Sở GD&ĐT yêu cầu tiếp tục đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên. Hướng dẫn phương pháp tự học, tự bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn qua mạng cho giáo viên. Phát huy tốt vai trò của cốt cán trong việc bồi dưỡng, kiểm tra, hướng dẫn giáo viên thực hiện tốt các nội dung bồi dưỡng thường xuyên theo kế hoạch. Tăng cuờng việc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên thông qua sinh hoạt chuyên môn theo tổ/ trường/ cụm trường.
Đối với nội dung bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục của giáo viên, thủ trưởng các đơn vị chú trọng việc tổ chức hướng dẫn học tập, trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc cũng như việc tự học, thực hành, hệ thống hóa kiến thức, và tổ chức tập huấn cho giáo viên.
Trong năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên đối với các phòng GD&ĐT. Sở GD&ĐT sẽ tổ chức kiểm tra công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tại một số đơn vị.
Các trường tiểu học căn cứ hướng dẫn của các cấp, kết quả đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên trong hè 2019 và trong cả năm học 2019-2020, đảm bảo tạo điều kiện cho giáo viên tiểu học được tham gia bồi dưỡng, tập huấn ít nhất 120 tiết trong năm học.
Giáo viên tham gia bồi dưỡng cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của cá nhân. Nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về BDTX của các cơ quan quản lý giáo dục, của cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ BDTX, của nhà trường. Mỗi giáo viên có sổ bồi dưỡng thường xuyên, ghi chép những nội dung đã tự học và áp dụng trong quá trình thực hiện chuyên môn (tránh làm hình thức, ghi chép nhiều nhưng không hiệu quả).
Giáo viên đồng thời tự đánh giá và báo cáo tổ khối bộ môn, lãnh đạo nhà trường kết quả thực hiện kế hoạch BDTX của cá nhân và việc vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học tập bồi dưỡng thường xuyên vào quá trình thực hiện nhiệm vụ.