Những lo lắng
Đến thời điểm này, tại một số chợ đầu mối cung cấp các loại măng khô, măng tươi trên địa bàn Hà Nội như Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), Hà Đông (quận Hà Đông), có thể thấy lượng khách mua măng khô khá thưa thớt. Chị Trần Thị Phương, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh măng khô Phương Lâm tại chợ Đồng Xuân cho biết: Những năm gần đây, thông tin lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện các loại măng tươi, măng khô bị một số chủ hàng ngâm, tẩm hoá chất độc hại, bất chấp tất cả, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm ăn, buôn bán mặt hàng này. Khách mua sản phẩm này sụt giảm khá mạnh.
Tương tự, bà Nguyễn Thu Ngân, chủ quầy kinh doanh đồ khô Hùng Ngân tại chợ Hà Đông cho biết, không ít người tiêu dùng lo lắng do không thể phân biệt được măng “sạch” hay măng “bẩn” bằng mắt thường nên chọn phương án hạn chế ăn, thậm chí bỏ hẳn món canh măng và thay thế bằng các loại rau, củ, quả tươi khác.
Ông Phùng Thế Hồng (59 tuổi), chủ quầy măng Hồng Thy tại chợ Đồng Xuân khẳng định: “Mặc dù đây là mặt hàng bán khá chạy trong dịp Tết nhưng tại thời điểm hiện nay, lượng măng khô bán ra chỉ bằng một phần nhỏ so với dịp cận Tết những năm trước. Trước đây, quầy hàng nhà tôi chỉ bán buôn cả yến, cả tạ cho khách đem về bán lẻ tại chợ nhỏ nhưng bây giờ thì kể cả khách hỏi mua lẻ 5 lạng, 1 cân cũng bán, nếu không thì ế nặng”.
Do người tiêu dùng không còn mặn mà với măng nên theo một số chủ cửa hàng, trái ngược hoàn toàn đối với những mặt hàng khác đều tăng giá mạnh trong dịp giáp Tết, giá mặt hàng này tại các chợ gần như là vẫn đứng yên. Theo giá niêm yết sẵn tại chợ, măng vầu tùy loại lớn bé có giá từ 230 – 260.000 đồng/kg, măng lá có giá 200.000 đồng/kg, măng lưỡi lợn (măng củ khô) có giá 280.000 đồng/kg.
Những năm trước, phần lớn măng khô các loại tiêu thụ tại chợ Đồng Xuân và các chợ lớn khác trên địa bàn Hà Nội đều được lấy từ các tỉnh phía Bắc: Măng lá từ Hà Giang, Tuyên Quang; măng củ, măng nứa từ Hòa Bình. Tuy nhiên, năm nay nguồn măng khô tại Hà Nội và các tỉnh lân cận khá khan hiếm do diện tích rừng khai thác măng tự nhiên đã thu hẹp khá nhiều, măng trồng chủ yếu phục vụ làm măng tươi. Giá thu mua đầu vào tăng cao nhưng giá bán ra tăng không đáng kể, lãi thấp do những thông tin bất lợi cho người làm và kinh doanh măng khô.
|
Nhãn mác cho măng
Với những gia đình vẫn giữ thói quen có bát canh măng trên mâm cỗ Tết, nhiều người tìm cách riêng nhằm loại bỏ các chất độc hại có trong măng. Vừa mua nửa cân măng khô để dùng cho dịp Tết, chị Lê Thị Quyên (nhà ở Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Mai) cho biết, mặc dù mua măng ở cửa hàng quen biết nhưng khi đem về thường ngâm nước muối, nước gạo vài ngày sau đó rửa sạch rồi đem luộc lên vài lần để loại hết chất bẩn sau đó mới cất vào tủ lạnh để dùng dần trong mấy ngày Tết.
Để lựa chọn được măng đảm bảo an toàn theo ThS Cao Văn Trung - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), măng khi mua phải có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được. Măng còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc. Chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong túi ly non có nhãn mác, có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Măng sấy hoặc ngâm bằng lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trưng; Măng ngâm hóa chất thường bóng, trông bắt mắt, không bao giờ bị ẩm mốc; Hạn chế mua măng chua trái mùa thu hoạch;
Trao đổi với Báo GD&TĐ ngày 23/1, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, ATTP là vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Vì vậy cũng dễ hiểu khi những vụ sử dụng hóa chất không an toàn để bảo quản, chế biến măng được phát hiện khiến nhiều người tiêu dùng đã ngần ngại, thậm chí không dám sử dụng loại thực phẩm này. Tình trạng măng khô ế ẩm như hiện nay là bài học đắt giá cho những người sản xuất kinh doanh không coi trọng sức khỏe người tiêu dùng.
Vậy làm thế nào để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, theo ông Hùng câu trả lời nằm ở phía người sản xuất, kinh doanh. “Măng vốn xưa nay không ghi nhãn mác, nay cũng như các mặt hàng khác, măng đưa vào lưu thông cần có nhãn hàng hóa theo quy định nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người tiêu dùng về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Có như vậy, người tiêu dùng mới tin, dùng…”, ông Hùng thông tin.