Gieo chữ trên đỉnh Ngọc Linh

Gieo chữ trên đỉnh Ngọc Linh

(GD&TĐ) - Là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, “cổng trời” Tu Mơ Rông (Kon Tum) nằm ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển với hơn 98% là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của bà con còn khó khăn nên  đói - no lại luôn là mối bận tâm hơn chuyện học hành của con em. Vì thế, cùng với những khó khăn về giao thông đi lại, điều kiện thời tiết, phong tục tập quán… sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng đất này cũng vì thế mà thêm phần khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên tất cả là tình yêu nghề, yêu nghiệp trồng người, những thầy cô giáo ở vùng đất khó này vẫn ngày đêm bám trụ, “gieo chữ” cho các em thơ...

Ở những ngôi trường trên các thôn, làng của các xã vùng sâu, vùng xa huyện Tu Mơ Rông có hàng trăm thầy cô giáo hàng ngày bám lớp, bám trường để “cõng chữ” lên non với bao nỗi nhọc nhằn. Bởi với các thầy cô giáo ở nơi vùng đất khó vốn được mệnh danh thừa gió, thiếu nắng, vùng đất của “ruồi vàng, muỗi bạc, vắt kim cương này” thì việc đưa các em tới lớp vốn đã là một việc làm không đơn giản, giữ các em ở lại lớp lại càng khó khăn hơn gấp bội, đôi khi đòi hỏi cả sự hy sinh của những người gánh trên vai "sứ mạng" "gieo" chữ vùng cao. 

HS TMR đã chuyên cần hơn trong việc khắc phục khó khăn đến lớp, đến trường
HS TMR đã chuyên cần hơn trong việc khắc phục khó khăn đến lớp, đến trường

Khó khăn, thiếu thốn trăm bề là vậy nhưng với đội ngũ cán bộ, giáo viên ở Tu Mơ Rông - từ người “đứng mũi chịu sào” là Trưởng phòng Lê Văn Hoàn cho đến những cán bộ quản lý ở các trường và hơn 700 giáo viên, nhân viên thì chỉ có tình yêu nghề, yêu học trò là luôn đầy ắp. Với họ, động lực lớn nhất để gắn bó với nghề chính là tình yêu thương vô bờ bến và cả đức hy sinh. Thầy Hoàng Văn Hải, giáo viên Trường THCS Ngọc Yêu tâm sự: Học sinh nơi đây vốn thân thiện, hiền lành nhưng các em hay nhút nhát và quen với nếp sống tự do; vả lại các bậc phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối với con cái nên đến mùa rẫy hay trong nhà có việc lại bắt các em nghỉ học. Bên cạnh đó, vào mùa mưa, đường sá đi lại khó khăn, những học sinh ở xa trường “ngại” đến lớp nên việc duy trì được sỉ số vô cùng khó khăn đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực của mỗi thầy cô giáo. Vậy là, sau những giờ lên lớp, chúng tôi phải lặn lội xuống các thôn, làng, đến từng gia đình để vận động  phụ huynh cho con em trở lại trường. "Ngày nắng ráo thì không sao chứ những ngày mưa, gió thì cực lắm. Nói vậy, nhưng chỉ cần trong lớp có học sinh nghỉ học không có lý do là trong ngày hôm đó, dù đêm tối cũng phải tới tận gia đình để tìm hiểu rõ lý do, rồi tìm cách thuyết phục các bậc cha mẹ cho các em tới trường" - Cô Cù Thị Hồng Nhung – giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Ngọc Lây tâm sự:  

Khó khăn là vậy nhưng những thầy cô giáo ngày đêm miệt mài với  công tác "trồng người" trên vùng đất Tu Mơ Rông này đã không nỗ lực, tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, nâng cao chất lượng dạy và học. Vấn đề bức xúc phải tập trung tháo gỡ đầu tiên là xây  dựng, phát triển mạng lưới trường lớp, xóa “làng trắng” về giáo dục với hàng loạt giải pháp được triển khai: đầu tư, xây dựng trường lớp, trang thiết bị bằng các chương trình, dự án; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục... Nhờ vậy, đến nay, tất cả các thôn, làng ở Tu Mơ Rông đều có lớp mẫu giáo và tất cả các xã đều có trường Mầm non, Tiểu học và THCS độc lập; hệ thống trường lớp và trang thiết bị, đồ dùng dạy học ở Tu Mơ Rông đã được đầu tư xây dựng khá đầy đủ và đồng bộ. Nếu như năm học 2005-2006, toàn huyện chỉ có 86 phòng học thì đến năm học 2009-2010 đã tăng lên 326 phòng học, 82 phòng công vụ và 16 nhà hiệu bộ. Tu Mơ Rông không còn tình trạng học 3 ca, tất cả các trường trung tâm và một số thôn làng đã được xây dựng cấp 4 trở lên. Cùng với việc đảm bảo các điều kiện cho việc dạy và học, ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục như: đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực và phù hợp với đối tượng học sinh; chú trọng công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu; tăng cường bổ sung đội ngũ giáo viên, tập trung bồi dưỡng, chuẩn hóa giáo viên đảm bảo đủ về số lượng và nâng cao dần chất lượng; tổ chức các Hội thi giáo viên dạy giỏi, Hội thi giáo viên giỏi làm và sử dụng đồ dùng dạy học cấp huyện... 

Đội ngũ thầy cô giáo TMR luôn tận tuỵ với nghề
Đội ngũ thầy cô giáo TMR luôn tận tuỵ với nghề

“Với đặc thù có hơn 98% là ĐBDTS nên chúng tôi đã xác định quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS là giải pháp có tính đột phá đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương. Bởi vậy, Phòng đã chỉ đạo cho các trường tăng thời lượng học bằng cách dạy 2 buổi/ngày ở tất cả các cấp học; tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh yếu; tăng cường vốn tiếng Việt cho HSDTTS ở mầm non, tiểu học và THCS; tổ chức được 4 đợt bồi dưỡng về nghiệp vụ cho 30  giáo viên tiểu học là người DTTS. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục quan tâm xây dựng các mô hình phù hợp với đặc thù của địa phương như: “Tiếng kẻng học tập”, “Góc học tập”; mô hình bán trú dân nuôi, dạy học phân hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác duy trì sĩ số học sinh thông qua việc tổ chức các Hội thảo tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục DTTS, phân công giáo viên phụ trách ở các làng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và phối hợp với chính quyền, già làng “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà”  vận động học sinh đến lớp; đưa các tiêu chí huy động, duy trì sĩ số, học sinh bỏ học, học sinh lưu ban vào xét danh hiệu gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa và đánh giá xép loại cán bộ, đảng viên, hội viên hàng năm.…Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh và cả các em học sinh về tầm quan trọng của chuyện học, về tình yêu trường, lớp...” - thầy Lê Văn Hoàn cho biết.

Sự nỗ lực và tận tâm của các thầy, các cô đã được đền đáp. Chỉ sau 7 năm chia tách huyện - thời gian không phải là dài nhưng cũng đủ để Tu Mơ Rông tạo dựng cho mình một nền móng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt, kết thúc năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh chuyên cần ở Tu Mơ Rông đạt 98,2 %, tăng hơn 4% so với năm học trước; huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1, lớp 6 đạt tỷ lệ 100 %, trong đó học sinh hoàn thành chương trình tiểu học lần 1 đạt: 93,3%; học sinh tốt nghiệp THCS  đạt 97,3%. Đặc biệt, trong năm học vừa qua, Tu Mơ Rông đã mở được 33 lớp bán trú ở bậc mầm non và  thành  lập được 12 trường PTDTBT… 

 Những kết quả đạt được của Giáo dục Tu Mơ Rông - huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, đó là cả hành trình nỗ lực, vượt khó của những người thầy, người cô trên đỉnh núi Ngọc Linh hùng vĩ này. Cuộc sống, công việc của những người giáo viên vùng cao Tu Mơ Rông phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhưng với tình yêu nghề, sự nỗ lực bám trường, bám lớp của mỗi thầy cô giáo, hàng ngàn học sinh ở vùng đất khó này biết thêm cái chữ, tiếp thu được tiến bộ khoa học kỹ thuật… Và hạnh phúc nhất đối với các thầy cô giáo ở Tu Mơ Rông là cái chữ sẽ “bám rễ” sâu vào mỗi gia đình và cũng từ đây ấm no, văn minh sẽ về.

Bài và ảnh: Đan Tâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ