Giới trẻ Đà Nẵng háo hức đón chờ Đại hội Thể thao HS Đông Nam Á lần thứ 13

GD&TĐ - Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 31/5 - 9/6.

Đại hội lần thứ 13 đề cao sự kết nối, cùng đoàn kết vì một thế hệ trẻ Đông Nam Á hội nhập và phát triển. Ảnh: BTC
Đại hội lần thứ 13 đề cao sự kết nối, cùng đoàn kết vì một thế hệ trẻ Đông Nam Á hội nhập và phát triển. Ảnh: BTC

Thành phố đã hoàn chỉnh mọi công tác chuẩn bị để đón các đoàn đến tranh tài.

Niềm vui tình nguyện viên

Từ 300 học sinh được Trường Tiểu học – THCS Đức Trí (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đề cử tham gia đội hình đồng diễn trong chương trình khai mạc Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 (Đại hội), ban tổ chức đã chọn ra 100 em.

Cô Lê Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường đưa môn Vovinam (võ cổ truyền Việt Nam) vào dạy đại trà cho học sinh mấy năm nay. Vì vậy, trong chương trình khai mạc có tiết mục biểu diễn động tác võ thuật trên nền nhạc nên ban tổ chức đã đề xuất với nhà trường tạo điều kiện cho học sinh tham gia. Chúng tôi thấy đây là vinh dự, nhiệm vụ khi Đà Nẵng lần đầu tiên đăng cai tổ chức Đại hội”.

Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á là đại hội thể thao lớn nhất dành cho học sinh trung học trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm thúc đẩy sự đoàn kết của các nước trong khu vực thông qua hoạt động thể thao trường học, tạo cơ hội cho các vận động viên thi đấu, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và tinh thần thể thao. Đây lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này, trước đó là vào năm 2013.

Để thuận lợi cho phụ huynh, Trường Tiểu học – THCS Đức Trí đảm nhận luôn công tác hậu cần, phục vụ nước uống và bữa ăn suốt thời gian học sinh tham gia luyện tập các tiết mục biểu diễn đêm khai mạc.

“Dù thời điểm này, học sinh đã nghỉ học nhưng bếp ăn nhà trường vẫn đỏ lửa. Các suất ăn được vận chuyển từ trường đến Cung Thể thao Tiên Sơn. Như vậy, phụ huynh không mất công đón con sau giờ tập buổi chiều rồi đưa đến tập trung tập buổi tối”, cô Nga thông tin và cho hay: Thầy cô cũng động viên học sinh và phụ huynh sắp xếp lại lịch nghỉ hè để các “diễn viên quần chúng” tập trung cho việc tập luyện và biểu diễn theo kế hoạch.

Nguyễn Hoàng Trâm Anh - 1 trong 27 sinh viên của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng được lựa chọn tham gia đội tình nguyện phục vụ Đại hội. Trâm Anh cho biết: “Em và các bạn được ban tổ chức kiểm tra tiếng Anh, chủ yếu kỹ năng nghe - nói. Các bạn tình nguyện viên được tập huấn một số nội dung, kỹ năng có liên quan để phục vụ công tác tiếp đón và hỗ trợ các đoàn”.

Ngoài Sổ tay tình nguyện viên được phát tại buổi tập huấn, đội tình nguyện còn được hướng dẫn quy trình tiếp đón đoàn tại sân bay, những nội dung công việc cần hỗ trợ. Đặc biệt, tình nguyện viên phải lưu ý phân biệt các loại thẻ như thẻ thi đấu của vận động viên, thẻ huấn luyện viên, người nhà vận động viên, thẻ nhân viên y tế… để nắm được nhóm được vào khu vực nào trong quá trình thi đấu.

Đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, Trâm Anh cho biết, tham gia tình nguyện viên là cơ hội để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tổ chức sự kiện, khả năng giải quyết tình huống.

“Trong quá trình hỗ trợ đoàn, tình nguyện viên cần nắm được nên và không nên làm gì. Ví như giải thích với vận động viên hạn chế ăn thức ăn ở ngoài, không đi chơi khuya... Nếu khách đề cập đến những vấn đề vượt quá thẩm quyền, thì khéo léo giải thích lý do và thu thập đầy đủ thông tin để báo cáo người phụ trách kịp thời giải quyết”, Trâm Anh ví dụ.

Học sinh Trường Tiểu học - THCS Đức Trí tập luyện cho tiết mục biểu diễn tại Lễ khai mạc ASG 13. Ảnh: PV

Học sinh Trường Tiểu học - THCS Đức Trí tập luyện cho tiết mục biểu diễn tại Lễ khai mạc ASG 13. Ảnh: PV

Một số đoàn vận động viên làm thủ tục nhận phòng tại Đà Nẵng. Ảnh: PV

Một số đoàn vận động viên làm thủ tục nhận phòng tại Đà Nẵng. Ảnh: PV

Đón bạn về thi

Đà Nẵng xác định Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 không chỉ là sự kiện chính trị, đối ngoại của Đảng, Nhà nước trên địa bàn thành phố, còn là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, điểm đến sự kiện, du lịch hàng đầu châu Á đến bạn bè khu vực.

Trước thời điểm các đoàn thể thao đến Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn công tác phục vụ hậu cần Đại hội cho các khách sạn. Ngoài ra, đề nghị công ty điện lực và công ty cấp nước đảm bảo phương án cung cấp điện, nước tại các khách sạn. Đồng thời, Sở Du lịch phối hợp cùng Công an thành phố Đà Nẵng kiểm tra điều kiện an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ tại các khách sạn được chọn phục vụ hậu cần cho Đại hội.

Qua nhiều đợt kiểm tra, đoàn đã nhắc nhở, yêu cầu các khách sạn tiếp tục rà soát, lưu ý yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, an ninh an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt công tác vệ sinh đảm bảo sạch sẽ ở các khu vực. Ban tổ chức lưu ý khách sạn quan tâm, triển khai thống nhất việc bố trí ăn uống, nhất là với khách Hồi giáo; tăng cường công tác truyền thông về sự kiện tại khách sạn…

Các nội dung tranh tài và lễ khai mạc, bế mạc Đại hội diễn ra tại 6 địa điểm. Trong đó, môn Pencak silat diễn ra tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Sơn Trà; môn Điền kinh diễn ra tại sân điền kinh Trung tâm huấn luyện và đào tạo vận động viên thể dục - thể thao Đà Nẵng; môn Bơi diễn ra tại Câu lạc bộ bơi - lặn Đà Nẵng; môn Vovinam diễn ra tại nhà thi đấu võ thuật (trong khuôn viên Câu lạc bộ bơi - lặn Đà Nẵng); môn Bóng rổ diễn ra tại Trung tâm thể thao Đại học Đà Nẵng; môn Cầu lông, lễ khai mạc, bế mạc diễn ra tại Cung Thể thao Tiên Sơn.

Sở Y tế Đà Nẵng đã xử lý hóa chất phòng, chống dịch tất cả địa điểm thi đấu và khách sạn phục vụ Đại hội. Ngoài ra, đã lấy mẫu xét nghiệm nước đảm bảo an ninh nguồn nước các địa điểm thi đấu và khách sạn phục vụ Đại hội. Với một số đơn vị chưa đạt chỉ tiêu xét nghiệm, Sở Y tế hướng dẫn và yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước trước khi Đại hội khai mạc.

Đến thời điểm này, các điểm thi đấu và khách sạn phục vụ Đại hội đã phân công ê-kíp cấp cứu bao gồm nhân lực, phương tiện, thuốc, trang thiết bị, dụng cụ y tế thường trực. Riêng địa điểm thi đấu đều bố trí khu vực y tế để xử lý các tình huống y tế trong quá trình thi đấu, bao gồm phòng/khu vực, bàn, ghế, giường, tủ thuốc sơ cấp cứu cơ bản, băng, gạc, nẹp, cáng…

Ngoài ra, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, sẵn sàng tiếp nhận điều trị, chăm sóc các trường hợp có vấn đề sức khỏe chuyển đến; sẵn sàng huy động tổ cấp cứu ngoại viện, phương tiện, lực lượng y tế hỗ trợ tại hiện trường trong trường hợp cần thiết.

Theo ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 là sự kiện thể thao quốc tế quy mô lớn. Do đó, việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất tại các điểm thi đấu; xây dựng kịch bản lễ khai mạc và bế mạc; nơi ăn, ở cho các đoàn thể thao... được chuẩn bị kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, thành phố xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh thực phẩm và tuyển chọn tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các đoàn dự Đại hội.

Với thông điệp “Kết nối cùng tỏa sáng” (Connect to shine bright), Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 không chỉ là nơi tôn vinh tài năng thể thao mà còn đề cao sự kết nối của học sinh các quốc gia trong khu vực, cùng đoàn kết vì một thế hệ trẻ Đông Nam Á hội nhập và phát triển.

Ban tổ chức thông báo mở cửa miễn phí cho khán giả tham dự lễ khai mạc (20 giờ ngày 1/6), bế mạc (14 giờ ngày 7/6) tại Cung Thể thao Tiên Sơn và các môn thi đấu. Đây không chỉ là cơ hội để khán giả trải nghiệm bầu không khí thể thao sôi động, kịch tính, mà còn cổ vũ, tiếp sức cho đội tuyển thể thao học sinh Việt Nam và 9 quốc gia khu vực Đông Nam Á; quảng bá rộng rãi hình ảnh con người, đất nước Việt Nam với du khách trong và ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ