GS Đinh Quang Báo cho rằng, các cơ sở đào tạo giáo viên là nơi cung cấp chính đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cho hệ thống giáo dục phổ thông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế về năng lực nghề nghiệp của giáo viên đến từ sự lạc hậu của chương trình đào tạo ở các cơ sở đào tạo giáo viên.
Trong những năm qua, mục tiêu chính của các trường sư phạm trong công tác đào tạo là đào tạo ra những sinh viên có đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ, để có thể đáp ứng tốt nhất với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Nguyên hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh: Chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây có những thay đổi lớn cả về định hướng, mục tiêu, và cấu trúc chương trình, đương nhiên, chương trình đào tạo ở các cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay sẽ không đáp ứng được với sự thay đổi đó.
Do vậy, đổi mới chương trình đào tạo ở các cơ sở đào tạo giáo viên để sau khi tốt nghiệp, người học không chỉ đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới mà còn dễ dàng thích ứng được với sự thay đổi trong tương lai của giáo dục phổ thông.
Cụ thể: Chú trọng rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp, cân đối giữa đào tạo kiến thức khoa học chuyên ngành, nội dung nghiệp vụ sư phạm và giá trị nghề nghiệp; tích hợp các năng lực nghề nghiệp trong tất cả các yếu tố cấu trúc chương trình đào tạo, cân đối giữa đào tạo năng lực giáo dục với năng lực dạy học môn học;
Vận dụng phương thức đào tạo gắn kết thường xuyên với môi trường giáo dục ở nhà trường phổ thông; chương trình đào tạo có chuẩn đầu ra được xây dựng trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã được Bộ GD&ĐT ban hành, trong đó đặc biệt chú ý đào tạo năng lực dạy học tích hợp, dạy học phân hóa trên cơ sở thiết kế nội dung đào tạo vừa đảm bảo cung cấp tri thức rộng nền tảng, vừa phát triển tri thức chuyên ngành sâu.
Do chương trình giáo dục phổ thông được phân hai giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp nên các trường đại học sư phạm phải tích hợp trong chương trình đào tạo để sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể dạy được cả các môn học ở trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Việc đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, cần được tiến hành một cách đồng bộ, trong sự hợp tác, chia sẻ giữa các trường sư phạm có uy tín trong cả nước.
Tuy nhiên, đổi mới chương trình đào tạo ở các cơ sở đào tạo giáo viên đòi hỏi nguồn kinh phí không nhỏ. Từ thực tế này, GS Đinh Quang Báo cho rằng, đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ giữa các trường sư phạm đầu ngành. Mặt khác, việc này luôn đi kèm với các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, hệ thống các cơ sở thực tập nghề.
Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới chương trình đào tạo có thể sẽ dẫn tới một số cơ sở đào tạo giáo viên không đáp ứng được, điều này đòi hỏi phải cấu trúc lại hệ thống các trường sư phạm trong cả nước. Đây là việc làm tất yếu và cấp bách trước ngưỡng cửa đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Ngoài ra, nhà nước cũng cần ban hành các chính sách ưu đãi cho các cơ sở đào tạo giáo viên, tạo điều kiện thu hút đầu vào có chất lượng cao, nâng cao đời sống giáo viên để họ yên tâm công tác và cống hiến. “Làm được như vậy cũng là thực hiện tốt chủ trương của Đảng coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển” – GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.