Thầy Cao Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Giang Thép (Thái Nguyên): Dạy học gắn với thực tiễn, kiến thức sẽ theo các em suốt cuộc đời
Các thầy cô giáo Trường THPT Giang Thép đã và đang tích cực thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng day học môn Toán và các môn khoa học tự nhiên.
Từ những định hướng chung của Bộ GD&ĐT như dạy học phát huy năng lực và tính tích cực, sáng tạo của học sinh, nhà trường đã có triển khai cụ thể trong từng bộ môn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường và địa phương.
Điểm chung là trong giờ học, giáo viên luôn chú ý lấy những ví dụ từ thực tế để minh họa cho bài học; phát huy tối đa vai trò của thiết bị dạy học, máy chiếu, công nghệ thông tin để có hình ảnh sống động; đồng thời chú trọng tích hợp kiến thức liên môn… Đồng thời, giáo viên luôn tổ chức bài học theo hướng mở, để học sinh có thể thoải mái thể hiện quan điểm cá nhân, từ đó phát huy năng lực sáng tạo, sự hứng khởi học tập.
Đơn cử, Vật lý là môn học có nhiều kiến thức có tính thực tiễn cao. Giáo viên rất dễ khiến giờ học sinh động và hấp dẫn khi gắn các kiến thức này để giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống.
Ví dụ khi học về nội dung quán tính, học sinh sẽ đồng thời có những bài học bổ ích để vận dụng vào tham gia giao thông sao cho đúng luật và tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Hoặc khi học về vật dẫn và điện môi trong điện trường, học sinh sẽ được liên hệ đến các kỹ năng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, với học sinh Thái Nguyên, nơi có nhiều kim loại, bài học này vô cùng hữu ích, giúp các em biết được cách phòng tránh sét cũng như xây cột thu lôi tại nhà như thế nào cho phù hợp…
Những kiến thức không “khóa cứng” trong sách giáo khoa như vậy, học sinh không bao giờ quên được mà sẽ theo các em đến suốt cuộc đời.
Việc kiểm tra, đánh giá cũng đổi mới. Nếu trước đây, giáo viên nặng về đánh giá kiến thức học từ bài học và cho điểm dựa trên bài làm của thí sinh thì nay chú trọng đánh giá theo phát triển năng lực (học sinh nắm kiến thức, vận dụng kiến thức như thế nào) và thái độ học tập.
Ví dụ, một học sinh học lực có thể kém nhưng luôn có ý thức cố gắng phấn đấu trong học tập, giáo viên sẽ đánh giá theo mức cố gắng đó.
Bên cạnh đó, không chỉ có giáo viên đánh giá học sinh mà cả học sinh cũng đánh giá lẫn nhau và đánh giá chính mình. Đó cũng là cách giúp học sinh phát triển năng lực rất tốt.
Thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp): Học sinh thấy ngay được lợi ích của kiến thức
Toán và các môn khoa học tự nhiên đòi hỏi tính trí tuệ cao nên Trường THPT Tháp Mười khi dạy học các môn này chú ý trước tiên đến công tác phân loại theo trình độ học sinh. Sau đó, giáo viên sẽ kết hợp nhiều phương pháp dạy học để phù hợp với từng đối tượng; tăng cường giao bài tập cho học sinh ở nhà.
Việc tích hợp kiến thức liên môn, áp dụng các hình thức dạy học gắn liền với thực tiễn cũng được nhà trường rất chú trọng và thực hiện hiệu quả. Ví dụ, những kiến thức liên quan đến việc đo đạc, tính toán có thể đưa một số ví dụ về việc thiết kế các công trình xây dựng vào bài học…
Khi chú trọng đến vận dụng kiến thức, học sinh có thể thấy ngay được lợi ích thiết thân mà kiến thức đã học mang lại cho bản thân, từ đó, các em hào hứng học hơn và học có hiệu quả.
Với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học…, trường đẩy mạnh công tác thực hành, bài học nào liên quan đến thí nghiệm phải thực hiện ngay trên lớp với quan điểm học tới đâu thực hành tới đó; đồng thời thực hiện kiểm tra rất sát sao hoạt động này.
Khi áp dụng các biện pháp này cùng việc kiểm tra tương đối chặt chẽ về chuyên môn, hiệu quả đem lại thấy rõ. Học sinh trong trường hứng thú với môn học hơn. Trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh giỏi của trường tăng lên mạnh mẽ, đặc biệt là đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên.
Thầy Nguyễn Thành Luân - Tổ trưởng Tổ Toán (Trường THPT Hiệp Hòa - Bắc Giang): Giờ học Toán không còn khô khan, hàn lâm
Những chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học môn Toán và các môn khoa học tự nhiên rất phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục và yêu cầu xã hội. Trường THPT Hiệp Hòa đã thực hiện bám sát những chỉ đạo này và kết quả có thể thấy rõ là học sinh yêu thích môn học hơn, hồ hởi, phấn khởi, chủ động hơn trong học tập.
Gắn liền với đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học là đổi mới kiểm tra, đánh giá.
Nhà trường đã chú trọng đưa ra các bài tập về nhà, đề kiểm tra yêu cầu học sinh phải sử dụng kiến thức tổng hợp của bộ môn để giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Chính điều đó đã tác động trở lại việc đổi mới phương pháp dạy học.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, yêu cầu giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn, tự học, tự tìm hiểu và hướng tới những vấn đề gắn liền với thực tế đời sống nhiều hơn nữa.
Với tổ Toán và các bộ môn, việc đổi mới bên cạnh bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng đã chú ý nhiều đến phát triển năng lực cho học sinh. Không chỉ là năng lực tư duy như trước đây chúng ta đã từng làm mà có cả năng lực ứng dụng, giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
Ví dụ một đề kiểm tra dành cho học sinh lớp 12 được ra như sau: Gia đình em dự kiến xây dựng một chiếc cổng parabol. Chiếc cổng thỏa mãn nơi rộng nhất là 5m, tại vị trí cách chân cổng 0,5m thì cổng cao 2, để một người có chiều cao 1,8m có thể đi qua.
Câu hỏi: Hãy tính toán để có phương trình parobol dạng y = f(x) để khi người thiết kế dựa vào đó thiết kế được một chiếc cổng thỏa mãn yêu cầu.
Với cổng mà em chọn, hỏi một xe tải có thùng hình hộp rộng 2,2m và cao 3,4m đi qua được hay không?
Các tiết học Toán, từ đó, không chỉ có những con số, công thức khô khan mà sinh động, tươi mới hơn rất nhiều bởi các giáo viên luôn có ý thức đưa ra tình huống gắn với thực tiễn đời sống