Giáo viên phải là người tiên phong trong đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, vai trò chủ động của nhà trường và giáo viên là vô cùng quan trọng.

Giáo viên tập huấn các bài giảng về Chương trình GDPT mới.
Giáo viên tập huấn các bài giảng về Chương trình GDPT mới.

Đưa học sinh chiếm lĩnh tri thức

Trong đó giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà phải sáng tạo trong tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học.

Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những hạn chế, yếu kém, bất cập của giáo dục, đào tạo nước ta lâu nay là “chưa nhận thức đúng vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo…”.

Tại Hội nghị TW2 khóa VIII, chỉ rõ: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh”. Luật Giáo dục cũng khẳng định: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”.

Thành công của chương trình GDPT mới vai trò cốt lõi từ giáo viên.
Thành công của chương trình GDPT mới vai trò cốt lõi từ giáo viên.

Trao đổi với PV Báo Giáo dục và Thời đại về Chương trình GDPT 2018, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Trong bối cảnh đổi mới Chương trình GDPT hiện nay thì vai trò của người giáo viên cũng có những thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn.

Theo đó, giáo viên phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức. Coi trọng dạy học phân hóa cá nhân, biết sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội, biết sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật dạy học, tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

“Yêu cầu hợp tác làm việc với đồng nghiệp chặt chẽ hơn, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong các quan hệ xã hội, với cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức xã hội khác” – ông Nguyễn Quốc Anh cho hay.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cũng chỉ rõ rằng để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, giáo viên phải có những vai trò chủ yếu sau:

Thứ nhất, giáo viên là nhà giáo dục. Điều này khẳng định vai trò của nhà giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện sứ mệnh cải tạo xã hội và phát triển toàn diện học sinh bằng năng lực tư duy và năng lực hành động trên những luận cứ khoa học và nhân văn. Ở đây, nhấn mạnh đến hoạt động chuyên biệt trong nghề nghiệp của giáo viên.

Giáo viên đưa ra những sáng kiến trong đổi mới giáo dục.
Giáo viên đưa ra những sáng kiến trong đổi mới giáo dục.

Giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục với hai nhiệm vụ cốt lõi, giáo dục và giáo dưỡng. Giáo viên có trách nhiệm trang bị cho học sinh kiến thức, cách học để học sinh không ngừng phát triển nhận thức, trí tuệ, có thế giới quan khoa học.

Đồng thời, tạo ra những cơ hội hoạt động và giao lưu trong đời sống lớp học, nhà trường và trong cộng đồng để xây dựng sức khỏe thể chất và tinh thần, những xúc cảm và kỹ năng cần thiết, cơ bản cho nhân sinh quan và thế giới quan.

Thứ hai, giáo viên là người học suốt đời. Mục đích là để nâng cao hiểu biết về xã hội và khoa học trong các lĩnh vực công tác của mình, vừa phát triển năng lực cá nhân và năng lực nghề nghiệp của bản thân để ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh.

Mặt khác, sự phát triển thành thạo nghề sẽ mang lại cho chính giáo viên sự hài lòng, thỏa mãn, tự tin và được sự tín nhiệm. Năng lực tự học của giáo viên như một chuyên gia trong lĩnh vực học để tự bồi dưỡng và hướng dẫn học sinh, người khác học tập.

Giáo viên phải là người nghiên cứu

Thứ ba, giáo viên là một người nghiên cứu. Giáo viên chính là người nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục. Giáo viên là người lao động sáng tạo, xây dựng những kiến thức mới về nghề trên cơ sở quan sát, phân tích, suy ngẫm và tổng kết những kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục và hoạt động nghề nghiệp của bản thân và tập thể sư phạm của nhà trường.

Giáo viên được xem như "cố vấn" trong đổi mới chương trình SGK mới.
Giáo viên được xem như "cố vấn" trong đổi mới chương trình SGK mới.

Thứ tư, giáo viên là nhà văn hóa  – xã hội. Là nhà văn hóa – xã hội, giáo viên có trách nhiệm xây dựng môi trường văn hóa và gương mẫu trong tác phong, lối sống lành mạnh, giản dị và thiện chí trong cộng đồng nơi cư trú và cộng đồng địa phương. Nói cách khác, giáo viên sẽ tự giác tham gia vào các phong trào xây dựng văn hóa của địa phương và động viên gia đình, xóm phố tham gia.

“Trong đổi mới phương pháp, vai trò của người thầy cũng thay đổi. giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần mà phải  tiên phong, tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học

Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển từ chương trình hiện hành sang Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Để thực hiện thành công, đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định” – ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.