Giáo xứ có 30 năm ‘thâm niên’ khuyến học

GD&TĐ - Tính đến nay, giáo xứ Xuân Dục thuộc xã Xuân Ninh (Xuân Trường – Nam Định) đã thành lập Hội khuyến học tròn 30 năm.

Giáo xứ có 30 năm ‘thâm niên’ khuyến học

Giáo xứ Xuân Dục có trên 4.000 giáo dân, và là một trong những giáo xứ điển hình của giáo phận Bùi Chu trong công tác khuyến học. Với “thâm niên” 30 năm thành lập Hội khuyến học, giáo xứ Xuân Dục đã động viên khích lệ nhiều thế hệ con em tại địa phương vượt khó học giỏi.

Theo Ban hành giáo giáo xứ Xuân Dục, Hội khuyến học của giáo xứ được thành lập vào năm 1993 do Linh mục Vincent Ngô Viết Lục là người đầu tiên đóng góp và khởi xướng việc thành lập quỹ khuyến học.

Đêm hoan ca và trao phần thưởng khuyến học tại giáo xứ Xuân Dục.

Đêm hoan ca và trao phần thưởng khuyến học tại giáo xứ Xuân Dục.

Thuở ấy, 3 chỉ vàng là số tiền đầu tiên cha Lục đóng góp, và dần gây dựng thành một vốn quỹ. Năm 1995, tổ chức từ thiện Pháp Enfants du Mekong (gọi tắt là tổ chức sông Mekong) bắt đầu hành trình 10 năm tài trợ học bổng 100% học phí cho học sinh sinh viên Xuân Dục từ cấp 1 đến cấp 3, hỗ trợ tiền sinh hoạt cho sinh viên đại học cao đẳng. Cùng năm đó, hội học sinh - sinh viên Xuân Dục được thành lập.

Hoạt động của hội khuyến học giá xứ Xuân Dục bao gồm 3 việc chính: Phân phối tiền tài trợ, phát thưởng cho các em học sinh sinh viên có thành tích xuất sắc và là cầu nối để liên kết các thế hệ học sinh – sinh viên thông qua hội học sinh – sinh viên.

Vào dịp khai giảng năm hàng năm, hội khuyến học đứng ra xin thánh lễ cầu nguyện cho năm học mới, tổ chức liên hoan giao lưu giữa các khóa và phát thưởng. Ngày lễ này trở thành “Ngày lễ truyền thống học sinh – sinh viên Xuân Dục”.

Năm 1997, hội khuyến học giáo xứ Xuân Dục đã liên hệ với văn phòng Unesco Việt Nam - Nhật Bản mở các lớp xóa mù chữ, gần 200 trẻ đến học và được văn phòng cấp chứng chỉ tốt nghiệp tương đương với bậc tiểu học.

Hội cũng thường xuyên giúp đỡ những gia đình nghèo, đông con như trợ cấp toàn bộ học phí, học thêm, đề nghị với các trường và xã miễn giảm các khoản đóng góp để các em được đi học, đồng thời đến tận gia đình có học sinh bỏ học giữa chừng để động viên các em quay trở lại lớp học và học hết cấp nhằm bảo đảm phổ cập tiểu học, THCS đúng độ tuổi và tiếp tục học lên bậc THPT, học nghề.

Đến nay, nhiều thế hệ học sinh - sinh viên trưởng thành từ những phần thưởng động viên của Hội khuyến học giáo xứ Xuân Dục.

Đến nay, nhiều thế hệ học sinh - sinh viên trưởng thành từ những phần thưởng động viên của Hội khuyến học giáo xứ Xuân Dục.

Hàng năm, vào các ngày lễ, tết, hội khuyến học đã tổ chức trao thưởng cho giáo viên và học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, trong đó những học sinh thi đỗ vào 2-3 trường đại học, THPT được thưởng 1 chiếc xe đạp và 1 triệu đồng, những em đỗ vào một trường được thưởng từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng.

Hội cũng tổ chức mở các lớp học ngoại ngữ, tin học, ôn luyện các môn Toán, Lý, Hóa cho các em học sinh các cấp miễn phí. Về hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hội đã xin tài trợ xây được một nhà 3 phòng học diện tích hơn 200m2 và một nhà mái bằng 3 phòng khác với các thiết bị như: hệ thống điện, quạt, tủ, bàn ghế, sân vui chơi theo quy cách của trường đạt chuẩn quốc gia cho các lớp mẫu giáo và một trung tâm y tế thôn với diện tích 540m2 với 4 phòng 2 tầng với kinh phí xây dựng gần 500 triệu đồng.

Nhờ sự vận động đắc lực của các sinh viên, hàng năm chi hội đã nhận được kinh phí và gây quỹ hoạt động do các cá nhân và tập thể trong xứ, trong nước và nước ngoài trên dưới 200 triệu đồng. Hàng tháng, chi hội đều tổ chức cấp phát học bổng, học phí, học thêm cho từng gia đình trong giáo xứ. Trung bình mỗi tháng đã cấp học bổng và trợ cấp thêm cho các gia đình có con đi học trên dưới 20 triệu đồng.

Từ năm 2005, tổ chức sông Mekong ngừng cấp học bổng và hội khuyến học đã tự phải huy động kinh phí để duy trì hoạt động, nguồn đóng góp chủ yếu là từ Linh mục Ngô Viết Lục và các anh chị cựu sinh viên.

Năm 2015, cha Lục kêu gọi cựu sinh viên đứng lên tiếp tục công việc đồng hành cùng ban khuyến học để duy trì hoạt động và “Quỹ phát triển tài năng trẻ Xuân Dục” ra đời.

Từ những năm 2000, giáo xứ Xuân Dục đã có định hướng đưa vào sinh hoạt, giáo huấn, học tập cộng đồng riêng cho từng lứa tuổi, từng cấp học như: độ tuổi mầm non tổ chức riêng hàng tuần; độ tuổi bậc tiểu học, THCS tổ chức trong tuần; độ tuổi THPT đến tuổi 35, lứa tuổi từ 40 đến 70 tuổi và từ 75 tuổi đến 85 tuổi tổ chức sinh hoạt hàng tháng.

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay giáo xứ Xuân Dục đã có có 1 tiến sĩ tại nước ngoài, 10 thạc sĩ, bác sĩ và khoảng 300 sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trên 500 người đã tốt nghiệp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.