Từ đêm mùng 9 đến 10/6, lượng mưa phổ biến đo được ở Cao Bằng là 50 - 139 mm, có nơi lên đến 200 mm như ở thị trấn Nước Hai (Hòa An)...
Nhà cửa và hoa màu của một hộ dân ở Cao Bằng bị ngập. Ảnh: Báo Cao Bằng. |
Mưa giông đã làm anh Ma Văn Sung (41 tuổi, trú xã Lương Thông, Thông Nông) thiệt mạng do bị sét đánh, theo báo Cao Bằng. Mưa lớn cũng đã gây ngập lụt nhiều diện tích lúa, hoa màu ở một số địa phương thuộc huyện Trà Lĩnh, Nguyên Bình, Tổng Cọt, Thông Nông.
Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là huyện Hòa An với hơn 50 ha hoa màu bị ngập, 150 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, 5 nhà dân bị sập mái, đổ tường; 5 cầu dân sinh bị cuốn trôi.
Bên cạnh đó, mưa lớn còn khiến nhiều đoạn giao thông nông thôn bờ suối bị sạt lở, không đi lại được.
Giới chức Cao Bằng huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ người dân địa phương khắc phục hậu quả và ổn định đời sống.
Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương cảnh báo từ ngày 11 đến 13/6 trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng xuất hiện đợt lũ vừa, các tỉnh vùng núi cần đề phòng lũ quyét, sạt lở đất và đề phòng ngập úng ở vùng trũng, ngập lụt đô thị ở các tỉnh đồng bằng.
Để chủ động ứng phó, chiều 10/6, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương có công điện yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động thông báo, kiểm tra, rà soát và sơ tán dân để đảm bảo an toàn tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhất là các địa phương như thành phố Điện Biên, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Lay (tỉnh Điện Biên); huyện Mường Tè, Phong Thổ, Than Uyên (Lai Châu); Mù Căng Chải (Yên Bái)...
Các tỉnh, thành phố đồng bằng gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam cần kiểm tra, rà soát các phương án đề phòng ngập úng.
Đồng thời kiểm tra hồ, đập, đê điều trên địa bàn; thường trực tại các công trình sung yếu, phát hiện và xử lý ngay sự cố; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du trong mọi tình huống.