Giáo viên tiểu học dần quen cách đánh giá mới

GD&TĐ - Dù có một số khó khăn ban đầu, nhưng đến thời điểm hiện tại, các thầy cô giáo của Trường tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (Điện Biên) đã quen dần với việc nhận xét đánh giá thường xuyên học sinh qua từng môn học.

Giáo viên tiểu học dần quen cách đánh giá mới

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hồng Hoàn - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (Điện Biên) sau một học kỳ thực hiện Thông tư 30.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hoàn cho biết: Không phải giáo viên nào cũng thực hiện được ngay việc đánh giá thường xuyên các môn học và các hoạt động giáo dục của học sinh trên lớp hàng ngày.

Bởi khó khăn trước mắt là thay đổi tư duy của các bậc phụ huynh, tư duy của học sinh và ngay cả nhận thức của bản thân giáo viên.

Từ việc đánh giá bằng điểm số được thay bằng những lời nhận xét của giáo viên, từ cách suy nghĩ học vì điểm được thay bằng học để có kiến thức, để phát triển năng lực, phẩm chất thực sự không dễ thay đổi mà phải kiên trì từng bước mới có hiệu quả.

Khi thực hiện Thông tư 30, không thể tránh khỏi nhiều ý kiến trái chiều từ phía học sinh, phụ huynh và ngay cả giáo viên. 

Tuy nhiên, sau những lúng túng ban đầu, đến thời điểm hiện tại, các thầy cô giáo của nhà trường đã quen dần với việc nhận xét đánh giá thường xuyên học sinh qua từng môn học.

Những yêu cầu đối với giáo viên 

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Hoàn, để đánh giá học sinh một cách tốt nhất sau mỗi tiết học, yêu cầu đầu tiên đối với giáo viên là giáo viên phải dựa vào chuẩn kiến thức, kỹ năng. Đó là lượng kiến thức mà học sinh cần đạt được trong giờ học.

Sau đó, giáo viên dùng kỹ thuật quan sát từng nhóm đối tượng học sinh, xem các em đã hiểu nhiệm vụ chưa, có chú tâm vào việc thực hiện nhiệm vụ hay không, có trao đổi tích cực trong nhóm hay hoàn thành hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập hay không?

Một điều quan trọng khác nữa là giáo viên cần phải quan tâm đến sản phẩm của học sinh - tức là mức độ hoàn thành theo yêu cầu của bài học.

Việc sử dụng kết quả phản hồi sau khi quan sát cũng là nội dung vô cùng quan trong, bởi các thông tin quan sát là cơ sở để giáo viên đưa ra quyết định và có biện pháp động viên, giúp đỡ kịp thời học sinh trong quá trình học tập.

Sự can thiệp giúp đỡ có thể tiến hành ngay sau khi thu được thông tin quan sát.

Bên cạnh sử dụng kỹ thuật quan sát, giáo viên có thể đưa ra hình thức kiểm tra nhanh kết quả sản phẩm của học sinh, hoặc dùng kỹ thuật phỏng vấn đưa ra những câu hỏi nằm trong lượng kiến thức của từng nhiệm vụ.

Điều đó giúp giáo viên nắm bắt kịp thời mức độ hoàn thành nhiệm vụ bài học và những ý tưởng sáng tạo của học sinh.

Tất cả những hoạt động, kỹ thuật trên giúp giáo viên nhận xét, đánh giá học sinh được chính xác, động viên, khuyến khích và hỗ trợ học sinh một cách kịp thời đảm bảo mục tiêu bài học.

Tuy nhiên, đó là một công việc cần đến sự tỉ mỉ, sự tâm huyết với nghề, lòng yêu quý, gần gũi với học sinh mà không phải thầy cô giáo nào cũng thực hiện hết trách nhiệm.

Đánh giá "3 bên"

Đánh giá thường xuyên của giáo viên còn dựa trên sự đánh giá của học sinh và tham khảo ý kiến đánh giá từ phụ huynh. 

Trong quá trình thực hiện, cô Nguyễn Thị Hồng Hoàn cho biết, nhà trường chỉ đạo giáo viên tổ chức cho học sinh tự đánh giá mình và đánh giá bạn thông qua các hoạt động trong từng bài học, tuần học giúp các em luôn có ý thức đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động học tập.

Việc tham khảo ý kiến đánh giá của phụ huynh cũng giúp giáo viên đánh giá chính xác về học sinh đó.

Nhà trường đã tổ chức tuyên truyền nội dung của Thông tư 30 tới phụ huynh học sinh qua các buổi họp lớp, qua trao đổi hàng ngày giúp phụ huynh học sinh hiểu được về ý nghĩa của việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30.

Phân nhóm học sinh để ghi nhận xét

Một trong những băn khoăn, lo lắng của giáo viên khi thực hiện Thông tư 30 là ghi sổ theo dõi chất lượng giáo dục. 

cô Nguyễn Thị Hồng Hoàn cho rằng: Việc tổng hợp ghi sổ theo dõi chất lượng của giáo viên cũng là một nội dung mà nhà trường, giáo viên hết sức quan tâm.

Để có lời nhận xét hàng tháng thì giáo viên phải dựa trên lời nhận xét trong 4 tuần học của học sinh.

Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để giáo viên có thể ghi nhớ và tổng hợp toàn bộ nội dung nhận xét của 4 tuần học của học sinh, để có thể đưa ra được lời nhận xét tháng một cách đầy đủ nhất? Bởi nhận xét tháng là lời nhận xét mức độ đạt được theo mạch kiến thức của 4 tuần học.

Nội dung nhận xét là những điểm mạnh và những hạn chế mà học sinh chưa khắc phục được trong tháng, cùng với biện pháp hỗi trợ qua từng môn học, giúp giáo viên có phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động học nhằm giúp học sinh hoàn thành nội dung đó trong những tháng tiếp theo.

Làm thế nào để giáo viên có thể ghi nhớ được những lời nhận xét ở từng tuần để đưa ra được lời nhận xét tháng trong khi có những giáo viên chuyên dạy 2 đến 3 khối lớp? Đó quả là một vấn đề khó.

"Theo tôi, trước hết người giáo viên phải phân được nhóm đối tượng học sinh để có thể có những nhận xét phù hợp. Đồng thời giáo viên có thể tự mình ghi lại những lưu ý về học sinh nếu thấy cần thiết" - cô Hoàn chia sẻ.

Một vấn đề mà giáo viên cũng rất băn khoăn đó là nội dung của lời nhận xét. Không thể tránh khỏi sự trùng lặp nếu ta dạy số lượng học sinh ở nhiều lớp.

Do vậy, theo cô Nguyễn Thị Hồng Hoàn, trước hết người giáo viên phải tự trang bị cho mình vốn từ ngữ thật phong phú. Tham khảo thêm những lời nhận xét qua thông tin trên mạng internet, đồng thời dựa vào việc phân nhóm đối tượng học sinh để đưa ra được những lời nhận xét cụ thể. Tránh tình trạng em nào cũng có lời nhận xét giống nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ