Một con tê tê Ấn Độ quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng đã bị người dân trong một ngôi làng ở Gurugram đánh đến chết. Điều bi kịch là người dân ở đây giết nó chỉ bởi vì họ không biết con vật này thuộc loài gì.
Người dân làm Patakpur ở Punahana, Ấn Độ đã phát hiện một con vật dài hơn 75 cm với rất nhiều vảy trên người nhưng họ không biết nó là loại vật nào. Không biết phải xử lý thế nào, họ đã đánh con vật tội nghiệp đến chết.
Theo một người dân địa phương, dân làng đã sợ hãi sau khi con vật bắt đầu chạy theo họ. "Trông nó thật khác thường, trông nó nguy hiểm. Dân làng sợ hãi và bắt đầu bắt lấy nó. Bị đe dọa, con tê tê chạy về phía người dân và họ đã giết nó" - một người dân nói với tờ Times of India.
Người này cho biết dân làng đã nghĩ con vật là một loài bò sát, giống như rắn, dù cho nó không giống như những loài bò sát mà họ từng bắt gặp.
Tê tê Ấn Độ là một loài động vật vô hại, thuộc lớp động vật có vú (Mammalia), bộ tê tê (Pholidota). Loài này nằm trong danh mục các loài được bảo vệ cao nhất theo Đạo luật Bảo vệ động vật hoang dã Ấn Độ được ban hành từ năm 1972.
Sự việc đã làm dấy lên yêu cầu bức thiết từ những nhà hoạt động môi trường và bảo vệ động vật hoang dã, phải nâng cao nhận thức của người dân. "Thật không may. Người dân đó không biết đó là con vật gì. Cần phải xây dựng nhận thức về những loại quý hiếm này. Người dân cần biết được con vật đó là vô hại và cần thể hiện vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái" - Times of India dẫn lời một nhân viên kiểm lâm ở Gurugram, tên Rajinder Prasad.
Tê tê Ấn Độ (Manis crassicaudata) được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế IUCN liệt vào nhóm các loài "sắp bị đe dọa" vì môi trường sống bị tàn phá, sự chia cắt trong hành lang sống của động vật hoang dã và việc buôn bán gia tăng.
Tê tê là loài nằm trong nhóm động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất ở châu Á khi vảy, thịt và da của chúng có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Nhiều người còn tin rằng vảy tê tê có thể chữa được nhiều loại bệnh.