(GD&TĐ) - Người tiêu dùng đang bỏ dần thói quen tích trữ nhiều thực phẩm, rau xanh để ăn dần suốt cả tuần dịp Tết. Vì vậy, sau Tết, nhu cầu mua các loại thịt, cá, rau, củ, quả... trong tháng Giêng vẫn rất cao
Phải 1, 2 tuần sau Tết giá rau xanh mới có thể “hạ nhiệt”
Một tiểu thương chuyên buôn rau ở phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Nhu cầu tiêu thụ rau sau Tết khá lớn. Các chị, các bà đi chợ sau Tết mua rau, củ để gia đình ăn lẩu và chế biến các món ăn từ rau, củ. Theo ghi nhận của PV GD&TĐ, tại các chợ ở nội thành Hà Nội như: Hàng Bè, chợ Hôm, chợ Thành Công, chợ Nam Đồng... giá thực phẩm, rau xanh ngay sau Tết vẫn “giữ” giá cao như 1, 2 ngày áp Tết, thậm chí nhiều loại thịt, cá, rau, củ có giá “tăng” hơn cả trước Tết.
“Suốt mấy ngày ăn nhiều thịt gà, thịt lợn nên ngán quá, cả nhà ai cũng thèm ăn rau, nên vừa hoá vàng mồng 3, mồng 4 phải ra chợ mua thật nhiều rau và nấm về ăn lẩu”- Chị Tâm, anh Hải (phố Trần Nhân Tông, Hà Nội) xách hai túi lớn rau từ chợ về cho biết- “Một nồi lẩu cho gia đình 6 người của anh chị ăn phải tốn hơn 200.000 đ mua rau, củ với giá “đội” lên sau Tết. Đấy là chỉ mua mấy thứ rau cần, ngải cứu, bắp cải, su hào... một ít nấm hương tươi, nấm kim châm, chứ không dám mua những loại rau đắt như rau muống, hay nấm đùi gà, nấm bào ngư...”.
Giá rau, củ sau Tết nhiều loại vẫn giữ ở mức cao như thời điểm 30 Tết, một số loại rau, củ giá thậm chí còn đắt hơn trước Tết tới vài nghìn/mớ, vài nghìn/ kg. Giá rau bán ngoài chợ Hà Nội sau Tết tuỳ theo từng chợ và phổ biến ở mức 12.000- 16.000đ/mớ rau cần; cải cúc, cải xoong từ 7.000đ đến 9.000đ/mớ; su hào 8.000đ đến 10.0000đ/củ, dưa chuột từ 23.000đ- 25.000đ/kg, bắp cải 10.000- 12.000đ/kg; cà chua: 18.000đ- 20.000 đồng/kg, khoai tây: 14.000- 15.000 đ/kg; lơ xanh từ 12.000- 16.000đ/cái... Có một vài loại rau giá tăng tới gấp đôi, gấp đôi giá những ngày giáp Tết; ví dụ rau muống một mớ to vừa giá tới 20.000- 25.000 đ/mớ. So với thường ngày, hầu hết các loại rau xanh đã đội giá lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Tuy nhiên, giá cả rau, củ ở các chợ khác nhau trong thành phố lại có mức giá chênh lệch khá cao sau Tết. Ví dụ, trong khi các chợ như chợ Hôm, chợ Hàng Bè, chợ Kim Liên... giá lơ xanh loại dao động từ 12.000đ đến 16.000 đ/ cái, thì tại một số chợ ở khu vực quận Cầu Giấy, đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) giá chỉ từ 7.000đ đến 12.000đ/ cái tuỳ loại. Riêng mặt hàng đậu phụ được các bà nội trợ phản ánh là “đắt đều” ở khắp các chợ so với ngày thường, giá từ 3.000đ- 5.000đ/ bìa (ngày thường chỉ từ 1.500đ- 2.000đ/ bìa).
Dù giá rau tăng cao hoặc giữ giá so với thời điểm trước Tết, song nhiều gia đình ở thành thị vẫn chấp nhận mua về dùng. Vì trong suốt mấy ngày Tết ăn các món thịt nhiều, ra Tết thèm ăn các món chế biến từ rau củ quả. Đặc biệt, món lẩu sử dụng nhiều loại rau củ khác nhau là món khoái khẩu của nhiều gia đình khi vừa hết Tết, thậm chí đây vừa là món “cải thiện” bữa ăn của gia đình, vừa là món dễ chế biến, dễ ăn khi thiết đãi bạn bè, họ hàng.
Theo một số người kinh doanh rau, củ tại Hà Nội. Do trước Tết Tân Mão rét đậm kéo dài, nên nhiều loại rau củ phải sau Tết mới thu hoạch được. Như vậy, có khả năng sau Tết 1, 2 tuần (đúng thời điểm thu hoạch nhiều loại rau củ) thì giá sẽ hạ nhiệt, thậm chí có nhiều loại rau củ có thể rớt xuống mức rất thấp so với mấy ngày vừa Tết ra.
Rau xanh tăng mạnh sau Tết (ảnh MH) |
Thịt bò, hải sản... đắt hàng, thịt lợn bán chậm hơn trước Tết
Cùng với giá rau xanh đắt đỏ, giá thịt bò, thịt gà, thịt lợn, hải sản vẫn đang giữ ở mức cao. Đặc biệt giá cá và giá thịt bò chưa có biểu hiện hạ nhiệt. Giá thịt thăn bò ở Hà Nội dao động từ 230.000 đến 250.000đ/kg, giá thịt gà 120.000- 140.000đ/kg, cá trắm đen loại to giá 180.000- 200.000đ/kg, cá quả 100.000- 120.000đ/kg.
Chủ hàng thịt bò lâu năm ở chợ Nam Đồng khẳng định: Giá thịt bò chưa thể hạ nhiệt trong vài ngày sau Tết, vì nhu cầu tiêu thụ thịt bò sau Tết khá nhiều (do tâm lý không tích trữ thịt từ trước Tết, ra Tết mua thịt tươi để làm cơm hoá vàng hoặc mời khách khứa liên hoan đầu xuân), trong khi không ít người đổ buôn thịt bò, các lò mổ còn tâm lý nghỉ Tết, nhân công phục vụ việc giết mổ chưa lên thành phố để làm hàng, nên nguồn cung thịt bò chưa dồi dào.
Quan sát của PV thấy rằng, các mặt hàng như thịt bò, hải sản... sau Tết đông người mua. Giá hải sản ở một số chợ tăng đến 20- 30% so với trước Tết. Các loại hải sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng thời điểm sau Tết gồm: Cá trình, ngao, sò, tôm, ghẹ... Những chợ mở hàng bán hải sản tươi sống sớm ở Hà Nội vẫn là chợ Hôm, chợ Kim Liên... Nhiều nhà hàng hải sản cũng đã mở cửa phục vụ khách trở lại sau những ngày nghỉ Tết dài. Tuy nhiên, khách đi ăn hải sản ở hàng quán bình dân như khu vực Kim Liên, hồ Trúc Bạch... vẫn chưa đông, do nhiều người vẫn có tâm lý ra chợ mua đồ tươi sống về nhà tự chế biến.
Trong các loại thịt, cá... thì thịt lợn có giá không tăng cao so với trước Tết, giá dao động từ 90.000đ đến 120.000đ/kg (tuỳ loại thịt thăn, nạc vai, mông sấn, hay sườn...).
Theo chị Hằng (chủ hàng thịt lợn ở phố Đặng Tiến Đông), sau những ngày Tết Tân Mão vừa qua, thịt lợn bán chậm hẳn. “Hết tết người ta ngán ăn thịt lợn, nên có những khách quen trước thường mua hơn nửa cân hoặc cả cân thịt, sườn... để nấu bữa tối cho cả nhà, nhưng mấy hôm nay họ chỉ mua 2, 3 lạng... Đầu năm, nhiều nhà đi ăn hàng quán thay vì nấu cơm ở nhà, nên chuyên bán cho khách quen như tôi cũng không dám lấy hàng nhiều để bán, có buổi hàng bán ra không được bằng ngày thường trước Tết.”
Né chợ, đến điểm bán hàng “bình ổn giá”
Không ít bà nội trợ đang truyền nhau “bí kíp” phòng chống bị mua thực phẩm, rau xanh đắt đỏ ngoài chợ sau Tết, bằng cách vào siêu thị mua từ rau, củ, quả... đến thịt, cá, hải sản. Nhiều siêu thị, điểm bán hàng bình ổn giá sau Tết Tân Mão 2011 đã mở cửa đón khách khá sớm. Thực tế có những mặt hàng thịt và rau củ ở các chợ giá rất cao, thì ngược lại trong các siêu thị, giá lại rất “ổn”, thậm chí một số mặt hàng còn được giảm giá so với trước Tết.
Việc tổ chức được những điểm bán hàng bình ổn giá có thể coi là một trong những thành công ở lĩnh vực quản lý thị trường, quản lý giá Tết vừa qua. Những mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả vừa tươi ngon, vừa đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, lại không có mức giá “nhảy nhót” lên, xuống bất thường như ngoài chợ... phần nào đã làm vừa lòng những bà nội trợ phải tính toán từng đồng chi tiêu khi lên thực đơn dịp trước và sau Tết cho gia đình.
Theo Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương trong cả nước dịp Tết này đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu qua biên giới và lưu thông trên thị trường. Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng, hàng hoá phong phú, đảm bảo chất lượng. Bộ Công Thương cũng đánh giá: Nhờ sự chủ động ứng phó, chỉ đạo các ngành chức năng và doanh nghiệp trong việc dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường nên trong những ngày Tết Nguyên đán, tình hình cung- cầu hàng hóa khá ổn định, không có hiện tượng găm hàng, đẩy giá lên. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết miền Bắc rét đậm kéo dài, tết nghỉ dài ngày cũng khiến một số mặt hàng sẽ có nguy cơ tăng giá, tạo nên mặt bằng giá mới.
Nguyễn Đăng
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong tháng 2 này (thời điểm Tết và sau Tết), tình hình thị trường có một số yếu tố tác động như: Nhu cầu về hàng hóa dịch vụ dự báo tăng 20%. Do nghỉ Tết kéo dài, sau tết lại có nhiều lễ hội, nhu cầu di lại, du lịch, mua sắm của người dân gia tăng; sức mua có khả năng thanh toán tăng nhanh do lượng kiều hối và đầu tư gia tăng...Tình hình thời tiết, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là rét đậm, rét hại, hạn hán tại miền Bắc là những nguyên nhân gây sức ép làm tăng giá lương thực, thực phẩm. |