Xa đất liền, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế chưa đầy đủ... vậy mà nhiều trường hợp tai nạn, bị bệnh nguy kịch của quân và dân huyện đảo Trường Sa cũng như ngư dân ra đánh bắt bị nạn được cứu chữa thành công. Và những người làm nên những kỳ tích đó không ai khác chính là những chiến sĩ, bác sĩ quân y đóng quân nơi đây.
Biển cả bao là luôn ẩn chứa nhiều hiểm nguy, đặc biệt là đối với ngư dân, những người sống dựa vào biển. Thực tế rất nhiều trong số họ đã gặp nạn khi đang đánh bắt hải sản xa bờ và đã được các chiến sĩ quân y đóng quân trên quần đảo Trường Sa cứu chữa qua cơn nguy kịch dành lại sự sống.
Bác sĩ cấp cứu cho người dân tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn (Ảnh Internet) |
Nếu như ở đất liền những trường hợp như: mổ ruột thừa, bị tai nạn gãy chân, tay gây ra vết thương hở… được cấp cứu thành công là điều hết sức bình thường và không có gì đáng nói. Tuy nhiên ở giữa biển khơi trong điều kiện dụng cụ y tế thiếu, phòng phẫu thuật chưa đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn đặc biệt là thiếu các thiết bị chuyên dụng như đèn chiếu sáng, dụng cụ thụt tháo, thuốc gây mê…thì việc cứu chữa thành công những trường hợp như vậy có thể xem là những kỳ tích. Vượt lên tất cả, những người lính quân y đóng quân trên quần đảo Trường Sa đã cứu chữa thành công rất nhiều trường hợp khó trong hoàn cảnh như vậy.
Đó là trường hợp đại úy, bác sĩ Phan Đình Mừng, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Lớn cùng với kíp mổ của bệnh xá đã cứu chữa thành công trường hợp viêm ruột thừa của ngư dân Nguyễn Văn Dự, quê Quảng Ngãi. Trước đó bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng kéo dài, sốt nhẹ, với triệu chứng không rõ trong khi đó trên đảo lại không có máy siêu âm, cũng như xét nghiệm… Tuy với tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc và trình độ nghiệp vụ của mình anh đã cùng với đồng đội đã cứu chữa thành công trường hợp nói trên.
Đại úy Phan Đình Mừng, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Lớn |
Hay như trường hợp đại úy, bác sĩ Nguyễn Duy Ngọc cùng kíp mổ của bệnh xá đảo Trường Sa Đông tiến hành mổ khẩn cấp cứu sống bệnh nhân Nguyễn Thành Trung, quê Bình Sơn, Quảng Ngãi khi đang đánh bắt hải sản trên quần đảo Trường Sa. Nhớ lại lúc đó bác sĩ Ngọc cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ruột thừa đã viêm thành mủ, quặn ngược đặc biệt sắp vỡ nên rất khó xử lí đồng thời nếu không tiến hành mổ ngay sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Chính vì vậy vượt lên trên tất cả những khó khăn, trở ngại bác sĩ Ngọc cùng với kíp mổ của bệnh xá khẩn trương thực hiện ca mổ, dành lại sự sống cho bệnh nhân.
Không giống như đảo nổi, ở đảo chìm do có đặc thù riêng biệt nên các bác sĩ quân y nơi đây ngoài nhiệm vụ chính là chữa bệnh cứu người thì các anh còn tham gia trực chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, đôi lúc lại làm “anh nuôi” chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho anh em. Chính vì vậy họ được anh em gọi với cái tên hết sức trìu mến “mẹ hiền của đảo”. Quả thực gọi như vậy cũng không quá chút nào. Bởi nếu như chứng kiến cảnh họ ân cần khám bệnh và chăm sóc cho đồng chí, đồng đội của mình những lúc ốm đau sẽ rất dễ nhầm lẫn đó là tình cảm anh em ruột thịt trong gia đình.
Chia sẻ về những khó khăn do đặc thù của đảo chìm, trung úy quân y Trần Văn Khẩn, quê Kim Sơn, Ninh Bình cho biết: Nếu như ở đất liền đối với những trường hợp nặng, khó điều trị thì có thể chuyển lên tuyến trên, còn ở đảo chìm gặp những trường hợp nguy cấp như vậy đòi hỏi người thầy thuốc phải phải nỗ lực hết mình để cứu chữa bệnh nhân.
Có thể nói dù điều kiện làm việc của các anh còn gặp nhiều khó khăn, song bằng lương tâm, trách nhiệm và bản lĩnh của một người chiến sĩ, bác sĩ các anh sẽ tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho quân và dân đặc biệt là ngư dân vươn khơi xa bám biển giữ ngư trường yên tâm giữ vững độc lập chủ quyền.
Theo VH