Từ mái nhà rông của làng, người già truyền dạy cho lớp trẻ, người biết chỉ cho người chưa biết như cách họ gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc bằng tất cả niềm tin, tình yêu và trách nhiệm.
Người biết dạy cho người chưa biết
Chiều muộn, bên mái nhà rông của thôn 5 (Kon Braih, Quảng Ngãi), tiếng chiêng trầm hùng hòa cùng nhịp xoang vọng vang giữa đại ngàn. Ở nơi ấy, mỗi nhịp chiêng, lời ca không chỉ là giai điệu truyền thống, mà còn là nhịp đập văn hóa đang được tiếp nối qua từng thế hệ.
Câu lạc bộ văn hóa dân gian thôn 5 được thành lập từ năm 2021 với 35 thành viên đầu tiên, nay có hơn 50 người thuộc nhiều lứa tuổi. Họ là người già, thanh niên và cả những người phụ nữ yêu văn nghệ; tất cả cùng chung một tấm lòng giữ gìn giá trị văn hóa của dân tộc.
Đều đặn hai buổi mỗi tháng, nhà rông lại rộn ràng tiếng nói cười. Người già truyền dạy điệu múa xoang, cách đánh chiêng cho lớp trẻ. Những phụ nữ tỉ mẩn học từng bước múa, câu hát. Người biết dạy cho người chưa biết. Không khí sinh hoạt luôn ấm áp như một dịp để cộng đồng cùng ngồi lại, kể cho nhau nghe câu chuyện của dân tộc qua ngôn ngữ âm nhạc.
Dù đã ngoài 70 tuổi, nghệ nhân A Jring Đeng - Chủ nhiệm câu lạc bộ vẫn miệt mài đến truyền dạy trong mỗi buổi tập. Ông bảo: “Mỗi người góp một tiếng hát, một nhịp chiêng; lâu dần thành phong trào. Đó là cách chúng tôi gìn giữ văn hóa dân tộc mình”.
Không chỉ sinh hoạt trong cộng đồng, câu lạc bộ còn phối hợp với các trường học trên địa bàn truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho học sinh tiểu học và THCS. Những điệu xoang, bài chiêng được lồng ghép vào giờ học ngoại khóa, lan tỏa trong các hoạt động hè.
Những thiếu niên ban đầu ngại học múa, học chiêng vì sợ khó, sợ không hay, không đẹp. Nhưng trong sinh hoạt cộng đồng, mọi thứ được nuôi dưỡng bằng tình thương, sự kiên nhẫn, niềm tin.
Chính vì thế, những vấp váp ban đầu không khiến người dạy nản lòng, cũng không làm người học chùn bước. Để rồi từ buổi tập vụng về, từng bước chân xoang của hơn 20 thiếu niên trở nên vững vàng, từng nhịp chiêng hòa vào tiết tấu mang theo cả câu chuyện của làng, của dân tộc.
Năm 2024, câu lạc bộ đại diện xã Kon Braih tham gia Hội thi Cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số lần thứ II và đạt giải A ở nội dung biểu diễn cồng chiêng, xoang; giải B hòa tấu nhạc cụ truyền thống.
Không chỉ dừng lại ở giải thưởng, câu lạc bộ còn được mời biểu diễn tại Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang cấp tỉnh. Thành công ấy là thành quả của sự kiên trì, đoàn kết và đam mê gìn giữ nét đẹp truyền thống của từng thành viên.

Giữ bản sắc giữa những khó khăn
Cũng chung nỗi niềm với thôn 5, câu lạc bộ văn hóa dân gian thôn Kon K’lốc (Đăk Mar, Quảng Ngãi) ra đời từ năm 2017. Là nơi quy tụ những người con Xơ Đăng tâm huyết với văn hóa dân tộc, câu lạc bộ từng trải qua những năm tháng thiếu thốn: Nhạc cụ hư hỏng, trang phục cũ kỹ, nghệ nhân ngày một già đi. Nhưng, khó khăn không làm họ lùi bước.
Nhờ sự hỗ trợ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền địa phương, câu lạc bộ từng bước được củng cố, trang bị thêm cồng chiêng, nhạc cụ, trang phục và được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng… Nhờ đó, các thành viên càng thêm gắn bó. Từ vài chục người ban đầu, câu lạc bộ nay có hơn 100 thành viên, chia thành ba nhóm: Người lớn, thanh niên và thiếu nhi. Người già kèm cặp người trẻ, cha mẹ dạy cho con cháu.
Nghệ nhân Y Khar - Chủ nhiệm câu lạc bộ, chia sẻ: “Trải qua những khó khăn, thiếu thốn mới thấu hiểu dân làng say mê và mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc nhiều như thế nào. Thời gian đầu, những người trẻ tập đánh cồng chiêng, múa xoang còn gượng gạo.
Nhưng cứ học, cứ tập, cứ kiên trì ngày càng gặt hái được thành quả. Nhìn con cháu biết đánh chiêng, múa xoang, tự nhiên lòng thấy ấm. Những buổi giao lưu ấy tuy mộc mạc, không ánh đèn sân khấu, nhưng luôn tràn đầy sự háo hức, gắn bó”.
Không chỉ tham gia các hội thi, hội diễn, các thành viên câu lạc bộ còn sưu tầm, chép lại những làn điệu dân ca, bài chiêng cổ, tri thức văn hóa đang mai một dần theo thời gian. Họ giữ gìn bằng trí nhớ, bằng sự say mê và cả niềm tin “văn hóa chỉ sống khi có người tiếp nối”.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có hàng chục câu lạc bộ văn hóa dân gian hoạt động đều đặn tại các thôn, làng. Mỗi câu lạc bộ là một “hạt nhân” văn hóa. Không chỉ là sân chơi tinh thần, các câu lạc bộ còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện tại, giữa thế hệ già và lớp trẻ. Các câu lạc bộ còn góp phần nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, ý thức gìn giữ bản sắc cho từng người dân. Và ở nơi nào còn tiếng chiêng ngân, còn điệu xoang vang vọng giữa làng, nơi đó văn hóa vẫn được giữ gìn không chỉ trong lễ hội mà trong từng nhịp sống đời thường.