Gieo khát khao làm chủ thiên nhiên

GD&TĐ - Bằng ngòi bút tài hoa, nhà văn Tô Hoài kể những câu chuyện quen thuộc trong thế giới cổ tích trong cuốn 'Nhà Chử - Đảo hoang - Chuyện nỏ thần'.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Bằng ngòi bút tài hoa, nhà văn Tô Hoài tiếp tục kể những câu chuyện quen thuộc trong thế giới cổ tích như chàng Chử Đồng Tử ở bến Tự Nhiên, Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang hay chiếc nỏ thần của vua An Dương Vương được tập hợp trong cuốn “Nhà Chử - Đảo hoang - Chuyện nỏ thần” thật hấp dẫn để gieo vào lòng độc giả khát khao làm chủ thiên nhiên.

“Nhà Chử” là câu chuyện mở đầu của cuốn sách và được tác giả viết từ cảm hứng về nhân vật Chử Đồng Tử. Có lẽ, mọi người đều biết vì sao chàng Chử có thể gặp được công chúa Tiên Dung rồi nên duyên vợ chồng và có công lao to lớn như thế nào với đất nước. Đến “Nhà Chử”, Tô Hoài khai thác tình tiết độc đáo mà ít người nghĩ tới: Chuyện xuất thân và chuyến hành trình của chàng Chử đến bến Tự Nhiên.

Ngay từ đầu câu chuyện, nhà văn đã xây dựng hình ảnh chàng Chử giữa không gian tự nhiên mênh mông mà khắc nghiệt. “Chử nằm ngửa, ghếch đầu lên mạn thuyền”, “Bỗng nhiên đương hây hẩy gió may chuyển ra gió giật. Giữa ban ngày, nổi bão cạn”.

Giữa dòng sông Cái đang oằn mình, vẻ đẹp và khả năng chống chọi với thiên nhiên của Chử lại càng được tô đậm: “Chử nhỏm dậy lật đật, chân chèo, chân lái, chân đốc, chân mũi”. Đây là hành trình của Chử xuôi dòng sông Cái, đi thăm ông mình ở bến Tự Nhiên.

Từ truyện cổ tích về Mai An Tiêm bị oan và cả nhà bị đày ra hoang đảo, Tô Hoài kể lại hành trình sinh tồn của họ. Ảnh minh họa: ITN

Từ truyện cổ tích về Mai An Tiêm bị oan và cả nhà bị đày ra hoang đảo, Tô Hoài kể lại hành trình sinh tồn của họ. Ảnh minh họa: ITN

Tác phẩm “Nhà Chử - Đảo hoang - Chuyện nỏ thần” đem đến cho độc giả trẻ góc nhìn mới về thế giới cổ tích. Ảnh: Anh Sơn

Tác phẩm “Nhà Chử - Đảo hoang - Chuyện nỏ thần” đem đến cho độc giả trẻ góc nhìn mới về thế giới cổ tích. Ảnh: Anh Sơn

Sinh ra và lớn lên cùng bố mẹ ở thượng nguồn, ở vùng núi non trùng điệp, nay Chử theo dòng sông, lặp lại hành trình trước kia của cha ông mình. Chỉ với chiếc thuyền độc mộc, sức trẻ của Chử đã được thử thách nơi dòng sông hung dữ, bão, gió có thể ập đến bất ngờ. Nhiều lúc, “Chử và cái độc mộc đành úp sấp, lăn lộn trong dòng nước lớn”.

Bằng ý chí mạnh mẽ, chàng trai trẻ đã vượt qua hết thảy khó khăn, đôi khi nghỉ tại các làng ven bờ, cuối cùng kịp gặp lại người ông sắp rời xa cõi tạm. Con người ở những nơi Chử đi qua và cả bến Tự Nhiên đã được khắc họa rất rõ qua lời văn giàu hình ảnh khi tác giả miêu tả đời sống sinh hoạt của người Việt xưa. Chỉ từ một ý tưởng về nhân vật Chử Đồng Tử thôi mà nhà văn đã tưởng tượng và khéo léo viết nên câu chuyện “Nhà Chử”, từ đó gieo vào lòng độc giả trẻ khát khao làm chủ thiên nhiên.

Câu chuyện thứ 2 mà cuốn sách giới thiệu tới độc giả là “Đảo hoang”. Cũng từ truyện cổ tích Mai An Tiêm bị oan và cả nhà bị đày ra hoang đảo rồi vô tình khám phá ra quả dưa hấu, Tô Hoài kể lại hành trình sinh tồn của gia đình này. Mai An Tiêm là người có công rất lớn trong việc tạo nên vùng đất Bãi Lở màu mỡ, yên bình cho dù quanh năm mưa lũ.

Bằng sự cần cù, chịu thương chịu khó, trong cuộc thi tổ chức hằng năm tại kinh đô, Bãi Lở đã dành được cả ba giải Nhất và vạch mặt những thủ đoạn xấu xa của cõi Ất và cõi Binh. Tuy vậy, vì nghe lời gièm pha mà vua đã đày cả nhà An Tiêm ra hoang đảo, bất chấp sự phẫn nộ, thắc mắc của người dân. Bài học về vượt qua nghịch cảnh, chế ngự thiên nhiên lại một lần nữa được nhà văn lồng ghép vào tác phẩm qua hành trình sinh tồn của bốn con người trên hoang đảo.

Nhất là khi sau một cơn bão, gia đình An Tiêm bị chia cắt, bố mẹ xa con, anh xa em. Độc giả sẽ không khỏi hồi hộp khi dõi theo bước chân của cậu bé Mon cùng anh em nhà Gấu, xây nhà, trồng dưa, hái rau hay cùng đau buồn khi Gấu anh bị trăn ăn thịt. Sau tất cả, cả nhà An Tiêm cũng được đoàn tụ, giải oan và tiếp tục khai hoang, mở mang những vùng đất mới…

Cuối cùng là “Chuyện nỏ thần” vào thời vua An Dương Vương. Bên cạnh những nhân vật quen thuộc như Mị Châu, Trọng Thủy, tác giả Tô Hoài đã giới thiệu thêm cho độc giả những vị tướng dũng mãnh khác của dân tộc Việt Nam như cha con Đô Nồi, Đô Lỗ, anh em tướng họ Phạm.

Nhà văn cũng đã miêu tả những nếp sinh hoạt đậm tinh thần thượng võ của người Việt xưa qua lễ hội vật, hội đánh roi. Các nhân tài từ khắp mọi nơi đều được trọng dụng không phân biệt tầng lớp, xuất thân.

Vua hay quan đều rất gần gũi với nhân dân, tạo một khối đoàn kết với sức mạnh vô biên mỗi khi giặc xâm phạm bờ cõi. Thế nhưng, sau khi có được nỏ thần, vua An Dương Vương đã chủ quan, khiến cho những người tài giỏi dần xa lánh, quan quân cũng lười biếng không chịu rèn luyện. Vì vậy, kết cục tất yếu sẽ đến...

Bên cạnh truyện đồng thoại “Dế mèn phiêu lưu kí” nổi tiếng, nhà văn Tô Hoài còn có nhiều câu chuyện cuốn hút và đem đến cho thế hệ trẻ góc nhìn mới về thế giới cổ tích như “Nhà Chử - Đảo hoang - Chuyện nỏ thần”.

Cuốn sách được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành và thuộc tủ sách “Tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ