Giữ sức khỏe khoa học để ôn - thi tốt

Giữ sức khỏe khoa học để ôn - thi tốt

(GD&TĐ)-Giữ gìn sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi, học tập một cách khoa học là yếu tố vô cùng quan trọng giúp các thí sinh có thể đạt được kết quả học tập, ôn thi tốt nhất. PGS TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia đưa ra những lời khuyên hữu ích về vấn đề này cho các sĩ tử trước mùa tuyển sinh 2012.

Giữ sức khỏe khoa học để ôn - thi tốt ảnh 1

PGS có thể cho biết, chế độ ăn uống như thế nào là khoa học để các thí sinh có sức khỏe tốt nhất để học thi ?

PGS TS Lê Thị Bạch Mai: Muốn học tập minh mẫn, trước hết não phải được "nuôi", cái mà bộ não của chúng ta cần chính là gluco. Tuy nhiên, phải làm sao để năng lượng được cung cấp một cách đều đều, lượng thức ăn nên rải đều làm nhiều bữa trong ngày. Không nên ăn một lúc quá nhiều vì lúc đó cơ thể sẽ phải mất nhiều năng lượng để chuyển hóa thực phẩm thành chất dinh dưỡng, dẫn đến làm cơ thể uể oải, không muốn làm gì. Đặc biệt lưu ý, không nên nhịn ăn sáng vì bữa sáng vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Một số bạn có thói quen ăn nhẹ bằng thức ăn nhanh như bim bim chẳng hạn cũng cần lưu ý vì điều đó không hề tốt cho sức khỏe. Thói quen đó sẽ góp phần làm lưu lại chất cặn bã lâu trong cơ thể, rất hại cho thận. Thay vào đó, hãy tập thói quen uống sữa hàng ngày.

Giữ sức khỏe khoa học để ôn - thi tốt ảnh 2
PGS.TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia.  Ảnh: gdtd.vn

Có hai điều cần chú ý trong chế độ ăn, một là chất đạm, hai là vitamin và khoáng chất lấy từ rau xanh và quả chín. Chất khoáng rất quan trong liên quan đến trí nhớ là sắt. Sắt có nhiều trong thức ăn động vật. Thức ăn thực vật ít sắt và khó hấp thu. Nếu để thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu. Dấu hiệu thiếu máu là da hơi xanh ; khi đứng lên hay ngồi xuống cảm thấy hơi choáng, hoa mắt. Khi đó, hãy uống bổ sung viên sắt khoảng 10 ngày.

Rất nhiều thí sinh thường dùng các chất kích thích như trà, cà phê để giúp tỉnh táo trong khi ôn thi, điều này có nên không thưa PGS ?

PGS TS Lê Thị Bạch Mai: Phải khẳng định là không nên phụ thuộc vào trà và cà phê. Nếu các bạn đã dùng hai thứ này rồi và cảm thấy đã hơi bị lệ thuộc thì có thể dùng, nhưng ít thôi. Trong cà phê có chất ca-fe-in, nếu dùng lâu dài cơ thể chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào nó. Các chất kích thích hoàn toàn có thể cho bạn vượt qua cơn buồn ngủ dễ dàng nhưng khi các bạn vượt qua bằng một chất mà không phải do cơ thể mình điều tiết sẽ cảm thấy cơ thể bị gắng sức. Khi đó, có thể tỉnh táo ngay lúc dùng nhưng sẽ không tỉnh vào lúc sau, khi hết cà phê cơ thể sẽ rất mệt.

Chú ý với các bạn đã dùng trà và cà phê, ngoài làm kích thích tăng nhịp tim, hồi hộp, cà phê, trà có thể làm các bạn thậm chí cảm thấy nóng, có bạn chảy mồ hôi đằng tai, như vậy là dấu hiệu tim bị mệt quá, không tốt. Đặc biệt không nên dùng cà phê, trà trước khi thi vì nó sẽ làm cơ thể hưng phấn, tim đập nhanh, không kiểm soát được suy nghĩ. Tóm lại, để cơ thể tính táo, hãy uống một cốc sữa, ăn chút hoa quả sẽ tốt hơn nhiều.

PGS có thể cho biết bí quyết nào giúp tăng cường trí nhớ và làm sao để giữ được tinh thần sảng khoái trong học tập ?

PGS TS Lê Thị Bạch Mai: Não muốn tỉnh táo hoạt động trước hết nó phải được cung cấp đủ gluco. Khi các bạn hạ đường huyết, thấy run chân tay, đói, lúc đó não cũng mệt. Khi mệt mỏi, cần tăng cường trí nhớ ngay lập tức có thể uống một cốc trà loãng pha với chút đường...

Nên nhớ, muốn cất được kiến thức vào não cần các chất trung gian để dẫn truyền thần kinh, đó là đường (lấy từ gạo, mì, ngũ cốc), đạm (lấy từ thịt động vật, trứng, cá, sữa, đậu đỗ). Ngoài ra, não hoạt động cần phốt pho, nếu đủ thì dẫn truyền thần kinh, trí nhớ tốt, tâm trạng thoải mái, hưng phấn hơn. Riêng các loại quả, tốt hơn cả là những hoa quả có nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi. Vitamin C là chất tham gia vào hoạt động của não.

Ngoài ra, khi học ôn, mắt phải hoạt động nhiều, nên ăn nhiều thực phẩm chứa Omega 3 và 6, vitamin A, có nhiều trong các loại cá nước lạnh, như cá trích, cá hồi, cá thu, cá ba sa, các loại quả có màu vàng đỏ như xoài, bí đỏ, cà rốt, các loại rau xanh thẫm như rau ngót, rau muống, các loại dầu thực vật như dầu vừng.

Vitamin B3, B6, B12 là các vitamin tốt cho trí nhớ. Tuy nhiên không nên uống kéo dài, chỉ uống trong vòng 1 tuần - 10 ngày, không nên lệ thuộc vào thuốc. Tốt nhất là nên ăn đủ các nhóm chất gồm đạm, béo, đường bột, vitamin và chất khoáng, không nhất thiết phải dùng thuốc bổ trợ.

Theo PGS, thời gian học buổi tối nên bắt đầu từ mấy giờ và kết thúc khi bào là hợp lý nhất ?

PGS TS Lê Thị Bạch Mai: Vấn đề này khá khác nhau với mỗi người, nhưng nói chung các bạn nên học vào lúc nào mình cảm thấy minh mẫn nhất. Chắc chắn buổi tối khi vừa ăn xong mà ngồi vào học ngay sẽ không tập trung vì lúc đó thức ăn chưa được chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng đế nuôi não. Thứ 2, khi vừa ăn xong cơ thể chúng ta cần tiêu hóa thức ăn, hơi mệt một chút. Thứ 3, việc ăn no sẽ làm tư thế ngồi học không thoải mái. Vì vậy, tốt nhất nên học sau bữa ăn ít nhất 40 phút hoặc có thể nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng sau ăn.

Riêng việc học nên kết thúc vào mấy giờ lại tùy theo khả năng của từng bạn. Đang học, khi cảm thấy buồn ngủ nên đi ngủ một lúc, để cho não nghỉ khoảng 2-3 tiếng lại có thể tỉnh táo dậy học tiếp. Quan điểm của tôi là khi đã ôn thi là học tối đa, học với tất cả năng lực, sức khỏe mà mình có.

Thêm vào đó, cũng trường hợp không thấy tỉnh táo là do não thiếu o xi. Khi đó, hãy rời khỏi bàn học và đi ra ngoài hít thởi không khí trong lành. Nếu thấy tỉnh táo trở lại hãy học tiếp, nếu không nên ngủ khoảng hai tiếng rồi dậy học, sẽ rất hiệu quả.

Về thời gian ngủ, phải đảm bảo ngủ ít nhất từ 5-6 tiếng 1 đêm. Đặc biệt quan trọng là giấc ngủ trưa. Ngủ trưa không cần nhiều và không nên ngủ nhiều, chỉ cần 20 - 30 phút là đủ và sẽ rất tốt cho não.

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.