Trường học đóng cửa, giáo viên thành “shipper”
Học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh Covid-19, trường học đóng cửa, chị Phạm Thu Thủy, một giáo viên của trường mầm non tư thục trên địa bàn phường Đông Khê, quận Ngô Quyền phải bươn chải tìm việc làm thêm duy trì cuộc sống.
Chị Thủy cho hay, vì là trường tư thục, khi học sinh nghỉ, trường không có nguồn thu, nên không trả lương cho giáo viên. Chia sẻ với các cô, thi thoảng nhà trường hỗ trợ thêm cân gạo, chai nước mắm.
Để có thu nhập, chị Thủy đành liên hệ với một số cửa hàng bán đồ ăn nhanh, cửa hàng quần áo để được chân giao hàng. “Làm shipper giai đoạn này cũng khó lắm em ạ. Có người mua hàng mấy đâu, vả lại chị là phụ nữ cũng ít bon chen được các chân giao hàng xa. Vì thế, ế ẩm lắm. Dịch bệnh kéo dài thì không biết phải làm sao.”, chị Thủy tâm sự.
Không riêng hoàn cảnh chị Thủy, hàng ngàn giáo viên thuộc các trường mầm non tư thục trên địa bàn TP Hải Phòng đang thất nghiệp vì dịch bệnh và rơi vào cảnh khó khăn.
Nhiều cô có tay nghề may thì ở nhà nhận gia công hàng may mặc, có cô máy mắn tìm được việc làm thời vụ ở công ty da giầy. Nhưng phần lớn, giáo viên của hệ thống các trường mầm non tư thục đang khó khăn vì thất nghiệp.
Khó trụ vững nếu dịch kéo dài
Trường Mầm non Bi Bi (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) thuộc tốp các trường mầm non tư thục lớn, có tiếng trong thành phố với mức trung bình 350 trẻ. Dịch bệnh kéo dài, lãnh đạo trường đang loay hoay tìm các nguồn vay để duy trì nhà trường cũng như để hỗ trợ giáo viên.
Chị Bùi Thị Quỳnh Vân, Hiệu phó Trường Mầm non Bi Bi chia sẻ, trường có tổng 62 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Từ ra Tết Nguyên đán 2020, nhà trường không hoạt động vì dịch bệnh. Không có nguồn thu, nhưng bằng nguồn dự trữ, tháng 2, lãnh đạo trường vẫn cố gắng trả 50% lương cho các cô giáo. Tuy nhiên, sang tháng 3 nguồn kinh phí dự trữ cạn, trong khi tiền thuê nhà gần 200 triệu/ tháng, tiền đóng bảo hiểm xã hội lớn nên không thể trả lương được cho giáo viên.
Khi xảy ra dịch bệnh, mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng. Nhưng với giáo dục, đặc biệt giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng nặng nề vì không có nguồn thu. Đến 90 % các trường mầm non tư thục đi thuê nhà, trong khi chi phí trang trải hàng tháng lớn, nếu dịch kéo dài thì khó mà trụ vững.
Chị Quỳnh Vân mong muốn, cùng với việc hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục gặp khó khăn vì dịch bệnh, các cấp ngành tạo điều kiện các nguồn vay để cơ sở giáo dục tư thục có thể duy trì qua dịch bệnh.
Vừa hoàn thiện các thủ tục, bổ sung cơ sở vật chất để thành lập trường từ một nhóm trẻ, Trường Mầm non Tương Lai (phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đang gặp phải muôn vàn khó khăn.
Tuy trường có quy mô nhỏ, 90 học sinh nhưng nếu trẻ đi học đều thì nhà trường cũng đủ nguồn để chi trả lương và các chế độ khác cho 14 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Chị Hoàng Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tương Lai cho hay, mỗi tháng nhà trường trả tiền thuê mặt bằng 20 triệu đồng. Tháng đầu tiên nghỉ học do dịch bệnh, trường vẫn chi trả lương cho giáo viên. Nhưng từ tháng 3, trường gặp nhiều khó khăn về tài chính nên không có chi phí trả lương cho giáo viên.
“Mặc dù rất thương các cô giáo nhưng tôi cũng không biết phải làm sao. Thi thoảng, trường mua một vài thực phẩm thiết yếu hàng ngày để hỗ trợ thêm cho họ”, chị Hiền tâm sự.
Trao đổi với GD&ĐT, bà Vũ Thị Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền cho biết, toàn quận Ngô Quyền hiện có 22 trường mầm non tư thục và 38 nhóm lớp. Tình hình dịch bệnh, các cơ sở giáo dục đều gặp khó khăn rất nhiều, nhưng cơ bản các đơn vị đang cố gắng cầm cự, bám trú. Hiện, phòng giáo dục đang tập hợp danh sách những cán bộ, giáo viên gặp khó khăn trong dịch bệnh để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.