Giải pháp khắc phục
Theo quy định tại Thông tư liên tịch 06 của Bộ GD&ĐT – Bộ Nội vụ, năm học 2019 – 2020, Vĩnh Phúc còn thiếu hơn 1.600 giáo viên mầm non. Một trong những nguyên nhân chính là do Vĩnh Phúc giữ ổn định biên chế sự nghiệp, không giao tăng biên chế hàng năm. Bên cạnh đó, số học sinh đến lớp ngày một gia tăng, đặc biệt là tăng dân số cơ học ở các khu công nghiệp, đô thị… Để đảm bảo yêu cầu của việc nuôi dạy trẻ, nhiều giải pháp đã được triển khai ở các nhà trường.
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu GV ở bậc học mầm non, đảm bảo các hoạt động dạy và học trong năm học mới, ngành GD-ĐT tỉnh khẩn trương hoàn thành sáp nhập các cơ sở GDMN trên toàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh để tận dụng đội ngũ GV thừa và thiếu cục bộ giữa các huyện, thành phố và giữa các trường. Sở GD&ĐT cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tổ chức tuyển GV để tối thiểu có 2 GV/lớp, đồng thời, chỉ đạo 9 phòng GD&ĐT tích cực tham mưu với UBND huyện trong công tác giảm đầu lớp, tăng sĩ số học sinh ở những trường thiếu GV.
Nhằm khắc phục việc thiếu 287 giáo viên mầm non, phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh cho huyện Bình Xuyên tuyển đủ giáo viên theo biên chế đã được giao, chủ động hợp đồng để đủ giáo viên lên lớp, điều động giáo viên các môn ở những trường thừa sang trường thiếu. Vận động các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thành lập các cơ sở mầm non tư thục để đáp ứng nhu cầu học cho con em nhân dân.
Ông Nguyễn Xuân Trường – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Tình trạng thiếu giáo viên xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Với nguyên nhân nào thì quan điểm của tỉnh là phải đảm bảo trẻ được đến trường. Để tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch tuyển gần 2.000 giáo viên mầm non cho năm học 2019 – 2020. Căn cứ thực tế số lượng giáo viên, lớp học cùng với đề nghị của mỗi trường và sự tham mưu của phòng GD&ĐT, UBND huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hợp đồng giáo viên còn thiếu theo số chỉ tiêu giao trước thềm năm học mới.
Quyết nâng cao chất lượng
Hướng tới đảm bảo các điều kiện nuôi dạy tốt nhất là điều ngành GD Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 180 trường mầm non có bếp ăn, trong đó 43 trường mầm non có bếp được trang bị hiện đại (đồ dùng bán trú đồng bộ chất liệu inox, có máy sấy bát, sấy khăn, tủ lạnh, máy giặt, tủ cơm), đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ. Thường xuyên tổ chức các hội thi bếp ăn để động viên, khích lệ các nhà trường nâng cao chất lượng bán trú, nuôi dưỡng trẻ. Từ các hoạt động này, chất lượng nuôi dạy được nâng lên, đã có 25 giấy chứng nhận bếp ăn hiện đại, 25 cô nuôi nấu ăn ngon, 50 GV tổ chức tốt giờ ăn.
100% trường mầm non tính khẩu phần ăn bằng phần mềm dinh dưỡng, vì vậy bữa ăn của trẻ được đảm bảo điều chỉnh ăn đủ về số lượng và đảm bảo cân đối về chất dinh dưỡng. Cũng như vậy, 100% trẻ được khám sức khỏe và cân đo, theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng là căn cứ quan trọng để nhà trường xây dựng chế độ dinh dưỡng.