Giúp đồng bào Mông không thạo tiếng Việt thi lấy bằng xe máy

GD&TĐ - Hocbanglaixemay.com là website cung cấp kiến thức về Luật Giao thông đường bộ đầu tiên có hỗ trợ dành cho đồng bào Mông chưa sử dụng được tiếng Việt.

Nhóm thuyết minh Dự án hocbanglaixemay.com dành cho người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt".
Nhóm thuyết minh Dự án hocbanglaixemay.com dành cho người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt".

Đây là sáng tạo thiết thực của thầy và trò Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên vừa đoạt giải Nhất - Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do địa phương tổ chức.

Lấy “chất liệu” từ thực tế

Giàng Thùy Dương sinh ra trên mảnh đất được mệnh danh là “cái nôi” của đồng bào Mông ở Điện Biên – xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo). Dương đang học lớp 11B1, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên. Gắn bó với cuộc sống miền núi, Dương thường xuyên chứng kiến cảnh người dân điều khiển xe máy nhưng lại không hiểu luật, gây ra những vụ việc đáng tiếc.

“Nhu cầu sử dụng xe máy rất lớn, song nhiều bà con không biết đọc và viết tiếng Việt nên không thi được giấy phép lái xe theo quy định. Nếu không hiểu luật mà vẫn điều khiển phương tiện thì vừa vi phạm, lại hết sức nguy hiểm cho chính người tham gia giao thông”, Dương tâm sự.

Ngay khi mang những trăn trở này chia sẻ với thầy Lê Thành Long (giáo viên dạy Tin học), Dương đã được thầy gợi ý xây dựng một dự án giúp bà con tiếp cận Luật Giao thông đường bộ dễ dàng hơn.

Dưới sự hỗ trợ của thầy Long, Dương cùng Đoàn Thị Hà Giang, lớp 12C3 (có năng khiếu về tin học) hoàn thiện website với tên gọi: hocbanglaixemay.com dành cho người Mông chưa sử dụng được tiếng Việt.

Theo thầy Long cho biết, để đáp ứng và tạo điều kiện cho bà con có nhu cầu học và thi sát hạch lấy giấy phép lái xe máy A1, cuối năm 2020 UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quy định riêng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt. Tuy nhiên, do chưa có được phương pháp học phù hợp nên tỷ lệ đăng ký thi và đạt còn hạn chế.

Để có “chất liệu” cho dự án, cuối tháng 4/2021, nhóm đã tổ chức khảo sát thực tế tại xã Tỏa Tình. Tiến hành thu thập thông tin tại 168 hộ, với 843 khẩu, nhóm xác định có 94 người không sử dụng được tiếng Việt. 33 người trong số đó đã từng tham gia thi sát hạch lái xe mô tô, song chỉ có 10 người vượt qua kỳ thi.

“Có những người thậm chí thi nhiều lần rồi vẫn không đạt hoặc nản không thi nữa. Lý do họ đưa ra đa phần là cho rằng chưa có hoặc không tiếp cận được phương pháp hỗ trợ học lý thuyết hiệu quả. Bởi hiện nay, các tài liệu hướng dẫn đều sử dụng tiếng phổ thông, trong khi họ lại không thông thạo”, Giang chia sẻ.

Xác định được hướng đi, nhóm đã tập trung, chú trọng vào việc xây dựng, thiết kế các tiện ích hỗ trợ hướng trọng tâm đến nhóm bà con chưa thành thạo tiếng phổ thông.

“Chúng tôi tìm hiểu quá trình soạn và ra đề thi của Sở Giao thông Vận tải địa phương, các trung tâm tổ chức thi lấy giấy phép lái xe. Từ đó, phiên dịch, biên tập và xây dựng một hệ thống ra đề thi sát với thực tế”, thầy Long cho hay. 

Thầy Lê Thành Long và nhóm học sinh trao đổi kế hoạch xây dựng Website.
Thầy Lê Thành Long và nhóm học sinh trao đổi kế hoạch xây dựng Website.

Sáng tạo thiết thực

“Mỗi lần chứng kiến các cô, chú người Mông không biết chữ rưng rưng khi lần đầu cầm trên tay bằng lái xe máy, cả thầy và trò lại như được tiếp thêm động lực. Mọi người lại thêm quyết tâm hoàn thiện và phát triển website hướng đến những điều lớn lao hơn…”, Dung bộc bạch.

Website được xây dựng bao gồm banner và logo trường; video giới thiệu toàn bộ tính năng; 4 menu chính học 200 câu lý thuyết, các loại biển báo giao thông đường bộ, mẹo thi, đề thi thử sát hạch… Tất cả đều gồm có file tiếng Mông và chữ Việt để đáp ứng nhiều đối tượng có thể luyện thi, bao gồm cả bà con người Mông không thành thạo tiếng phổ thông.

Giàng Thùy Dương cho biết thêm, bên cạnh các chức năng cơ bản như các website khác (thi thử, thi theo bộ đề, mẹo ghi nhớ, các biển báo…), nhóm “làm mới” website bằng việc cung cấp nhiều tiện ích cho người dùng.

“Nếu như các phần trước phải tải về điện thoại hoặc máy tính, cài đặt rất phức tạp, tốn dung lượng và nặng máy thì luyện thi bằng lái xe máy A1 của chúng em chỉ cần thao tác trực tiếp trên website. Đặc biệt, website có file âm thanh bằng tiếng Mông được biên tập theo ngôn ngữ địa phương, bà con dễ nghe, dễ hiểu nên việc ôn luyện dễ dàng hơn”, Giang nói.

Bà Giàng Thị Minh (SN 1977), xã Tỏa Tình là một minh chứng cụ thể. Bà Minh nhiều năm đăng ký thi sát hạch lái xe mô tô nhưng đều không vượt qua phần thi lý thuyết, vì không thành thạo tiếng phổ thông.

“Các tài liệu đều viết bằng tiếng Việt, mà tôi thì không thành thạo nên xem mà không hiểu. Mặc dù có chồng hướng dẫn, nhưng vì bận làm nương nên chồng hỗ trợ không được thường xuyên”, bà Minh chia sẻ.

Cuối năm 2021, Dương đã giới thiệu, hướng dẫn sử dụng trang web luyện thi của nhóm và động viên bà Minh thi tiếp. Lượt đầu khi tiếp cận phần mềm ôn luyện để thi thử, bà Minh chỉ đạt 5 điểm. Hơn 1 tháng sau khi học, ở lượt thi thứ 8 bà đạt 24 điểm. Đến kỳ sát hạch ngày 24/12/2021, bà Minh đã thi đỗ trong niềm phấn khởi của cả gia đình.

Theo thầy Long, trên thực tế ở Điện Biên không chỉ đồng bào Mông mà còn nhiều bà con thuộc đồng bào dân tộc thiểu số khác cũng gặp khó khăn tương tự khi có nhu cầu thi bằng lái xe mô tô. Chính bởi vậy, mong muốn của cả thầy và trò là dự án không dừng lại ở đây mà tiếp tục được mở rộng hơn nữa.

“Mục tiêu chúng tôi hướng đến trong tương lai là website được phổ biến rộng rãi hơn nữa. Về phía thầy trò sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung nhiều kênh hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc khác nhau.

Mục đích là để nâng cao hiệu quả và tính ứng dụng của dự án. Tuy nhiên, muốn vậy thì ngoài sự nỗ lực của thầy và trò, chúng tôi cần thêm động lực từ các cơ quan chuyên môn có liên quan”, thầy Long nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ