Giường giúp bệnh nhân liệt có thể tự vận động

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giường đa năng có thể tự điều chỉnh tư thế nằm ngồi, lật người, giúp bệnh nhân tự vận động các khớp để phòng cứng khớp, teo cơ...

Giường giúp bệnh nhân liệt phục hồi chức năng, vận động phòng cứng khớp.
Giường giúp bệnh nhân liệt phục hồi chức năng, vận động phòng cứng khớp.

Đây là sản phẩm của PGS.TS Lê Viết Báu và cộng sự, Trường Đại học Hồng Đức.

Giường phục hồi chức năng

PGS.TS Lê Viết Báu cho biết, để hỗ trợ cho việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho những bệnh nhân liệt vận động, cứng khớp, hiện nay nhiều loại giường bệnh và thiết bị phục hồi chức năng đã được nghiên cứu chế tạo và đã có mặt trên thị trường với nhiều chủng loại, mẫu mã.

Tuy vậy, những loại giường và thiết bị phục hồi chức năng này cũng có một số hạn chế. Các sản phẩm này chưa tích hợp các chức năng của chiếc giường với các thiết bị tập phục hồi. Điều này gây ra bất tiện khi bệnh nhân muốn sử dụng.

Quan sát thấy, chiếc giường chưa thể tạo cảm giác tự nhiên khi lật nghiêng bệnh nhân do chỉ lật dọc 1/2 lưng. Giường đã có thể thay đổi thành ghế ngồi nhưng bệnh nhân chưa thể điều khiển giường di chuyển theo ý muốn. Để khắc phục được những hạn chế này, nhóm tác giả đã nghiên cứu chế tạo thành công giường bệnh có 4 chức năng.

Chức năng điều chỉnh tư thế như nằm ngửa, nằm nghiêng sang 2 bên, nửa nằm, nửa ngồi, và ngồi dậy. Cơ cấu lật lưng được thiết kế khác biệt với hiện có, giúp cảm giác được lật người của người bệnh dễ dàng và tự nhiên hơn.

Tập vận động các khớp đầu, chi dưới (thay đổi từ 0 - 90 độ) đề phòng cứng khớp, teo cơ, loãng xương và huyết khối tĩnh mạch. Việc tập này được thực hiện với 3 chế độ: Thủ công, tự động (dùng để xoay trở, thay đổi tư thế) và đặc biệt (dùng cho tập phục hồi chức năng). Các khớp có thể được điều khiển độc lập hoặc theo chu trình luyện tập.

Giường còn giúp kéo giãn cột sống thắt lưng bằng chính trọng lượng của người bệnh để điều trị đau thắt lưng. Điều này được thực hiện bằng cách cố định phần ngực và vai người bệnh bằng hệ thống dây ôm ngực, giường được dốc từ 0 - 85 độ theo chỉ định của bác sĩ hoặc ý muốn của người bệnh.

Có thể di chuyển theo ý muốn của nhân viên y tế, bệnh nhân hoặc người nhà. Điều này được thực hiện bằng việc điều khiển 2 bánh có gắn với 2 động cơ điện như đối với các xe lăn điện.

Màn hình cảm ứng và điện thoại thông minh qua ghép nối bluetooth hoặc Internet, giúp bệnh nhân và người chăm sóc dễ dàng thao tác. Chương trình điều khiển giúp cho người chăm sóc/chuyên gia có thể cài đặt chế độ tập vận động cho bệnh nhân. Khi hoạt động, giường có thể đáp ứng cho người có khối lượng đến 200kg.

PGS.TS Lê Viết Báu cho biết, để tạo ra các tính năng vượt trội so với các sản phẩm trên thị trường, nhóm phải nghiên cứu tích hợp một số chức năng phục hồi các khớp vào chức năng của giường. Để có thể thiết lập chế độ lật nghiêng người, nhóm phải thiết kế 2 trục quay linh hoạt.

Có 3 chế độ (thủ công để điều khiển tùy ý, chuyên biệt dùng để tự động tập các khớp theo thời gian thức, tự động để lật trở, thay đổi tư thế cho người bệnh nhằm giảm nguy cơ loét do tì đè một cách tự động theo chế độ cài đặt). Người chăm sóc có thể sử dụng smartphone để điều khiển giường.

Giảm áp lực cho người chăm sóc

Hệ thống điều khiển trung tâm của giường.

Hệ thống điều khiển trung tâm của giường.

Theo nhóm nghiên cứu, giường được ứng dụng trong các bệnh viện (Khoa hồi sức tích cực, khoa phục hồi chức năng,...) hoặc các gia đình có bệnh nhân bị liệt vận động, cứng khớp. Giường giúp cho cuộc sống của bệnh nhân trong quá trình điều trị dễ chịu hơn, đồng thời hỗ trợ quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Đặc biệt, giường giúp cho quá trình chăm sóc của người nhà rất thuận tiện và nhẹ nhàng. Người nhà không còn phải chăm lật trở người cho bệnh nhân cũng như giúp bệnh nhân tập các bài tập vận động…

Giá thành của 1 chiếc giường từ 10 - 50 triệu đồng. Với giá trên sẽ giúp đỡ được rất nhiều bệnh nhân và giảm chi phí xã hội do nhập khẩu thiết bị y tế. Hơn nữa làm giảm chi phí trong việc chăm sóc bệnh nhân và đặc biệt giúp bệnh nhân cải thiện được tình trạng thoái hóa xương khớp, loét do tì đè....

Kết thúc đề tài, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được 3 giường bệnh và 4 giường chỉ có chức năng kéo giãn cột sống đang được người bệnh sử dụng tại một số bệnh viện ở Thanh Hóa. Sản phẩm giường hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bệnh đã được nghiệm thu xuất sắc.

Hội đồng nghiệm thu cơ sở đánh giá đề tài đã hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu đề ra, thực hiện có chất lượng các nội dung nghiên cứu và đầy đủ các sản phẩm theo yêu cầu, trong đó có các sản phẩm vượt trội so với hợp đồng.

Kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao, có đóng góp mới, tạo khả năng lật nghiêng một cách tự nhiên, dễ chịu; tích hợp các chức năng của một chiếc gường với các thiết bị tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt vận động, cứng khớp.

Để có được thành quả này, nhóm nghiên cứu đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, cải tiến, bổ sung tính năng tốt nhất cho sản phẩm sau quá trình thử nghiệm. Thời gian tới, nhóm sẽ có những cải tiến để sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao hơn.

Ngoài ra nhóm cũng mong muốn nếu được thương mại hóa, giá thành của sản phẩm sẽ giảm rất nhiều, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của số đông người bệnh, trợ giúp người già ốm, người liệt vận động… nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.
U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.