Gìn giữ hồn Việt nơi đất khách
Trên đất Mỹ xa xôi, âm nhạc dân tộc Việt luôn tìm được sự đồng điệu nên có sức sống bền bỉ. Năm 2016, tại Seattle, thành phố lớn của bang Washington - Mỹ, đông đảo khán giả kiều bào đã quan tâm đến một sự kiện văn hóa mang ý nghĩa góp phần giữ gìn cội nguồn văn hóa dân tộc. Đó là đêm kỷ niệm 15 năm thành lập Đoàn Văn nghệ Dân tộc Hướng Việt (diễn ra tối 16-4-2016 tại Shorecrest Performing Arts Center - Seattle) với chủ đề “Việt Nam sắc hương xưa 8”.
Đoàn Văn nghệ Dân tộc Hướng Việt do bác sĩ - nghệ sĩ Hồng Việt Hải thành lập trên đất Mỹ. Việt Hải tốt nghiệp y khoa Trường Đại học Washington. Anh là người yêu âm nhạc dân tộc nên theo học đàn tranh với nghệ sĩ Kim Uyên suốt 16 năm qua và cũng từng ấy năm anh dồn tâm trí gây dựng đoàn văn nghệ dân tộc mang tên Hướng Việt.
Nghệ sĩ Kim Uyên là một trong những hậu bối của giáo sư - nhạc sĩ Phương Oanh, người học trò tiếp bước GS-TS Trần Văn Khê ươm mầm tài năng âm nhạc dân tộc Việt trên đất Mỹ.
Phòng mạch của bác sĩ Hải sau giờ khám chữa bệnh là phòng học và tập luyện đàn tranh của con em nhiều gia đình người Việt sinh sống tại Seattle. Chị Thúy Loan, con gái của cố nhạc sĩ Chung Quân - tác giả ca khúc “Làng tôi”, nói:
“Bác sĩ Hồng Việt Hải noi theo các bậc tiền bối luôn nhiệt tâm với công việc gìn giữ cội nguồn dân tộc thông qua tiếng đàn tranh. Tôi đã học đàn với anh từ 10 năm qua, nay tiếp tục nhân rộng niềm đam mê này bằng cách dạy đàn tranh lại cho các bé là con cháu người Việt”.
Đó là những gì đang diễn ra tại Mỹ, còn ở Đức, suốt nhiều năm qua, vợ chồng nghệ sĩ Trần Phương Hoa đã và đang đổ ra bao nhiêu mồ hôi, công sức và cả những hy sinh lặng thầm để giữ hồn Việt giữa trời Âu. Vợ chồng nghệ sĩ Lê Mạnh Hùng và Trần Phương Hoa hiện đang sống ở Berlin. Anh chị đã làm việc tại mảnh đất xa xứ này hơn 20 năm.
Tháng 3/2017, bộ môn âm nhạc Việt Nam tại trường nhạc Berlin tròn 10 năm tuổi, cũng là 10 năm cho sự nỗ lực giữ hồn Việt nơi xứ lạ cũng giúp cho anh chị Hùng - Hoa có thêm nhiều niềm vui khi mà con số học viên đã lên tới vài trăm người; có học viên ở trường nhạc này đã vào được Đại học Âm nhạc Quốc gia Đức.
Hàng ngày, trên các chuyến tàu điện ngầm từ muôn ngả dẫn đến trường nhạc Schostakowitsch ở Berlin, người ta không chỉ bắt gặp những người vai đeo đàn Guitare, Violine, Accodeon mà còn gặp cả những người Việt, người Âu vai mang đàn Tranh, đàn Bầu... đến trường học nhạc.
Một lãnh đạo của trường nhạc Schostakowitsch đánh giá: “Bộ môn nhạc cụ dân tộc Việt Nam là niềm tự hào của trường, tiết mục hoà tấu bản “Trống Cơm” do dàn nhạc dân tộc VN của trường được chọn để đưa vào CD chọn lọc những tác phẩm xuất sắc nhất cho hệ thống trường nhạc công của thủ đô Berlin năm 2016 – 2017”.
Với những nỗ lực của mình và những thành tích đã đạt được, vào năm 2013, chị Trần Phương Hoa được vinh danh là “Công dân tiêu biểu của thủ đô Berlin”.
Lan tỏa bản sắc Việt đến công chúng
Những người xa xứ đang miệt mài gìn giữ hồn Việt bằng âm nhạc, còn những nghệ sĩ đang sống tại Việt Nam, họ đang làm gì để âm nhạc dân tộc ngày càng lan tỏa đến các thế hệ trẻ? Sau hai chương trình tạo được tiếng vang dư luận là Hát Xẩm Hà thành, Xẩm và đời (2015), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp một số đơn vị vừa ra mắt chương trình mới “Tâm hồn làng Việt”.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của hơn 40 nghệ sĩ và bao gồm các phần: Bình minh, Chợ quê, Ngày mùa, Trưa hè, Lao động, Thủ công, Thiếu nữ gội đầu, Hội làng. Với chủ đề xuyên suốt các phần như tên gọi chương trình, các nghệ sĩ, nhạc công tái hiện một không gian văn hóa, sinh hoạt và sản xuất của làng quê Việt Nam thông qua những nhạc cụ truyền thống và tài năng đàn hát, ca múa.
Chương trình còn mang đến những tiết mục biểu diễn ca trù, chầu văn ba giá lên đồng - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tìm hiểu các nghi thức xưa như cảnh “Vinh quy bái tổ”; rước sắc, rước lọng, rước kiệu ở lễ hội truyền thống và các hoạt động văn nghệ rộn ràng mà thấm đẫm chất trữ tình như: hát quan họ, hát ống, hát đối... của những chàng trai, cô gái hồn nhiên, trong sáng chốn thôn quê.
Theo lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, chương trình không những khơi dậy niềm tự hào về văn hóa, nghệ thuật dân tộc, động viên các nghệ nhân, nghệ sĩ đã và đang cống hiến hết mình trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy âm nhạc cổ truyền mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Ngay sau khi ra mắt và tổ chức biểu diễn thí điểm, “Tâm hồn làng Việt” thu hút sự chú ý của công chúng và khách du lịch. Một số đơn vị tổ chức biểu diễn ở trong nước và ngoài nước ngỏ ý hợp tác và mong muốn được đưa chương trình đến với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở các nước. Trước mắt, được sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch và các đơn vị lữ hành, chương trình dự kiến trình diễn tại rạp Hồng Hà vào các tối thứ ba và thứ sáu hàng tuần.