Điều đó không những thể hiện sự phong phú, đa dạng của văn hóa dân tộc mà còn chứng tỏ đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao so với những năm trước đây... Tuy nhiên, đằng sau những lễ hội vẫn còn không ít băn khoăn nghi ngại.
Phần tất yếu của người Việt
Xuân về cũng là lúc người Việt Nam được sống trong không khí tưng bừng của lễ hội. Các lễ hội có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống tâm linh, tinh thần, văn hoá của người Việt trước kia và hiện nay.
Lý giải về điều này, GS Ngô Đức Thịnh - nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu VHDG Việt Nam chỉ ra: Mùa Xuân là mở đầu một năm, mở đầu của vụ gieo trồng còn mùa thu khép lại một vụ gieo trồng, thu hoạch và người ta tạ ơn các thần linh. Trải quá trình phát triển thì mùa Xuân dần dần trở thành một mùa tập hợp nhiều lễ hội, các lễ hội mùa Xuân chiếm tới khoảng 2/3 lễ hội của các dân tộc anh em. Lễ hội Xuân trở thành một biểu tượng vì nó mở đầu cho một năm.
Lễ hội trong quan niệm âm dương trời đất kết thúc mùa Xuân kết thúc khí Âm và khí Dương lên. Trong quan niệm vũ trụ luận Phương Đông khi âm dương hài hòa kết hợp thì tạo ra mùa màng tốt tươi và sức khỏe của con người cũng tốt và cây cỏ và súc vật đâm chồi nảy lộc, là mùa sinh nở, mở đầu một năm, cho nên lễ hội tập trung vào mùa Xuân.
Trong quá trình lịch sử lễ hội từ nguồn gốc nông nghiệp được bổ sung thêm các sự kiện lịch sử, thờ các anh hùng lịch sử và được tôn thờ bởi những giao lưu văn hóa với các nước và bổ sung bằng các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, khiến cho lễ hội hiện nay rất phong phú...
Lễ hội hướng con người tới cội nguồn dân tộc, kể cả cội nguồn tự nhiên (Ví như lễ hội Chùa Hương trước khi Phật giáo hóa thì nó là lễ hội chơi hang. Tức là con người trở về với tự nhiên, với thiên nhiên. Sau này nó bị tôn giáo, Phật giáo hóa); lễ hội đưa con người trở về cội nguồn dân tộc (Nhiều lễ hội kỷ niệm các anh hùng dân tộc, như hội Đền Hùng, đền Gióng là trở về lịch sử dân tộc). Lễ hội còn là biểu trưng của cộng đồng. Không có lễ hội của một cá nhân mà lễ hội là của một nhóm người, của cộng đồng.
Trong lễ hội Việt Nam thì cộng đồng tiêu biểu nhất là cộng đồng làng. Trong môi trường hội của làng, tùy theo mỗi nơi tập hợp trở thành một vùng. Từ đó có một lễ hội, như lễ hội Đền Hùng, trở thành Quốc lễ. Trong lễ hội thì bao giờ người ta cũng cố kết với nhau, biểu trưng sức mạnh của cộng đồng, gắn kết với cộng đồng.
Bảo tồn giá trị truyền thống cho lễ hội
Loại bỏ hay thay thế? Đó là câu hỏi được đặt ra khi nhiều lễ hội truyền thống có những yếu tố, chi tiết khiến dư luận tranh cãi và cho rằng phản cảm. Tuy nhiên, các nhà văn hóa đều khẳng định không thể huỷ bỏ.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, dân gian có cách riêng của họ, các chi tiết đó đã được người xưa tính toán. Các nhà nghiên cứu hiện tại chỉ nên nghiên cứu lại xem người xưa đã làm như thế nào? Nên làm kín hơn? Hay không nên mở rộng. Nên sử dụng hình thức đó để duy trì và tránh những điều chúng ta không mong muốn chứ không nên bỏ đi. Rõ ràng cảm xúc cá nhân và sự tôn trọng văn hóa nhiều khi lại là 2 mặt hoàn toàn khác nhau, kể cả việc lễ hiến sinh đó là tín ngưỡng thật sự hay chỉ đơn giản như việc phục dựng để thỏa mãn “cái oai” của từng cộng đồng tiểu nông.
Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, thời nay, thế giới kêu gọi chấp nhận sự đa dạng văn hóa, miễn sao các hành vi đó nằm trong giới hạn pháp luật, không xâm hại đến quyền con người. Ngay chính các tổ chức quốc tế dù đã đưa cá voi vào diện sách đỏ nhưng vẫn phải cho phép lễ hội săn cá voi của người Eskimo mỗi năm 1 lần. Cuộc sống là vậy, chúng ta vẫn thường phải chấp nhận sự tồn tại song hành của những cái hoàn toàn đối lập. Còn việc thay các vật hiến sinh bằng đồ giả có lẽ là điều bất khả thi. Bởi các chủ thể văn hóa sẽ coi đó là sự lừa dối thánh thần, kèm theo đó là nhiều hệ lụy khác, khó có thể chấp nhận.
Vậy bảo tồn lễ hội truyền thống sẽ đi theo hướng nào để phù hợp với phong tục, truyền thống, văn hóa… vẫn là câu hỏi được đặt ra.
Có thể thấy, một hướng đi phù hợp hoàn toàn phụ thuộc vào tri thức, quan niệm của người điều hành, nhà quản lý. Ở góc độ nhà nghiên cứu, căn cứ trên những gì mà các nước phát triển đã làm để bảo tồn hệ giá trị văn hóa của quá khứ, dễ thấy nguyên tắc càng bảo tồn nguyên vẹn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Mọi việc làm mới di sản luôn được đặt ở thế song song, đồng hành chứ không thay thế, loại bỏ hệ giá trị cổ truyền.
Với các di sản văn hóa phi vật thể, có những loại hình có thể bảo lưu nguyên vẹn cả không gian văn hóa từng bao chứa di sản đó. Nhưng cũng có những loại hình thì buộc phải phục dựng không gian xưa trong mô hình bảo tồn tập trung có trọng điểm, được khu biệt dạng bảo tàng sống. Đây là cách làm rất phổ biến trên thế giới.
Nói thì đơn giản là vậy thế nhưng việc bảo tồn có thực hiện được hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn kinh phí, đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay. Ngoài ra, tri thức của người cầm cân nảy mực cũng là vấn đề vô cùng quan trọng, họ có thể làm tốt, tiêu tiền đúng người đúng việc hoặc tiêu phí cả nguồn kinh phí lớn vốn để đâu tư bảo tồn di sản.
Ý thức giữ gìn di sản của thế hệ trẻ hiện nay cũng được các nhà nghiên cứu văn hoá nhìn nhận khá tích cực khi cho rằng, điều thiệt thòi rất lớn của họ là không được tiếp xúc với nhiều giá trị chân truyền của cha ông do các lớp nghệ nhân lão thành đã khuất bóng từng lưu giữ.
Nhưng bù lại, hiện nay điều kiện tiếp cận thông tin đại chúng của thế hệ trẻ lại vô cùng thuận lợi, đặc biệt sự cập nhật thông tin trên thế giới. Nếu được giáo dục chủ động đúng hướng và đồng bộ, hoàn toàn tin tưởng họ sẽ làm tốt hơn nhiều so với các thế hệ cha anh trong công cuộc bảo tồn hệ giá trị di sản văn hóa nghệ thuật cổ truyền dân tộc.
Theo GS. Ngô Đức Thịnh: Lễ hội dân gian là do cộng đồng làng xã tạo dựng nên. Nó xuất phát từ nhu cầu, ước vọng của từng người dân, của cộng đồng đó từ ngàn đời truyền lại đến nay. Mỗi cộng đồng, mỗi lễ hội đều có những đặc tính riêng... Vì vậy hãy để người dân, cộng đồng đã sản sinh ra lễ hội đó tự làm việc này.