Theo đó có một số trường hợp, cán bộ, GV tuy đã nhận quyết định nghỉ hưu nhưng không đáp ứng được điều kiện, buộc phải quay trở lại tiếp tục công tác.
Giáo viên dở khóc, dở cười
Có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108 và Nghị định 112 của Chính phủ, cô Nguyễn Thị Sương – nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Prao (Tà Lu, huyện Đông Giang, Quảng Nam) hoàn thành mọi hồ sơ, thủ tục. Nhận quyết định nghỉ hưu từ tháng 1/2021, công việc đã bàn giao, thế nhưng cô được thông báo sẽ phải đợi hướng dẫn mới từ Bộ Nội vụ. Lương hưu chưa có, thẻ bảo hiểm cũng hết hạn. Sinh tháng 10/1970, cô Sương cho biết: Nếu tính theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu như cách tính tuổi nghỉ hưu mới của Bộ luật Lao động năm 2019, phải 7,5 năm nữa, tôi mới đủ tuổi nghỉ hưu.
“Bị bệnh xương khớp nên tôi phải điều trị châm cứu nhiều ngày. Nếu theo cách tính nghỉ hưu cũ với nữ là 55 tuổi, mình còn đáp ứng được. Kéo dài thêm vài năm nữa không biết mình có kham nổi không” – cô Sương chia sẻ.
Trường Mầm non Prao hiện chưa bổ nhiệm hiệu trưởng mới mà tạm thời giao cho phó hiệu trưởng phụ trách. Trước khi về hưu, cô Nguyễn Thị Sương cũng chưa hết nhiệm kỳ quản lý. “Giờ nếu yêu cầu tiếp tục công tác, tôi vẫn vui vẻ quay trở lại với công việc, cũng không có xáo trộn gì lớn”, cô Sương bày tỏ.
Phòng GD&ĐT Tiên Phước có 4 giáo viên rơi vào trường hợp như cô Nguyễn Thị Sương. Họ đều nhận quyết định nghỉ hưu nhưng rồi sau đó lại có thông báo từ Sở Nội vụ rằng không đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi.
Trường hợp cô Sương, bắt đầu từ tháng 3 mới nhận lương theo chế độ hưu trí. Nhưng nhiều thầy cô khác, từ tháng 1/2021, bảo hiểm y tế đã bị khóa, lương cũng chờ để chuyển sang chế độ dành cho cán bộ hưu trí. Như thầy Nguyễn Thế Giữ (GV Trường THCS Lý Tự Trọng, huyện Tiên Phước), sau Tết Nguyên đán, khi đi khám bệnh đã phải tự chi trả vì thẻ bảo hiểm y tế đang bị tạm khóa. Nhà trường không chi trả lương nữa vì đã thông báo cắt giảm biên chế. Nhưng lương hưu thầy Giữ cũng chưa nhận được phải chờ các cơ quan liên quan giải quyết.
Những trường hợp như thầy Giữ, cô Sương đều làm hồ sơ nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108 và Nghị định 112 của Chính phủ từ trong năm 2020 nhưng thời điểm ra quyết định lại rơi vào ngày 1/1/2021. Hồ sơ “vắt” qua hai năm, trong khi những chính sách liên quan có nhiều thay đổi nên rơi vào tình trạng dở dang.
Chờ hướng dẫn
Từ 1/1/2021 trở đi, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng theo lộ trình từng năm tùy thuộc vào năm sinh chứ không còn là một con số cố định (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi). Do đó, độ tuổi được hưởng lương hưu của người lao động từ năm 2021 cũng sẽ tăng từng năm tương ứng theo quy định này.
Như trường hợp của cô Sương, căn cứ theo năm sinh, tháng 7/2028 mới đủ tuổi tối thiểu để về hưu là 52,8 tuổi; về hưu trước tuổi sẽ vào tháng 7/2023. Nếu căn cứ theo Nghị định 108 và Nghị định 112 của Chính phủ, cô Sương đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi. Nhưng vì quyết định nghỉ hưu của cô Sương có sau thời điểm tháng 1/1/2021 nên không hợp lệ. Có những trường hợp, nếu tính thời gian công tác theo quy định mới phải đến tháng 9/2023 mới đủ điều kiện để về hưu trước tuổi.
Ông Trần Thanh Hải – Trưởng phòng GD&ĐT Tiên Phước cho biết: 3 trong số 4 GV này đã đồng ý quay trở lại giảng dạy; còn một GV đang nằm viện điều trị nên phòng chưa biết ý kiến thế nào. Vị trí công việc của các GV này chưa bố trí được GV thay thế nên họ đi dạy lại không ảnh hưởng gì. Trong khi chờ quyết định mới của cơ quan có liên quan, những GV này sẽ nhận lương theo chế độ hợp đồng lao động.
Với các trường THPT trực thuộc sở GD&ĐT, ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: Có 8 trường hợp GV đã nhận được quyết định nghỉ hưu trước tuổi nhưng phải dừng lại vì không đủ thời gian công tác theo quy định mới. “Những thầy cô này tiếp tục trở lại công tác tại các trường học. Mong muốn của thầy cô là được nghỉ sớm nhưng không đủ điều kiện thì thôi” – ông Quốc cho hay.