Giới trẻ vẫn yêu Lịch sử

Giới trẻ vẫn yêu Lịch sử

(GD&TĐ) - Hơn 200 học sinh sinh viên không quản ngại thời tiết lạnh kèm theo mưa phùn để có mặt tại buổi phỏng vấn tuyển tình nguyện viên của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tất cả đều hứng khởi, hi vọng mình sẽ được chọn. Điều đó làm không ít người, đặc biệt là những người vốn nghi ngờ tình yêu của giới trẻ đối với Lịch sử, văn hóa nước nhà thực sự ngạc nhiên.

Không phải sinh viên học Sử mới yêu Sử

Phan Thu Hà, Phó Chủ tịch nhóm tình nguyện, bất ngờ lại là một sinh viên năm cuối của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Cô sinh viên năng động này cho biết: “Khi bắt đầu kế hoạch tuyển tình nguyện viên em rất lo sợ không có ai đăng ký. Nhưng không ngờ, chỉ trong một tuần, số đơn gửi về đã lên đến 300. Điều này chứng tỏ giới trẻ còn nhiều bạn quan tâm và yêu Lịch sử nước nhà lắm”.

Theo Hà, 75 người được lựa chọn trong nhóm tình nguyện đến từ rất nhiều trường khác nhau, trong đó có Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Báo chí và tuyên truyền, ĐH KHXH&NV. Dù không phải ai cũng học chuyên ngành Lịch sử, nhưng các bạn đều gặp nhau ở sự nhiệt tình, tâm huyết.

Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) tìm hiểu lịch sử truyền thống. Ảnh: Phan Hải
Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) tìm hiểu lịch sử truyền thống.  Ảnh: Phan Hải

Tham vọng của Hà là xây dựng được một mạng lưới tình nguyện viên kết nối các bảo tàng. Khi đó, chính lực lượng này sẽ là cầu nối, thu hút giới trẻ đến với bảo tàng nhiều hơn. Với Hà, đó không chỉ là một cách học hiệu quả mà còn làm sâu đậm hơn tình yêu đối với lịch sử văn hóa dân tộc.

Nguyễn Thị Quỳnh Nga, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV – một tình nguyện viên chia sẻ: Trong suốt thời gian tình nguyện, dù lượng khách tham quan người Việt thường ít hơn người nước ngoài, nhưng có không ít sinh viên tìm đến để tìm hiểu lịch sử đất nước. Nga khẳng định, bản thân em chứng kiến rất nhiều bạn trẻ đam mê lịch sử, họ không chỉ hào hứng tìm hiểu về lịch sử nước nhà mà còn cả lịch sử của nhân loại. Đơn cử vừa qua, video clip “Lịch sử Việt Nam 4 ngàn năm” nằm trong đồ án tốt nghiệp cử nhân ngành Đồ họa ứng dụng tại Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đã được cộng đồng mạng nhiệt tình ủng hộ, hưởng ứng.

Đến Bảo tàng học Lịch sử

Lý giải hiện tượng học sinh sợ học Lịch sử, nhiều giáo viên cho rằng do thời lượng dạy học môn Sử ở trường ít. Vì để đảm bảo dạy đúng, đủ chương trình nên giáo viên khó mở rộng kiến thức, khả năng truyền đạt hạn chế. Cùng với đó, kiến thức trong SGK còn khô cứng, trừu tượng, không có đạo cụ trực quan như các bộ môn khác khiến giờ học Sử tẻ nhạt, không hứng thú.

Từ năm 2007, Bảo tàng Lịch sử đã cho ra đời Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, đối tượng tham gia là tất cả học sinh phổ thông các cấp học. Đồng hành với CLB là đội ngũ những cán bộ giáo viên dạy môn Lịch sử. CLB sinh hoạt bám vào các sự kiện lịch sử, ngày lễ lớn, hoặc theo chương trình học của sách giáo khoa tùy theo đối tượng.

Theo ThS Nguyễn Kim Thành - Chủ nhiệm CLB, để có được nội dung mỗi kỳ sinh hoạt, Ban chủ nhiệm và các trường phải bàn bạc, thống nhất, phối hợp thực hiện. Ngoài nội dung phong phú, hình thức tổ chức được yêu cầu hấp dẫn để biến mỗi kỳ sinh hoạt thành một bức tranh về lịch sử, về quá khứ hào hùng của dân tộc thông qua hình ảnh, hiện vật, trò chơi, kể chuyện; các em được khám phá, tìm hiểu trực tiếp và từ đó yêu thích lịch sử, yêu thích và tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc mình.

Mặc dù Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” đã hỗ trợ và giải quyết cho việc dạy và học Sử rất tốt, nhưng mô hình này vẫn còn một số hạn chế. Đó là số giờ học tại Bảo tàng ít, ngắn, phạm vi đối tượng còn hạn hẹp vì vẫn là mô hình thực nghiệm. Bảo tàng mở cửa 30 ngày/tháng phục vụ công chúng nhưng chỉ có một ngày các trường học đăng ký tham gia Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”. Hy vọng, mô hình này sẽ được nhân rộng, cũng như nhận được sự quan tâm ủng hộ nhiều hơn nữa từ phía nhà trường để học sinh có cơ hội được thấy Lịch sử vô cùng sống động, không hề là môn học khô khan với toàn sự kiện và con số.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ