Chính nhờ vậy, nghề làm ngựa giấy rất phát triển trong thời điểm cận Tết ở Hội An, với không ít nghệ nhân đã gắn bó cả cuộc đời với công việc này.
Gần 30 năm làm ngựa giấy
Những ngày cận Tết, trong con hẻm nhỏ đường Trần Cao Vân (phường Cẩm Phô, TP Hội An), căn nhà thuê của chị Lê Thị Thanh Thế (47 tuổi) chất đầy những chú ngựa giấy được trang trí, chăm chút rất đẹp.
Bàn tay cần mẫn của chị thoăn thoắt làm các công đoạn cắt, dán từ những loại giấy cứng mềm khác nhau, màu sắc khác nhau để tạo thành những chú ngựa na ná giống nhau từ ngoại hình đến kích cỡ. Các công việc với chị thành thạo đến nỗi nhiều khi chị không cần nhìn, vẫn có thể dán đúng vị trí từng cái một trên thân ngựa hay những gì trang trí bên ngoài.
Chị Thế chia sẻ: “Nghề gì cũng khó khăn cả, làm ngựa giấy cũng vậy. Làm để cho có bán thì hầu như ai làm cũng được. Song với tôi, đây vừa là công việc mưu sinh, vừa còn là một tín ngưỡng thiêng liêng mà ông bà xưa truyền lại. Cho nên mỗi khi cầm vào một tờ giấy để làm nên ngựa, tôi đều cẩn thận và nghĩ rằng như mình đang làm cho chính gia đình mình chứ không phải là một sảm phẩm để bán”.
Chị Thế nhẩm tính, trung bình tháng Chạp hàng năm, gia đình chị xuất đi ước tính cả vạn con ngựa giấy, cùng với những thế phẩm, quần áo, vàng giấy khác, hợp thành một bộ.
Những sản phẩm hàng mã khác đã có công đoạn sẵn, chỉ cần ráp vào đơn giản là xong. Nhưng với ngựa giấy, hầu như phải hoàn toàn làm từ từng bước tạo hình, cắt, dán và trang trí. “Nếu không đam mê và chăm chút với nghề, sẽ mất khách hàng và mất nghề ngay”, chị Thế chia sẻ.
Những câu chuyện về ngựa giấy
Theo chị Thế, ngay từ hồi chập chững bước đi, đã thấy ông bà mình hóa ngựa giấy trước Tết, khi mời tổ tiên về hưởng Tết cùng con cháu; rồi cúng những con ngựa giấy trên bàn thờ, cùng với áo quần, tiền giấy… trong ba ngày Tết. Hết Tết, tất cả được hóa vàng. Có như vậy, con cháu mới thấy thanh thản trong lòng.
Các bậc cao niên ở Hội An lại cho rằng, tục này xuất phát từ việc xa xưa, phương tiện đi lại của cha ông mình sang nhất là ngựa. Nên khi người thân khuất núi, con cháu đặt những con ngựa giấy cho hương hồn ông bà, cha mẹ mình. Vì thật ra, hồi ấy chỉ có quan và những người làm công vụ hoặc những nhà giàu mới có ngựa mà đi, chứ nông dân nghèo làm gì có được.
Thời Chúa Nguyễn, những cư dân vượt đường vạn dặm Nam tiến mở đất cũng phải chân trần mà đi suốt ngày này qua ngày khác, suốt tháng này qua tháng khác chứ làm gì có được một con ngựa để đi cho đường thiên lý bớt xa dịu vợi. Thành ra, sống không được sướng, khuất bóng thì con cháu cũng muốn cha mẹ ông bà mình được hưởng một chút thú phong lưu chăng?
Theo cách lý giải ấy thì ngựa giấy cũng là một mơ ước của người nông dân xưa về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở cõi vĩnh hằng. Mang theo tâm niệm ấy vào đời sống, dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng tập quán của những cư dân Hội An vẫn không thay đổi. Những ngày giáp tết, ở phố Hội này vẫn thấp thoáng hình ảnh những chú ngựa giấy mang một chút gì đó vừa kiêu hãnh, vừa mạnh mẽ nhưng lại vừa rất đáng yêu.