Gièm pha lòng tốt

GD&TĐ - Trận lũ lịch sử đang xảy ra tại các tỉnh miền Trung đã làm lộ sáng nhiều điều, trong đó có chuyện “khẩu chiến” của cư dân mạng xung quanh công tác cứu hộ cứu nạn và những người làm từ thiện.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một bên thì thể hiện lòng thành kính đối với những người đã vì đồng bào mà hy sinh trong mưa lũ và sự ngưỡng mộ đối với những người đã vì người dân vùng lũ mà dầm mình trong mưa gió để trao tận tay những món quà được quyên góp từ cộng đồng. Còn phía bên kia thì gièm pha, thậm chí mạt sát những người làm việc nghĩa ấy không tiếc lời. Họ đưa ra nhiều dẫn chứng vừa phi lý vừa cay độc để trút hết lên đầu những người mà họ không ưa.

Việc một vị tướng cùng đoàn sĩ quan cao cấp đi vào vùng lũ, nơi có đồng bào mình gặp nạn là chuyện bình thường của người lính mỗi khi nhân dân cần đến họ. Thế mà có kẻ vẫn dựng chuyện cho rằng vị tướng ấy đi thăm công trình của ông, tức thủy điện Rào Trăng chứ việc gì tướng mà phải đi vào chỗ nguy hiểm để rồi tử nạn! Rằng tướng đi vào vùng nguy hiểm mà sao không có lính trinh sát dẫn đường? Rằng đi tay không như vậy thì cứu được ai?

Chưa hết, đám người này còn truy đến tận gia cảnh của vị tướng ở quê ông để xem ông liêm khiết đến đâu. Họ dựng đủ thứ chuyện mà chuyện nào cũng cố ý gán ghép cho bằng được về sự không trong sáng của vị tướng khả kính này. Họ đâu biết, trước lúc cùng với các đồng đội của mình gặp nạn, ông đã băng mình trong mưa lũ để đến tận nơi đồng bào bị ngập lụt để phát quà và động viên họ hai hôm trước đó. Đám người kia đâu biết, không một mùa lũ nào mà vắng bóng vị tướng này trên những vùng bị ngập lũ suốt chiều dài khu Bốn mà ông với tư cách là Tỉnh đội trưởng Quảng Bình rồi Phó Tư lệnh Quân khu.

Trong những ngày mưa lũ bời bời, người dân vùng lũ gặp một gương mặt quen thuộc của cô ca sĩ vẫn thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Là người của công chúng, cô ca sĩ không thể ngồi yên khi thấy đồng bào mình gặp hoạn nạn. Một lời kêu gọi trên Facebook của cô, nhiều mạnh thường quân đã ủng hộ hàng chục tỷ đồng, nhờ cô ca sĩ chuyển đến tận tay người dân gặp khó. Trút bỏ xiêm y sặc sỡ vẫn thường trưng diện dưới ánh đèn sân khấu, cô ca sĩ trong bộ áo bà ba bình dị trên chiếc thuyền cứu hộ, len lỏi trong những khu dân cư ngập lụt để trao tận tay những món quà mà người dân đang cần. Nghĩa cử ấy, cô chẳng cần tất cả mọi người phải biết, trừ những người đã trao tiền nhờ cô chuyển cho dân. Ấy thế mà không ít kẻ vu vạ cho cô ca sĩ ấy rằng cô muốn đánh bóng tên tuổi của mình, rằng cô “làm màu” chứ làm sao có thể tặng hết hàng chục tỷ đồng đến tay người dân. Thậm chí, ác độc hơn, có kẻ còn vu vạ cho cô ca sĩ nọ “thế nào cũng bớt xén trong số tiền kia”!

Thị phi là lẽ thường ở đời. Song trong những ngày tang thương trùm lên đất nước như thế này, không đưa bàn tay của mình ra để cùng nhau cứu người dân vùng lũ thì thôi, sao lại nỡ gièm pha những điều cay độc như thế?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.