Giáo viên trường chuyên 'có vào, có ra'

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, việc có quy định để thay thế đội ngũ giáo viên không đáp ứng các nhiệm vụ đặc thù của trường chuyên là cần thiết...

Giờ Tin học của cô và trò Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ). Ảnh: Website nhà trường
Giờ Tin học của cô và trò Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ). Ảnh: Website nhà trường

Góp ý cho dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên, nhiều ý kiến cho rằng, việc có quy định để thay thế đội ngũ giáo viên không đáp ứng các nhiệm vụ đặc thù của trường chuyên là cần thiết.

Bảo đảm chất lượng đội ngũ

Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên hiện hành có riêng điều quy định về “đánh giá, xếp loại giáo viên trường chuyên; chuyển giáo viên ra khỏi trường chuyên”. Theo đó, hàng năm, căn cứ quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trường trung học, Quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên phổ thông công lập và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền của giáo viên trường chuyên để đánh giá, xếp loại giáo viên.

Cùng với đó, sau một năm học, chuyển khỏi trường chuyên những giáo viên: Trong năm học không đạt chuẩn nghề nghiệp theo quy định hoặc có 2 năm học liên tiếp xếp loại trung bình theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trường trung học của Bộ GD&ĐT; chuyển khỏi trường chuyên những giáo viên bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên khi quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Tại dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý rộng rãi, chủ trương “có vào, có ra” với giáo viên trường chuyên được thể hiện trong Điều 11. Theo đó, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng là “chủ động trong việc đề xuất tuyển dụng giáo viên, nhân viên; thuyên chuyển giáo viên, nhân viên không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của trường chuyên sang cơ sở giáo dục khác...”.

Ý kiến nhiều lãnh đạo trường THPT chuyên đều thể hiện sự cần thiết phải “có vào, có ra” với giáo viên trường chuyên để thầy cô nỗ lực phấn đấu, bảo đảm chất lượng đội ngũ trường chuyên.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre hoàn toàn ủng hộ với đề xuất thay thế đội ngũ giáo viên không đáp ứng các nhiệm vụ đặc thù của trường chuyên. Điều này là cần thiết vì dù đáp ứng các yêu cầu khi tuyển vào nhưng có thể có cá nhân thiếu nỗ lực phấn đấu, không thường xuyên tự cập nhật bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, dẫn đến không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của trường chuyên trong từng giai đoạn. Việc “có vào, có ra” với giáo viên trường chuyên còn để bảo đảm cơ cấu sắp xếp đội ngũ giáo viên trường và tạo điều kiện trường chuyên có thể tiếp nhận giáo viên có năng lực ở các trường THPT không chuyên.

“Liên quan đến nội dung này, Bến Tre có xây dựng quy định dựa theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên của Bộ GD&ĐT (Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15/2/2012 và Thông tư 12/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014). Theo đó, giáo viên trường chuyên không hoàn thành nhiệm vụ 1 năm, hoặc được đánh giá chuẩn nghề nghiệp ở mức trung bình 2 năm thì xem xét điều chuyển.

Khi tiếp nhận giáo viên về trường, hiệu trường đề xuất sở GD&ĐT xem xét dựa trên các tiêu chí: Giáo viên giỏi cấp tỉnh, giáo viên có bồi dưỡng học sinh giỏi đoạt giải, giáo viên có hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Khi xây dựng đề án trường chuyên giai đoạn tiếp theo, Bến Tre vẫn dự kiến chủ trương “có vào, có ra” này” - ông Võ Văn Bé Hai chia sẻ.

Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Ảnh minh họa/INT
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Ảnh minh họa/INT

Xây dựng tiêu chí đánh giá giáo viên trường chuyên

Tuy nhiên, để thực hiện công việc này, ông Võ Văn Bé Hai cho rằng, trường chuyên phải xây dựng quy chế đánh giá riêng. Cụ thể, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá giáo viên; tổ chức thẩm định, đánh giá giáo viên theo chu kỳ (ví dụ sở GD&ĐT thực hiện 3 năm 1 lần); thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá giáo viên hàng năm.

Cũng nhắc đến việc xây dựng tiêu chí, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết: Năm 2021, UBND tỉnh Phú Thọ giao sở GD&ĐT xây dựng đề án phát triển trường chuyên của tỉnh, trong khi chờ đề án phát triển trường chuyên của toàn quốc. Trong đó, UBND tỉnh có giao cho sở xây dựng tiêu chí đánh giá đội ngũ giáo viên trường THPT chuyên. Ngoài những tiêu chí theo quy định hiện hành, sở xây dựng thêm tiêu chí bổ sung, tuyển chọn, sàng lọc đội ngũ giáo viên trường chuyên theo hướng “có vào, có ra”.

Liên quan đến nội dung này, thầy Lê Đỗ Huy, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa (An Giang) cho rằng, điều quan trọng phải quy định rõ nhiệm vụ giáo viên trường chuyên là gì. Giáo viên trường chuyên phải thực hiện đúng nhiệm vụ, nếu không làm tròn vai thì bị điều chuyển.

Chia sẻ của ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai, Quy chế tổ chức và hoạt động trường THPT chuyên hiện hành cũng có quy định về nội dung này (Khoản 2, Điều 17 văn bản hợp nhất số 20/VBHN-BGDĐT ngày 30/5/2014). Tuy nhiên, những ràng buộc đó có phần chung chung cũng như các trường THPT không chuyên. Xét mức độ về mục tiêu, đối tượng, chương trình chuyên…, đòi hỏi giáo viên phải thật sự giỏi, vượt trội về phẩm chất năng lực, đặc biệt kiến thức kỹ năng chuyên môn.

Do đó, phải đặt việc tuyển chọn nghiêm túc là yêu cầu hàng đầu (có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, chẳng hạn như có đánh giá cụ thể của một tổ chức kiểm định độc lập); được tạo điều kiện tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn hàng năm... Song song đó, việc điều chuyển sang các trường không chuyên cũng phải được áp dụng. “Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động trường THPT chuyên có nói đến nội dung này, nhưng cần cụ thể hơn. Tất nhiên, giáo viên trường chuyên phải có ưu đãi tương xứng”, ông Võ Ngọc Thạch nêu quan điểm.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, việc “có vào, có ra” không chỉ áp dụng với trường chuyên mà cả với trường có thương hiệu, uy tín, chất lượng. Đây là điều cần thiết để bảo đảm chất lượng đội ngũ, cũng như có thể điều chuyển người giỏi, có năng lực, tâm huyết về trường chuyên. Như mô hình trường tiên tiến tại Nghệ An thu hút thầy cô giỏi về giảng dạy và điều chuyển nếu không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, nội dung này có thể không cần quy định cụ thể tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên vì đây là việc thuộc về quản lý biên chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.