Giữ ổn định trên tinh thần nhân văn

GD&TĐ - Những khoản phí đầu năm học từng khiến phụ huynh “toát mồ hôi” khi được “núp bóng” dưới hình thức tự nguyện. Cùng với đó, câu chuyện học phí cũng luôn nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trước thềm năm học 2021 – 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10. Theo đó, các cơ sở giáo dục công lập giữ nguyên học phí trong năm học 2021 - 2022 như năm học 2020 - 2021.

Chia sẻ với nhân dân cả nước trước những khó khăn, thách thức, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh, học sinh, sinh viên do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và các đợt thiên tai bão lũ ở nhiều địa phương trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có Văn bản số 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16/4/2021 gửi bộ, ngành; UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở giáo dục, đào tạo trên cả nước, trong đó đề nghị giữ ổn định mức học phí năm học 2021 - 2022 như năm học 2020 - 2021.

Có thể nói, giữ ổn định học phí là từ khoá được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong các văn bản hướng dẫn của Trung ương và các địa phương. Đây là điều mà phụ huynh mong chờ nhất trước thềm năm học mới. Điều đó cho thấy, vấn đề thu chi đầu năm học luôn được các cấp, ngành quan tâm và chỉ đạo sát sao.

Còn nhớ, năm học 2020 – 2021, lạm thu đầu năm học là chủ đề nóng được dư luận quan tâm. Phụ huynh không khỏi bức xúc khi nhiều cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt thái quá các quy định về thu chi. Theo đó, nhiều trường đã “tận thu” bằng cách chuyển hoá cách thức và thời gian thu tiền. Song, dù là phương thức nào,  bản chất của vấn đề vẫn là “lạm thu” và chẳng khác gì “bình cũ rượu mới”.

Vẫn biết, các cơ quan quản lý Nhà nước đã “chấn chỉnh” và chỉ đạo sát sao, yêu cầu các trường không được “lạm thu”, nhưng dường như điều này đã bị “phớt lờ” khi một số trường đưa ra cách làm mới và được “núp bóng” nhiều hình thức, trong đó có hình thức tự nguyện.

Phụ huynh, học sinh kỳ vọng và đặt niềm tin: Câu chuyện này sẽ không “tái bản” trong năm học 2021 – 2022. Cơ sở của niềm tin đó là, ngay trước thềm năm học mới, đồng loạt các địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn và cam kết không tăng học phí, giữ nguyên mức thu như năm học 2020 - 2021. Ổn định mức thu học phí và các khoản thu khác năm học 2021 - 2022 là thể hiện trách nhiệm xã hội của các địa phương và cơ sở giáo dục. Qua đó, nhằm chia sẻ gánh nặng khó khăn với xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Chủ trương đã có, vấn đề còn lại các cơ sở giáo dục cần nghiêm túc triển khai. Trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không vận dụng, sáng tạo trái quy định làm mất đi ý nghĩa nhân văn của chủ trương, chính sách mà ngành Giáo dục cũng như các địa phương đã ban hành.

Hơn bao giờ hết, các trường tiếp tục tổ chức dạy - học hợp lý, bảo đảm yêu cầu chất lượng và tiết kiệm tối đa các chi phí để tiết giảm các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục không cần thiết. Đồng thời, tính toán xác định mức thu hợp lý các khoản thu dịch vụ trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc: Chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh trong tình hình dịch bệnh và bảo đảm công khai minh bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.