Mỗi người đều có thể hưởng lợi từ kiến thức và sự hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử. Theo các chuyên gia, nghiên cứu về lịch sử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em.
Lịch sử xuất hiện ở khắp nơi
Lịch sử có thể dạy cho trẻ rất nhiều điều về nơi mình sống, gia đình và tổ tiên. Lịch sử có thể cung cấp cho trẻ sự hiểu biết sâu sắc hơn về nền văn hóa mà các em được nuôi dưỡng. Lịch sử cũng có thể khuyến khích trẻ noi theo bước chân của những người vĩ đại đi trước.
Lịch sử có thể được coi là một môn học bổ ích, hấp dẫn và có tính giáo dục về mặt đạo đức. Trẻ có thể tiếp thu kiến thức lịch sử ở cả trong và ngoài trường học. Tuy nhiên, thực tế, với một số trẻ, lịch sử cũng có thể rất khô khan. Nếu muốn con mình hiểu về lịch sử, cách tốt nhất là cha mẹ cần đưa kiến thức này ra khỏi những cuốn sách cũ phủ bụi và lồng ghép vào cuộc sống của trẻ.
Một số trẻ em có xu hướng yêu thích lịch sử khi tò mò, quan tâm đến quá khứ và những người sống ở thời đó. Trái lại, một số trẻ thì không.
Các chuyên gia cho rằng, trẻ có thể sẽ phát triển sự tò mò tự nhiên với lịch sử theo thời gian. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Trong những tình huống như vậy, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp để giúp trẻ yêu lịch sử hơn:
Để trẻ hiểu được tính nhân văn
Cơ hội tốt nhất của cha mẹ là ngay từ khi trẻ còn nhỏ, hãy giới thiệu quá khứ như một câu chuyện.
Cha mẹ có thể truyền đạt rằng, tất cả chúng ta cũng đều có mặt trong câu chuyện. Những cuốn sách lịch sử sống động, được sắp xếp theo thứ tự thời gian, sẽ giúp trẻ hiểu được yếu tố con người trong quá khứ và vị trí của bản thân trong bức tranh toàn cảnh. Khi trẻ lớn hơn, phụ huynh hãy giúp con tiếp cận với các tài liệu gốc.
Giúp trẻ đắm mình vào lịch sử
Sách là công cụ tuyệt vời, nhưng không gì tuyệt hơn những trải nghiệm nhập vai như tái hiện, thăm di tích lịch sử, bảo tàng. Việc chứng kiến những gì từng xảy ra trong quá khứ là điều chúng ta không thể có được từ sách.
Trong khi đó, sách mang đến cho trẻ em cảm giác đồng cảm với lịch sử, nhận ra rằng con người trong quá khứ cũng giống như chúng ta nhưng lại rất khác biệt. Sách cũng đóng vai trò là chuẩn mực cho các bài học lịch sử trong tương lai.
Không đi vào chi tiết quá sớm
Ngày tháng và tên sự kiện lịch sử rất quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng trước tiên là trẻ phải hiểu được nguyên nhân như: X đã xảy ra, dẫn tới Y và kết thúc bằng Z. Lịch sử toàn cảnh, nắm rõ các kỷ nguyên lịch sử chính và biết đặt các sự kiện chính ở đâu trong suốt dòng thời gian là những điều trẻ cần tập trung. Khi phụ huynh giới thiệu quá nhiều chi tiết cùng một lúc, lượng thông tin sẽ trở nên quá tải, khó hiểu đối với trẻ và khiến dễ mất đi bức tranh toàn cảnh.

Hãy cởi mở
Các câu hỏi mở có thể kích thích trí tưởng tượng của trẻ, thúc đẩy tư duy phản biện, khuyến khích sự đồng cảm với lịch sử. Những câu hỏi như vậy cũng sẽ khuyến khích trẻ tham gia vào quá trình tự học.
Cha mẹ có thể đưa trẻ đến một địa điểm lịch sử hoặc bảo tàng. Tại đây, phụ huynh nên đưa ra một số câu hỏi như: “Con có thấy kích thước của con tàu đó không? Đoán xem tại sao mọi người có thể đi được quãng đường dài như vậy trên con tàu đó. Con nghĩ sao?”; “Con có thể tưởng tượng cuộc sống của nhân vật lịch sử này ở thời điểm đó như thế nào không?”;...
Chia nhỏ câu hỏi
Đối với trẻ nhỏ, quá khứ thực sự khó nắm bắt, đặc biệt là khi chúng ta đi ngược dòng thời gian. Vì vậy, cha mẹ cần giữ cho các bài học ngắn gọn và ôn lại kiến thức từ bài học trước.
Đối với học sinh lớn tuổi hơn, các bài giảng dài (trên lớp, loạt video,...) có thể trở nên nhàm chán. Do đó, nếu nhận thấy trẻ đang mất tập trung, cha mẹ hãy dừng lại và tóm tắt mục đích chính của những gì con đã học cho đến nay.
Hãy kết hợp sách, trải nghiệm nhập vai, phim tài liệu, video, phim ảnh và các hoạt động bồi dưỡng để giúp trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử. Các phương tiện khác nhau cũng có thể hấp dẫn trẻ nhờ mang tới phong cách học khác nhau.
Thường xuyên “du hành thời gian”
Quá khứ ở khắp mọi nơi, xung quanh chúng ta, từ nhà kho đổ nát bên đường đến bức ảnh đen trắng trên tường của bà, hoặc viên gạch nhô ra khỏi những tòa nhà cũ ở trung tâm thành phố.
Quá khứ có thể nằm ở trong âm nhạc chúng ta nghe và những bộ phim chúng ta xem. Quá khứ hằn trên khuôn mặt của những người lớn tuổi và thậm chí trong ký ức của nhiều người.
Do đó, để “gieo” vào trẻ lòng yêu lịch sử, cha mẹ hãy chú ý đến quá khứ xung quanh mình và nói về điều đó. Hãy dừng lại ở những dấu mốc lịch sử để chia sẻ với trẻ.
Với những phương pháp này, cha mẹ có thể giúp trẻ dần hiểu lịch sử. Khi đó, trẻ sẽ trân trọng lịch sử. Trẻ cũng sẽ nhận thấy rằng, lịch sử có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Dạy con dựa theo độ tuổi
Để giúp trẻ luôn tập trung và tò mò, có hứng thú với lịch sử, phụ huynh có thể lên kế hoạch dạy con theo từng độ tuổi:
Từ 5 đến 7 tuổi: Khơi dậy trí tò mò
Ở lứa tuổi này, cha mẹ cần kể cho trẻ nghe những chuyện lịch sử thật thú vị. Trẻ em thường thích nghe kể chuyện (có thật hoặc tưởng tượng). Do đó, cha mẹ hãy biến kể chuyện thành phương tiện hiệu quả để truyền tải lịch sử cho con. Hãy khiến các sự kiện lịch sử trở nên sống động thông qua những câu chuyện hấp dẫn đầy ắp cuộc phiêu lưu, anh hùng và nhân vật thú vị.
Bên cạnh đó, sách ảnh có thể là một cách hấp dẫn để đưa các nhân vật và sự kiện lịch sử trở nên sinh động hơn đối với trẻ em. Hình ảnh minh họa giúp trẻ dễ tiếp cận lịch sử hơn. Những câu chuyện trong sách cũng khiến các khoảnh khắc quan trọng trở nên hấp dẫn hơn.
Cha mẹ cũng có thể cân nhắc viết những câu chuyện đơn giản của riêng mình, nêu bật các sự kiện lịch sử thú vị hoặc phù hợp nhất. Bằng cách tạo ra những câu chuyện hấp dẫn về lịch sử, phương pháp này sẽ thu hút sự chú ý của trẻ, giúp trẻ kết nối về mặt cảm xúc với lịch sử, tăng sự tò mò và khuyến khích học tập.
Phụ huynh cũng có thể giúp trẻ kết nối với lịch sử thông qua hoạt động đóng vai. Hoạt động này giúp trẻ cảm thấy việc tìm hiểu về lịch sử trở nên thú vị. Đồng thời, cách làm này khuyến khích sự hợp tác và sáng tạo, giúp trẻ thiết lập mối liên hệ cá nhân với lịch sử, nuôi dưỡng sự trân trọng lâu dài đối với các chủ đề.
Từ 8 đến 10 tuổi: Những nhà thám hiểm
Trẻ em từ 8 đến 10 tuổi thường háo hức với những trải nghiệm mới khơi dậy sự tò mò. Việc sắp xếp các chuyến đi đến địa điểm lịch sử, bảo tàng hoặc tái hiện trực tiếp giúp trẻ có cái nhìn sâu sắc về lịch sử. Bằng cách đặt mình vào vị trí của những người đi trước, trẻ em sẽ có được sự đánh giá sâu sắc hơn về lịch sử, khơi dậy sự tò mò về việc học và khám phá.
Phụ huynh cũng có thể cùng con tạo ra các dự án lịch sử của riêng mình, giúp trẻ khám phá những chủ đề mà mình quan tâm, như phát minh đáng chú ý hoặc hoạt động văn hóa. Sau đó, trẻ em có thể trình bày những phát hiện của mình và chia sẻ kiến thức mới. Phương pháp này cho phép trẻ em tự chịu trách nhiệm về việc học của mình, cũng như giúp trẻ khám phá sở thích cá nhân trong lĩnh vực lịch sử.
Từ 14 đến 18 tuổi: Các nhà phân tích
Cha mẹ cần tạo ra bầu không khí phù hợp ngay từ ngày đầu tiên để mang lại môi trường học tập lý tưởng cho trẻ. Khuyến khích con hình thành thói quen học tập tốt và khả năng tổ chức ngay từ sớm.
Cha mẹ nên khuyến khích con tạo ra một không gian học tập chuyên nghiệp, sử dụng sổ kế hoạch để quản lý bài tập và phát triển thói quen cân bằng giữa việc học ở trường với hoạt động ngoại khóa. Việc hình thành tư duy phát triển giúp trẻ coi thách thức là cơ hội, chứ không phải là rào cản đối với việc học.
Với trẻ ở lứa tuổi này, cha mẹ nên thu hút con vào các sự kiện hiện tại. Đó là điều cần thiết để đào sâu hiểu biết của trẻ về lịch sử. Để làm được điều này, cần khuyến khích trẻ kết nối giữa các sự kiện lịch sử và vấn đề hiện đại. Sau đó, trẻ có thể rút ra sự tương đồng giữa các vấn đề lịch sử và vấn đề đương đại để hiểu rõ hơn. Các cuộc thảo luận về công lý, nhân quyền và hệ thống chính trị có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc vô giá về cách sự kiện trong quá khứ đã tác động đến hiện tại. Bằng cách khám phá những mối liên hệ này, trẻ có thể hiểu rõ hơn về sự phức tạp của bối cảnh ngày nay và nhận ra vị trí của lịch sử trong việc giải quyết các mối quan tâm của xã hội đương đại.