'Gieo mầm' niềm tin cho trẻ - Chìa khóa của sự thành công

GD&TĐ - Trẻ rất dễ bị tổn thương khi cảm thấy không được cha mẹ tin tưởng. Vậy nên, tình yêu và sự tin tưởng là hành trang, giúp xây dựng cho trẻ sự tự tin.

Cha mẹ cần có một số phương pháp để giúp con phát triển niềm tin tích cực. Ảnh minh họa: INT.
Cha mẹ cần có một số phương pháp để giúp con phát triển niềm tin tích cực. Ảnh minh họa: INT.

Việc giúp trẻ phát triển niềm tin vào bản thân là một yếu tố quyết định sự thành công trong tương lai, đồng thời, niềm tin vào chính mình có thể là động lực mạnh mẽ để trẻ phát triển, vượt qua những thử thách khó khăn trên bước đường đời sau này.

Đặt niềm tin vào trẻ

Nhà xã hội học nổi tiếng Trung Quốc - Vương Vĩ Quang từng nói: “Sự tự tin và trưởng thành của trẻ không phải nhờ đòn roi, mà được nuôi dưỡng từ sự tôn trọng, hiểu biết và tin tưởng”. Điều này có nghĩa rằng, niềm tin và sự tôn trọng từ người lớn, đặc biệt là cha mẹ, có ảnh hưởng rất lớn cũng như mang tính quyết định đến quá trình phát triển lành mạnh của trẻ.

Thực tế, trong quá trình nuôi dạy trẻ, không ít phụ huynh thường mang tâm lý tin người lạ hơn con mình. Nhiều người lấy lý do là vì con còn nhỏ nên nhận thức chưa hoàn thiện. Trong khi đó, với trẻ nhỏ, cha mẹ luôn là người mà chúng yêu thương, tin tưởng nhất. Niềm tin và lời khuyên từ cha mẹ là động lực để trẻ phấn đấu, cố gắng trong học tập và cuộc sống. Thế nhưng, đôi khi, chính cha mẹ lại là những người đặt ra nhiều áp lực khiến con cảm thấy mệt mỏi, mất phương hướng và bờ vai để dựa vào.

Một trường hợp điển hình cho việc bố mẹ thờ ơ, thiếu niềm tin với con là khi trẻ gặp phải vấn đề gì, lời đầu tiên của phụ huynh không phải an ủi mà đặt hàng loạt các câu hỏi “Vì sao?”, sau đó đổ lỗi cho trẻ. “Vì sao con làm như thế”, “Trả lời mẹ ngay, tại sao”, “Lý do là gì, nói ngay”, “Mẹ không thể hiểu nổi tại sao con cư xử như thế”…

Ví dụ, trong một số trường hợp, nếu trẻ bị cảm cúm, phụ huynh sẽ cho rằng, đó là do con không mặc ấm. Hoặc, khi trẻ bị mất đồ, đó là do con chủ quan không biết cất đồ cẩn thận. Tất cả những điều trên tưởng chừng là bình thường, nhưng lại như một lưỡi dao cắt dần cảm hứng chia sẻ của trẻ với cha mẹ.

Các chuyên gia cho rằng, khi không được cha mẹ tin tưởng, trẻ sẽ dần dần chán nản, không muốn nói những vấn đề đang gặp phải vì biết trước kết quả sẽ như thế nào. Bởi vậy, khi mọi việc xảy ra, đặc biệt là lúc con gặp chuyện buồn, nhiều cha mẹ bất ngờ khi mình là người biết cuối cùng.

Một số phụ huynh thường phàn nàn rằng, con càng lớn càng không thích nói chuyện, thậm chí xa lánh cha mẹ. Tuy nhiên, thực tế, nguyên nhân có thể không phải chỉ do trẻ, mà còn đến từ chính cha mẹ.

Chị Hoàng Mai Anh (Ba Đình, Hà Nội) - phụ huynh có con học lớp 9 chia sẻ: “Khi con bước vào tuổi dậy thì, tôi gần như mất kết nối với trẻ. Mỗi lần con nói về vấn đề mà cháu đang gặp phải, tôi thường đổ lỗi và cho rằng, do con ẩu, không cẩn thận, hoặc yếu kém nên mới khiến mọi chuyện như vậy”.

gieo-mam-niem-tin-cho-tre.png
Niềm tin và lời khuyên từ cha mẹ là động lực để trẻ phấn đấu. Ảnh minh họa: INT.

Theo nữ phụ huynh này, sau khi nhận ra cách làm đó chỉ khiến con ngày càng xa cách, chị đã thay đổi. Thay vì phàn nàn, gặng hỏi con “tại sao”, chị Mai Anh thường đưa ra cách nhẹ nhàng hơn như chia sẻ nỗi buồn với con, đưa trẻ đi ăn, đi chơi để giải tỏa stress, tìm cách trở thành người bạn thay vì một phụ huynh. Cuối cùng, chị lắng nghe những tâm sự và cùng con giải quyết vấn đề.

Không chỉ thiếu niềm tin vào con, một số phụ huynh còn có xu hướng dạy con: Không được tin bất kỳ ai hay điều gì. Thực tế, cha mẹ không thể bảo vệ con mãi mãi trong cuộc sống. Điều quan trọng là luyện cho con sự can đảm và sức mạnh cần thiết để đối diện với những vấn đề trong cuộc sống. Song, nhiều cha mẹ thường dạy trẻ: “Ra đường phải cẩn thận. Đừng tin vào ai!”.

Đây là những băn khoăn và lời dạy mà không ít trẻ được nghe. Song, điều đó khiến trẻ cảm thấy hụt hẫng bởi không biết đặt niềm tin vào ai. Trẻ sẽ luôn có nỗi nghi ngờ đối với mọi người, mọi việc. Hậu quả là nỗi bất an, sợ hãi luôn bủa vây trẻ.

“Tôi cho rằng, việc tin tưởng vào người khác là nền tảng. Để trẻ học tin tưởng vào người khác, thì trước tiên người lớn phải đáng tin và là những người biết giữ lời hứa. Nếu như lý do nào đó không cho phép chúng ta giữ lời hứa vào thời điểm đã định, thì cha mẹ cần phải giải thích cho con hiểu. Điều này cũng đúng với việc trách phạt. Khi đề nghị một hình phạt, thì trước tiên cha mẹ hãy thực hành những gì mình đã quy định”, phụ huynh Dương Tuấn Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) - người có con học lớp 8 chia sẻ. Do đó, thay vì dạy con không tin bất kỳ ai, anh Tuấn Anh cho biết thường hướng dẫn con rằng, cần tỉnh táo để biết nên tin và không tin điều gì.

gieo-mam-niem-tin-cho-tre-258.jpg
Niềm tin vào chính mình có thể là động lực mạnh mẽ để trẻ phát triển. Ảnh minh họa: INT.

Yếu tố quyết định thành công

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh - Học viện Minh Trí Thành, việc giúp con phát triển niềm tin vào bản thân là một yếu tố quyết định sự thành công của trẻ trong tương lai. Niềm tin vào chính mình có thể là động lực mạnh mẽ hoặc là trở ngại lớn nhất trong hành trình của mỗi người. Nếu một đứa trẻ tin rằng mình không đủ giỏi, đủ tốt, hay không làm được việc, thì chắc chắn con sẽ không muốn thực hiện bất cứ điều gì. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và thành công của trẻ sau này.

Thực tế, niềm tin vào bản thân đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, niềm tin vào bản thân là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy con người vượt qua mọi thử thách. Khi tin vào khả năng của mình, trẻ sẽ có động lực để học hỏi, phát triển và vượt qua những khó khăn. Niềm tin vào bản thân giúp trẻ có thể nhìn nhận mọi thử thách như một cơ hội để trưởng thành.

“Hiện nay, nhiều trẻ em gặp khó khăn trong việc xây dựng niềm tin vào bản thân. Các con thường cảm thấy chán nản và lo sợ khi đối mặt với những thử thách, từ đó hình thành trong đầu niềm tin tiêu cực như ‘khó lắm’, ‘chán lắm’, ‘mình không làm được’. Điều này khiến con không muốn làm bất cứ việc gì và dần dần mất đi cơ hội để thử sai và học hỏi từ những thất bại. Trẻ thiếu niềm tin vào bản thân dễ rơi vào trạng thái lo âu, tự ti và có xu hướng né tránh những thử thách trong cuộc sống”, chuyên gia Học viện Minh Trí Thành chia sẻ.

Do đó, cha mẹ cần có một số phương pháp để giúp con phát triển niềm tin tích cực. Trước hết, phụ huynh cần lắng nghe và thấu hiểu trẻ. Hãy hiểu rõ tâm lý và những lo lắng của con. Khi cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu, trẻ sẽ tự tin hơn trong việc bày tỏ ý kiến và cảm xúc của mình. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên khuyến khích và động viên con. Việc cha mẹ khen ngợi những nỗ lực nhỏ nhất của con sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn. Điều này giúp trẻ nhận ra rằng, mọi cố gắng đều đáng giá và được ghi nhận.

Cha mẹ cũng có thể tạo cơ hội cho con thử sức. Cụ thể, hãy cho con tham gia vào các hoạt động mới, thử thách để trẻ có thể học hỏi và rèn luyện sự kiên nhẫn. Việc trải nghiệm và vượt qua các thử thách sẽ giúp trẻ nhận ra khả năng của mình và phát triển niềm tin vào bản thân. Cha mẹ cần gieo vào con niềm tin rằng, trẻ có thể làm được những điều lớn lao.

Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh dẫn chứng ví dụ điển hình về câu chuyện của Robert Kiyosaki với hai người cha: Người cha nghèo và người cha giàu. Người cha nghèo dạy con rằng, hãy học giỏi để sau này xin được một công việc tốt. Trong khi đó, người cha giàu lại dạy con rằng, hãy học giỏi để mua được những công ty tốt và tạo ra nhiều việc làm. Niềm tin của hai người cha đã dẫn đến hai cách nhìn nhận khác nhau về thành công.

“Cha mẹ cần nhận thức rõ rằng, mình chính là người gieo mầm niềm tin cho con. Nếu cha mẹ cũng mang trong mình niềm tin hạn chế, thì con sẽ khó có thể phát triển niềm tin mạnh mẽ. Việc cha mẹ khuyến khích con tin vào bản thân, tin rằng mình có thể làm được những điều lớn lao, sẽ giúp trẻ có một cái nhìn tích cực và tự tin hơn vào khả năng của mình”, nữ chuyên gia cho biết.

Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh nhấn mạnh rằng, người nghèo nhất không phải là người không có tiền, mà là người không có ước mơ. Ước mơ và niềm tin vào bản thân chính là động lực giúp con người trở nên vĩ đại.

Cha mẹ cần khuyến khích con ước mơ, không giới hạn ước mơ của trẻ bởi những điều hữu hạn trong quá khứ. Không ai đánh thuế giấc mơ của mình. Vì vậy, hãy để con tự do mơ ước và tin vào khả năng của mình.

Ngoài ra, cha mẹ nên đồng hành cùng con trong việc xây dựng niềm tin và hệ giá trị. Hãy dành thời gian lắng nghe, chia sẻ và khuyến khích trẻ trên con đường phát triển. Chỉ khi tin vào bản thân mình, trẻ mới có thể thực hiện những ước mơ và trở nên thành công trong cuộc sống.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cho biết: Cha mẹ hãy dành cho trẻ những lời khen chân thành, cụ thể, tập trung nhiều vào nỗ lực hơn là kết quả hoặc vào các khả năng cố định (như trí thông minh). Ví dụ: “Con đang làm việc thật chăm chỉ cho kế hoạch này”, “Con ngày càng giỏi hơn trong các bài kiểm tra chính tả” hoặc, “Mẹ tự hào về con vì tất cả sự nỗ lực của con trong kỳ thi piano này”. Với cách khen ngợi này, trẻ sẽ nỗ lực vào mọi việc, hướng tới mục tiêu và cố gắng. Khi trẻ làm được điều đó, trẻ có nhiều khả năng thành công hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ