và tham gia vào công tác phòng ngừa là vô cùng quan trọng.
Các hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm, tàng trữ, sử dụng trái phép phải tuyên truyền, vận động giao nộp các loại vũ khí này cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Thầy Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân cho biết, chương trình nhằm tăng cường phối hợp giữa lực lượng Công an và nhà trường trong việc giáo dục, tuyên truyền học sinh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, nhất là hành vi chế tạo pháo nổ. Tích cực tham gia phản ánh, tố giác tội phạm về pháo góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho bản thân và gia đình cùng đón một mùa xuân an vui.