Giữ lửa khảm trai Chuôn Ngọ

GD&TĐ - Yêu nghề, say mê sáng tạo, hơn 30 năm qua nghệ nhân Nguyễn Đình Hải ở thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn ngày đêm giữ lửa làng nghề khảm trai truyền thống để tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, góp phần làm giàu cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân…

Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải bên bức tranh khảm trai chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải bên bức tranh khảm trai chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Giữ lửa làng nghề

Vốn có truyền thống cách đây hàng trăm năm, làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ vẫn tồn tại dù qua biết bao thăng trầm. Thời cực thịnh, cả xã Chuyên Mỹ có hơn 80% gia đình làm nghề. Đến nay, số lượng người làm nghề mai một dần, chỉ còn hơn 30% số hộ trong xã giữ nghề. Làm không chỉ để phát triển kinh tế gia đình mà còn vì tâm huyết, vì muốn giữ gìn và phát huy những giá trị mà cha ông để lại.

Cũng như bao người con được sinh ra ở cái nôi của nghề khảm trai, nghệ nhân Nguyễn Đình Hải sớm được tiếp cận với nghề. Ngay từ khi còn nhỏ, sau những giờ trên lớp anh thường nhặt những mảnh trai đã bỏ đi rồi dùng keo gắn thành hình con vật, ngôi nhà, hoa lá... Được ông bà, cha mẹ truyền dạy khảm trai, cứ thế anh lớn lên cùng nghề.

Chỉ những ai gắn bó, đam mê mới hiểu được rằng khảm trai không đơn giản chỉ là nghề đục đẽo, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định mà đó là cả một “chặng đường” nghệ thuật. Đến với nghề khảm trai giống như định mệnh, lúc nào nghệ nhân Nguyễn Đình Hải cũng nghĩ trước hết phải yêu nghề và đam mê thì mới thành công được. Anh dành nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp để áp dụng vào nghề.

Anh Hải cho biết để có được nguyên liệu tốt nhất, người thợ phải đi nhiều nơi để thu gom vỏ trai, ốc cỡ lớn, thậm chí phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Để tạo ra một sản phẩm khảm trai, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều cần tới sự tỉ mỉ, khéo léo và tinh tế. Đồng thời, người thợ phải có con mắt tinh tường, có óc thẩm mỹ mới có thể tạo ra một tác phẩm mang tính nghệ thuật.

Một trong những công đoạn quan trọng của nghề khảm trai là “cẩn xà cừ” nghĩa là đục gỗ theo nét vẽ và gắn những nguyên liệu họa tiết lên đó. Còn công đoạn kỳ công nhất trong nghề khảm phải kể đến là cưa, đục các mảnh trai. Khi người thợ có tay nghề cao, tâm huyết thì sẽ cho ra đời sản phẩm sinh động và có giá trị lâu dài.

Khi chia sẻ về định hướng phát triển, anh Nguyễn Đình Hải cho biết, nhận thấy việc nhân cấy nghề là hết sức quan trọng, anh thường xuyên phối hợp tham gia các lớp tập huấn và nâng cao tay nghề. Với các học viên làm tại cơ sở, anh đứng ra chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đồng thời, nếu học viên có nhu cầu làm việc tại cơ sở anh sẽ nhận vào làm.

“Tôi luôn ý thức rằng làm nghề thôi chưa đủ mà truyền nghề cho nhiều người khác. Chính vì lẽ đó, tôi đã quyết định gây dựng cơ sở riêng và thành lập cơ sở đồ gỗ Duy Hải Phát vừa để thỏa mãn niềm đam mê khảm trai, vừa để duy trì nghề truyền thống của ông cha…” - nghệ nhân Nguyễn Đình Hải chia sẻ.

Lúc đầu mới thành lập, cơ sở cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhân lực mỏng, chủ yếu là những người thân trong gia đình và phát triển nhanh chóng. “Vợ chồng tôi vừa học hỏi, đi khắp nơi khảo sát, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong nước và ngoài nước đối với mặt hàng khảm trai để định hướng sản xuất, đồng thời thay đổi mẫu mã sản phẩm theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm độc đáo” - anh Hải chia sẻ.

Phát triển nghề truyền thống

Ông Phạm Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên cho biết: Việc gìn giữ và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở vùng nông thôn được địa phương xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thôn Ngọ đã được công nhận là “làng nghề truyền thống” và được phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề kết hợp với du lịch. Đền thờ Đức Trương Công Thành đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Nghề khảm trai truyền thống ở thôn Ngọ không những làm cho người dân no ấm, nhiều đời vinh hiển, mà còn góp phần làm đẹp và phong phú thêm cho “Quê hương mỹ nghệ - vùng đất trăm nghề” Hà Nội. Những sản phẩm khảm trai là một món quà đậm đà tình nghĩa quê hương; đồng thời là món quà lưu niệm đầy ý nghĩa đối với khách du lịch quốc tế khi có dịp đến Việt Nam.

“Nguyễn Đình Hải là một nghệ nhân tâm huyết với nghề. Việc giữ nghề không chỉ làm giàu về kinh tế, mà còn để phát triển những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống cho thế hệ mai sau. Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải cũng là một tấm gương điển hình về phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, góp phần chung vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo nếp sống văn hóa tại khu dân cư…” - ông Đại cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ