Giữ lửa tình yêu nghề giáo: Yêu nghề để yêu người

GD&TĐ - Trên hành trình “gieo chữ, trồng người”, không ít thầy cô giáo, đặc biệt giáo viên công tác vùng cao trải qua nhiều khó khăn thử thách.

Cô Nguyễn Thị Ánh Phương, Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Bắc Hà - Lào Cai). Ảnh: Đức Hạnh
Cô Nguyễn Thị Ánh Phương, Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Bắc Hà - Lào Cai). Ảnh: Đức Hạnh

Thế nhưng vì yêu nghề, yêu người họ vượt lên tất cả để bám trụ trường, lớp. Với họ hạnh phúc nghề giáo là khi trao đi kiến thức, được chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ học trò.

Sẵn sàng vượt khó

Cô Nguyễn Thị Ánh Phương, quê Cẩm Khê (Phú Thọ) lên Bắc Hà công tác đã tròn 26 năm. Hiện, cô công tác tại Trường Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Bắc Hà, Lào Cai).

Trước khi đến với nghề giáo, cô Phương chuẩn bị nhập học Trường Cao đẳng Y Phú Thọ. Tuy nhiên khi người thân gợi ý, cô tham gia học lớp 12+6 Trường Trung cấp Sư phạm Lào Cai. Năm 1994, cô Phương về Bắc Hà công tác và không ngờ nơi mình chuẩn bị gắn bó lại khó khăn đến thế. Đã có lúc cô muốn “buông” để về xuôi tìm việc...

Nhưng rồi suy nghĩ “ở đây ai cũng khó khăn, đặc biệt học sinh dân tộc quá vất vả thiếu thốn mà vẫn nỗ lực đi học… thì tại sao mình không ở lại để giúp đỡ các em. Hơn thế, biết đâu, từ những con chữ, kiến thức mình trao đi sẽ giúp trẻ thay đổi cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình, quê hương…”. Vì vậy, cô Phương quyết tâm ở lại với giáo dục vùng cao.

Trên hành trình công tác, cô Phương trải qua nhiều đơn vị. Từ trường ở vùng trung tâm thuận lợi tới điểm trường khó khăn nhất. Có những nơi chỉ nghe thấy đã “ngại” thì cô Phương cũng gắn bó tới 10 năm. Được phân công nơi nào cô cũng vui vẻ chấp nhận và yên tâm công tác.

Cô Phương nhớ lại những ngày đã qua: Lương giáo viên trẻ gần như chỉ đủ ăn trong tháng một cách tằn tiện; không có nổi xe đạp để đi dạy nên thường xuyên phải đi bộ 2 giờ đồng hồ tới điểm trường nằm sâu trong thôn bản. Đường đi gập ghềnh, nếu có mưa hôm trước thì giáo viên mất ngủ vì lo lắng ngày mai sẽ tới trường cách nào.

Ngày ấy, mỗi lần về thăm nhà, mẹ cô thường làm cho hộp muối vừng lạc đủ ăn cả tháng. Nơi ở không có điện lưới, không có sóng điện thoại, liên lạc chủ yếu viết thư tay, giáo viên tự trồng rau, tăng gia; thức ăn cơ bản là cá mắm, đồ khô, có khi chỉ củ khoai, củ sắn rồi lên lớp…

Cô giáo mầm non Văn Thị Nết và chồng (giáo viên trường tiểu học) gắn bó với vùng cao Quản Bạ - Hà Giang gần 15 năm. Để trở thành cô giáo, cô Nết phải nỗ lực rất nhiều bởi xuất phát điểm mới học hết lớp 7.

Lên Quản Bạ theo chồng, cô Văn Thị Nết gửi con nhờ mẹ đẻ nuôi tại Tuyên Quang. Sau 3 năm làm nghề may kiếm sống, cô đăng ký học bổ túc văn hóa 2 năm để có được tấm bằng tốt nghiệp THPT. Sau đó, cô thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang học tiếp 3 năm. Ra trường, cô nhận công tác tại Nghĩa Thuận - xã biên giới khó khăn bậc nhất của Hà Giang.

Cũng như một số đồng nghiệp dưới xuôi lên vùng cao công tác, cô sợ nhất cái lạnh mùa đông nơi đây. Quần áo giặt vắt tay cả tuần không khô, giặt qua máy giặt thì 3 - 4 ngày vẫn ẩm. Những bữa cơm nấu xong chỉ 10 - 15 phút chưa ăn đã nguội lạnh. Dù đóng cửa trong nhà, mặc 5 - 7 lần áo vẫn rét. Mùa đông kéo dài, khắc nghiệt khiến cả trò và thầy đều vất vả.

Điều khiến cô Văn Thị Nết đau đáu là nỗi nhớ gia đình, con cái. Nhiều khi nhớ con, cô bật khóc. Mỗi năm chỉ về nhà 1 - 2 lần dịp hè và tết, có khi nhận tin con bị tai nạn, vợ chồng cô chạy xe máy trong đêm mất 6 – 7 giờ về tới nhà; mẹ ốm nằm một chỗ nhưng dịch Covid-19 phức tạp cô chưa thể về thăm. Cô Nết chia sẻ từng đôi lần định xin chuyển vùng hoặc thôi nghề, nhưng vợ chồng cô đã gắn bó với mảnh đất Nghĩa Thuận 15 năm nên chẳng lỡ xa. Yêu và đam mê nghề giáo, yêu những đứa trẻ vùng khó, cô ở lại để thỏa ước mơ.

Cô Văn Thị Nết công tác tại Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận. Ảnh: NVCC
 Cô Văn Thị Nết công tác tại Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận. Ảnh: NVCC

Yêu nghề nên mãi yêu trò

Những ai đam mê nghề giáo cũng đồng nghĩa chấp nhận khó khăn, thích ứng với đòi hỏi của công việc, xã hội. Cô Dương Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang) - chia sẻ: Giáo viên mầm non vất vả vô cùng. Sáng sớm nhanh chóng đưa con mình tới lớp để quay ra kịp đón trẻ khác vào lớp mình. Hết giờ học, cô giáo mầm non luôn về muộn nhất.

Nhiều khi hết giờ, muốn mang trẻ trả tận nhà cho sớm cũng không được vì phụ huynh đi nương rẫy chưa về. Gọi điện thoại nhắc phụ huynh đến đón cũng không xong bởi rừng sâu núi cao đâu phải chỗ nào cũng có sóng liên lạc. Cô giáo đành ở lại lớp trông trẻ tới khi phụ huynh đón trẻ. Bao  khó nhọc, thế mà ngày nào không đến trường, cô thấy nôn nao vì nhớ bọn trẻ.

Một trong những lý do khiến thầy cô vùng khó luôn vượt qua khó khăn bởi quanh họ tình đồng nghiệp ấm áp, bảo bọc nhau. Theo cô Nguyễn Thị Ánh Phương, thầy cô luôn biết cách tạo cho nhau niềm vui trong ngày lễ, tết bằng những điều giản dị nhất như hái tặng nhau những bó hoa rừng, cùng nhau ca hát, đóng kịch, ngâm thơ. Vượt qua thăng trầm cuộc sống, nghề nghiệp, họ càng thêm yêu nghề, yêu trò. Với họ được cống hiến là hạnh phúc.

Với những người thầy chân chính, hạnh phúc luôn giản dị. Thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát - Thanh Hóa) - bày tỏ: Chúng tôi chỉ cần học sinh không trốn bỏ học, các em tiếp thu hết bài, có sự tiến bộ dù nhỏ nhất… là hạnh phúc lắm rồi. Tình yêu nghề, yêu trò sẽ giúp giáo viên thêm nỗ lực, động lực, mọi thách thức sẽ được hóa giải, vượt qua…

Yêu nghề và xác định ở lại với học trò vùng khó nên cô Phương không than phiền nửa lời. Viết thư về cho bố mẹ, cô vẫn nói cuộc sống đầy đủ, công việc ổn định để gia đình yên tâm và cũng không “thúc” cô chuyển nghề. Chỉ tới khi cô Phương xây dựng gia đình, người thân lên chung vui mới biết về những khó khăn cô đối diện...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ