“Gieo chữ” trên đỉnh mây ngàn

GD&TĐ - Giữa bản Mông chon von trên đỉnh núi lúc nào cũng mịt mù trong sương, không có điện, không có chợ, không có cả một phòng học đàng hoàng để dạy học, chỉ có tình yêu thương của các thầy, cô giáo dành cho học trò là vượt lên trên tất cả để ngày ngày họ bám trụ ở đây, nhọc nhằn gieo từng con chữ trên vùng “đất khát”.

“Gieo chữ” trên đỉnh mây ngàn

Nơi ấy có tình thương

Khi tôi vượt qua đỉnh dốc Pha Long đến xã Dìn Chin (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) thì đã quá 11 giờ trưa. Phân hiệu Sín Chải A của Trường Tiểu học Lồ Sử Thàng nằm ngay đầu bản Mông chênh vênh trên một đỉnh núi cao. Từ xa nhìn lại, nếu không thấy có lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển sương mờ, thì tôi đã không nhận ra đấy là một điểm trường học. Đến gần, hiện ra trước mắt tôi là một dãy nhà gỗ 5 gian xiêu vẹo, trong các lớp học, tiếng học sinh đọc bài ê a nghe thân thương quá.

Ngoài cùng là lớp 2+3B3. Lớp có 11 học sinh lớp 2 và 4 học sinh lớp 3. Thầy giáo trẻ Hà Hữu Thuyên đang miệt mài dạy học sinh đọc bài. Các em học sinh ngồi thành 3 nhóm trong gian phòng chật hẹp. Ánh nắng theo kẽ hở trên vách chiếu vào trong lớp thành những vệt dài lênh láng mặt bàn và làm vàng thêm mái tóc đỏ hoe như râu ngô của lũ trẻ nhà nghèo.

Do hai lớp học ghép nhưng thiếu mất một chiếc bảng, nên thầy Thuyên phải dùng phấn kẻ đôi bảng ra để dạy cho học trò, nửa này bảng ghi bài học của lớp 2, còn nửa kia ghi bài học của lớp 3. Cả thầy lẫn trò chụm đầu vào nhau trên từng cuốn sách, thầy chỉ tay đến đâu, lũ trẻ đọc theo đến đấy như đàn chim tập hót. Ánh mắt các em rạng ngời trên trang sách nhỏ.

Cách lớp của thầy Thuyên một bức vách thưa là lớp 4+5B4 với 13 học sinh. Lớp này “giàu” hơn vì có đủ 2 chiếc bảng, nhưng cứ hai học sinh lại phải học chung một quyển sách giáo khoa. Thầy giáo Hà Thanh Tùng 29 tuổi, vừa tất bật hướng dẫn học sinh lớp 4, lớp 5 học bài, lại phải đôn đáo chạy sang lớp 1 ở kế bên xem các em có tích cực ôn bài không.

Bình thường lớp 1 do thầy giáo mới Lừu Văn Thuận phụ trách, nhưng chiều nay thầy Thuận xin nghỉ để ra Phòng Giáo dục huyện nên thầy Tùng “một nách 3 đàn con”. Nơi điểm trường cheo leo trên đỉnh núi, ngày ngày, tiếng trống trường rộn rã vang lên và tiếng học sinh đọc bài trở thành âm thanh quen thuộc, xua đi sự tĩnh lặng hoang vu của chốn núi rừng.

Nhìn đám học trò đang say sưa học bài, thầy Tùng tâm sự: “Học trò nghèo vùng cao đã thiếu đủ thứ, gia đình cũng ít quan tâm đến việc học, nếu còn thiếu đi tình thương của thầy cô thì tương lai các em sẽ ra sao? Giống như ở mảnh đất khát này, gieo hạt ngô xuống nếu không chịu khó vun gốc, nhặt cỏ, thì bắp ngô làm sao có hạt. Nghĩ vậy, nên thầy cô nào cũng cố gắng bám bản vì thương học trò. Nhìn ra đỉnh núi mịt mờ sương phủ, thầy Tùng bảo lo cho mùa đông này các lớp học chưa có bạt che. Ở đây sương mù lạnh lắm, các em chỉ có manh áo mỏng, không đủ giầy dép để ấm đôi chân đến trường.

Viết tiếp bài ca trên đỉnh núi

Ở phân hiệu Sín Chải A, tôi được nghe câu chuyện xúc động về cuộc sống của các thầy cô giáo nơi đây. Thầy Hà Thanh Tùng quê ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Năm 2010, chàng sinh viên trẻ xa gia đình lên vùng cao Dìn Chin dạy học.

Không ngờ ở mảnh đất “khát” này, thầy Tùng lại gặp được “một nửa” cuộc đời mình khi quen cô giáo Hà Thị Thu Hương, cùng quê lên đây công tác, dạy học ở Trường Mầm non Lồ Sử Thàng. “Mới đầu chúng mình chưa yêu nhau đâu, rồi sau những lần cùng nhau đi xe máy từ Dìn Chin vượt hàng trăm cây số về thăm quê sau đó lại lặn lội lên bản dạy học, hai đứa hiểu rằng không thể nào xa nhau được” - thầy Tùng bộc bạch.

Bây giờ thầy cô đã có con nhỏ 2 tuổi rồi. Không đành lòng để con trên này vì điều kiện ăn ở vất vả quá, thời tiết lại khắc nghiệt, nên hai vợ chồng đưa cháu ở quê nhờ ông bà chăm sóc giúp. Cô giáo Hương, vợ thầy Tùng chia sẻ: Do công việc bận rộn, nên thỉnh thoảng hai vợ chồng mình mới tranh thủ về thăm con. Những lúc biết tin con bị ốm, mình dạy học trên lớp mà lòng cứ như lửa đốt.

Tôi vào thăm phòng ở của vợ chồng thầy Tùng. Căn phòng nền đất chật hẹp chỉ đủ chỗ kê một chiếc giường 1,2m và chiếc bàn làm việc, xung quanh được quây bằng bạt dứa. Phía ngoài giường mắc một chiếc ri đô. Quần áo thì treo trên tường. Phòng ở của thầy Thuyên bên cạnh cũng như vậy.

Thầy Tùng bảo mùa đông ở đây lạnh lắm, có khi cả tháng sương mù dày đặc cách mấy mét không thấy rõ mặt người. Nếu phòng không quây bạt kín, thì sương mù ùa vào, quần áo, chăn màn đều ướt như nhúng nước. Khổ nhất là ở đây vẫn chưa có điện và sóng điện thoại cũng gần như không có. Thầy Tùng phải mua hai chiếc đèn tích điện về dùng, nhưng phải dùng tiết kiệm vì cứ hai ngày lại phải xuống UBND xã cách trường 4km để sạc nhờ. Có tối mấy thầy cô đang soạn bài thì đèn hết điện, nhìn sang bên kia thung lũng phía xã Tả Gia Khâu và Si Ma Cai thấy điện sáng lấp lánh mà “thèm”.

Càng trò chuyện lâu hơn với các thầy, cô giáo ở Phân hiệu Sín Chải A, Trường Tiểu học Lồ Sử Thàng, tôi càng thêm trân trọng và cảm phục các thầy, cô giáo nơi đây. Còn nói như ông Giàng Seo Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Dìn Chin, Bí thư Chi bộ thôn Sín Chải A, thì tuy ở đây chưa có điện, nhưng các thầy, cô giáo còn quan trọng với bà con hơn nghìn bóng điện.

Chính các thầy, cô giáo đã thắp sáng đỉnh núi mù sương này, gần gũi với nhân dân, giúp cho học sinh nghèo biết được cái chữ, sáng cái dạ, có nhiều kiến thức để sau này có cuộc sống ấm no và giúp ích cho xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.