Tâm hồn được...…làm giàu
Nếu như phóng viên kinh tế, xã hội thường bị chê… khô như ngói thì phóng viên văn hóa thường được khen là bay bổng, yêu đời. Vì sao đây?
Chẳng phải sao, khi ngày mỗi ngày phóng viên văn hóa được say mê theo từng trang văn; được thả hồn cùng những bài ca, tiếng đàn? Hay như, việc đến rạp hát, rạp chiếu phim để say sưa cùng những vở kịch hay những bộ phim cũng là công việc thường ngày của phóng viên văn hóa.
Không chỉ thế, phóng viên văn hóa giỏi lang thang về nguồn để được đắm mình và lắng nghe những tiếng vọng từ di sản ngàn năm của cha ông. Rồi thì, cả thế giới sắc màu trên từng tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh hay thế giới hình khối kiến trúc luôn chờ đợi phóng viên văn hóa… Có thể ban đầu họ còn ngơ ngác khi bước chân vào thế giới trù phú của văn hóa nhưng sau mươi, mười lăm năm chợt giật mình chẳng biết mình thấm, mình say thế giới ấy tự lúc nào…
Và từ đó, ngày mỗi ngày, tâm hồn phóng viên văn hóa được bồi đắp, được làm giàu. Ai chuyên mảng hội họa, kiến trúc thì bỗng đâu muốn cầm cọ vẽ tranh, bỗng đâu trở nên cầu kỳ khi lựa chọn những sắc màu cho không gian sống của riêng mình… Ai chuyên mảng văn chương lại đau đáu những nỗi niềm nhân sinh mà vẫn không quên khó tính trong từng con chữ.
Ai chuyên mảng sân khấu thì khó lòng dứt được trước những hỉ - nộ - ái - ố từ thánh đường sân khấu đến phía sau cánh màn nhung. Ai chuyên mảng di sản thì lúc nào cũng say sưa, trầm tư với những câu chuyện xưa rất xưa rồi. Ai chuyên mảng nhiếp ảnh thì lập tức trở thành phó nháy và luôn cố gắng không để mình bỏ sót những khoảnh khắc tuyệt vời của cuộc sống…
“Tâm hồn phóng viên văn hóa trở nên thơ mộng, ngọt ngào hơn vì họ được làm việc thường xuyên trong môi trường đầy những sáng tạo, những khát vọng của các văn nghệ sĩ. Mà giữa thời con người bị cuốn theo cơm áo gạo tiền, theo danh và lợi thì cánh phóng viên văn hóa cũng cần phải cảm ơn nhiều lắm cái duyên ông tơ bà nguyệt se cho mình đến với văn hóa, được viết về văn hóa để tự làm giàu cho tâm hồn của riêng mình” – phóng viên G. P, có gần 20 năm viết về mỹ thuật, nhiếp ảnh nói.
Say mê có thừa...
Phóng viên văn hóa luôn làng nhàng về thu nhập, tréo nghoe về thời gian làm việc, dễ bị “nghệ sĩ” hóa… thế nhưng sao vẫn có biết bao người dấn thân? Trả lời cho câu hỏi này thật giản đơn: Vì họ luôn có thừa niềm say mê...
Nếu không say mê thì ai có thể bỏ thời gian lang thang xin được hầu chuyện, điếu đóm cho các văn nghệ sĩ tính tình mưa gió thất thường? Mà những cuộc gặp gỡ này đâu có chóng vánh gì khi phải xây niềm tin với những người luôn coi mình là nhất, nhanh thì vài tuần, vài tháng, thậm chí có khi vài năm thì mới có thể chắp bút viết được bài báo ra tấm ra món.
Nếu không say mê thì có ai đến giờ cả gia đình được quây quần sum họp bữa cơm chiều lại sấp ngửa phóng xe đến rạp hát, rạp chiếu phim để dự buổi tổng duyệt kịch, tham gia một chương trình ca nhạc hay buổi ra mắt phim mới?
Nếu không say mê thì có ai ngày thứ Bảy, Chủ nhật vẫn lao ra khỏi nhà đến với buổi tọa đàm văn chương, buổi khai mạc triển lãm tranh, ảnh… vừa mới kịp cập nhật để rồi khi trở về lại thẹn thùng xin lỗi con trẻ vì thất hứa không đưa chúng đi chơi?
Nếu không say mê thì ai có thể vượt qua được những lời hờn giận, thậm chí cả những hồ nghi từ những người thân rằng: Sao giờ hành chính không đi làm mà toàn đi làm vào giờ thiên hạ nghỉ ngơi, thậm chí dù bão giông, gió rét căm căm vẫn lao ra đường – có sức mạnh nào hơn sức mạnh tình yêu lôi cuốn đây?
Và, nếu không say mê, ai có thể vững tâm giữ ngòi bút của mình vượt qua được cái nếp “văn mình vợ người” rằng: Văn hóa nghệ thuật chỉ thích được cưng chiều, vuốt ve nhưng sẽ ngay lập tức nổi đóa lên nếu bị phê bình, chỉ ra những điều khuyết thiếu…
“Chắc chắn rằng, tất cả đều nằm ở trong hai chữ “say mê”. Nhưng có lẽ niềm say mê này của những phóng viên văn hóa có phần… mù quáng, giống như nghệ sĩ khi đã “phải lòng” thì cứ thế mà đắm đuối, chứ chẳng bao giờ mảy may toan tính, cân đong đo đếm” – nhà báo T.H, người đã có gần 30 năm “phải lòng” với sàn diễn sân khấu lý giải.
Tất nhiên, những sự “làm giàu” từ nghề này chỉ có ở những phóng viên văn hóa thực sự dấn thân với nghề. Và, theo nhà báo T.H.H, trong họ còn có một “kho báu” nữa là: Nội lực, khả năng chuyên môn cá nhân cao. Cũng bởi lẽ, lĩnh vực văn hóa, nếu nhìn thoáng qua tưởng rất nhẹ nhàng, đơn giản, cứ theo thông cáo báo chí mà làm là có ngay được bài viết vô thưởng, vô phạt. Nhưng, không phải vậy.
Để có được những bài viết sắc sảo, cùng những phân tích, đánh giá thấu tình đạt lý thì phóng viên văn hóa còn phải là người am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực mình phụ trách, chịu khó trải nghiệm, chịu khó tìm tòi…
Rõ ràng, phóng viên văn hóa rất… “giàu” đấy chứ!