Giáo viên nhận xét đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 ở TPHCM sáng tạo

GD&TĐ - Nhiều giáo viên nhận xét, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 năm nay rất sáng tạo và giàu tính nhân văn.

Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản phấn khởi sau khi thi môn Ngữ Văn.
Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản phấn khởi sau khi thi môn Ngữ Văn.

Đề thi sáng tạo

Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Minh Đức (Quận 1, TPHCM) cho biết, đề thi Ngữ văn năm nay rất sáng tạo, giàu tính nhân văn, có độ phân hóa cao, đòi hỏi học sinh phải tư duy để vận dụng khi làm bài, không thể học vẹt. Phần đọc hiểu vừa sức, trọng tâm, câu a,b ở mức độ nhận biết. Câu c, d đòi hỏi học sinh phải biết cách vận dụng.

Phần nghị luận xã hội, câu 2, không dễ đối với học sinh trung bình. Các em phải xác định được vấn đề nghị luận mới bàn luận và tìm dẫn chứng được. Phần đọc hiểu là cơ sở để làm nghị luận xã hội. Phần nghị luận văn học (câu 3) chủ đề rộng, trọng tâm, học sinh có thể lựa chọn, vận dụng nhiều tác phẩm văn học khác nhau để làm bài kể cả đề 1 và 2.

Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên Trường THCS Minh Đức.

Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên Trường THCS Minh Đức.

“Phần nghị luận văn học, đề đòi hỏi học sinh chỉ chọn tác phẩm thơ, nếu không đọc kỹ sẽ dễ chọn nhầm tác phẩm truyện”, cô Hòa nhấn mạnh.

Tương tự, thầy Lê Minh Kim Long, Phó Hiệu trưởng, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp) chia sẻ, đề thi năm nay ra rất hay và sáng tạo. Đặc biệt phần đọc hiểu, đề ra nằm trong nội dung chương trình mà học sinh vận dụng những kỹ năng đọc hiểu đã được thầy cô ôn luyện. Nhìn chung phần đọc hiểu ổn, đánh giá đúng năng lực học sinh.

Phần nghị luận xã hội có hướng mở và đòi hỏi học sinh phải có tư duy. Từ ngữ liệu của bài thơ để học sinh nhận ra được vấn đề, rồi từ đó các em bàn luận, suy xét vấn đề. Câu nghị luận xã hội sẽ giúp đánh giá và tìm được học sinh khá, giỏi.

Thầy Lê Minh Kim Long trong một chuyến đi từ thiện.

Thầy Lê Minh Kim Long trong một chuyến đi từ thiện.

Đối với phần nghị luận văn học 2 đề đều nằm trong những chủ đề gắn liền với trong chương trình rất rõ, đó là tình yêu đất nước, đề thứ 2 là tình cảm gia đình.

“Nói chung đề ổn vừa sức của học sinh, nhưng đòi hỏi các em phân phối thời gian làm bài hợp lý và có kỹ năng lập luận. Tôi nghĩ đề này để đạt được điểm trên trung bình không khó, để tìm điểm giỏi đề này rất phù hợp”, thầy Long chia sẻ.

Đề thi không quá khó

Còn thầy Võ Kim Bảo, Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cho hay, đề gây ấn tượng đầu tiên với hình thức mới lạ: lá thư của cô giáo được đóng khung, trang trí đẹp; một bảng thông báo của câu lạc bộ Lớn lên cùng sách… Đề nhìn có vẻ dài những lại không khó. Nội dung của đề gần gũi, dễ hiểu, thiết thực, chủ đề phù hợp với năng lực nhận thức và tình cảm của học sinh tuổi 15.

Thầy Võ Kim Bảo, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du.

Thầy Võ Kim Bảo, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du.

Ở các câu hỏi, đề có sáng tạo, không trùng lặp với các năm trước. Đề không đánh đố, các câu hỏi đều vừa sức, học sinh có học lực trung bình cũng có thể đáp ứng được tất cả các câu. Đề có tính phân hóa ở 2 phương diện: kĩ năng làm bài và tư duy sáng tạo.

Ở câu 1 ngoài sự mới mẻ về hình thức thì nội dung cũng mới: Nội dung đọc hiểu không trích dẫn 100% mà được dẫn dắt bởi người ra đề. Văn bản đọc hiểu do người ra đề tự viết, đóng vai cô giáo, có trích dẫn các tác phẩm liên quan đến chủ đề “Những suy nghĩ cất lên thành lời”. Các câu hỏi không khó, đây là phần hầu hết học sinh có thể lấy điểm. Câu d mang tính giáo dục cao đồng thời tôn trọng ý kiến chủ quan của học sinh, không áp đặt.

Còn câu 2 có 2 điểm mới so với các năm trước: dẫn dắt bằng một ý thơ và tạo lập văn bản dựa trên một nhan đề cho sẵn. Đề không khó, đa số học sinh có thể làm được. Một số học sinh không cẩn thận sẽ làm bài không đúng trọng tâm (chỉ bàn về nội dung đoạn thơ hoặc chỉ bàn về nhan đề cho sẵn, không có sự liên kết). Đề có tính phân hóa cao: Yêu cầu học sinh có kĩ năng tốt, có cách trình bày hợp lí, biết liên kết ý thơ và nhan đề để rút ra vấn đề.

Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm học 2023-2024.

Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm học 2023-2024.

“Đối với câu 3, đề 1, chủ đề là tình yêu nước, rất gần gũi với học sinh. Đề yêu cầu nghị luận thơ, học sinh cần phải thuộc một số đoạn thơ nhất định. Nếu không thuộc thơ, học sinh có thể lựa chọn đề 2, cũng không hề khó hơn. Dạng đề này đã được công bố trước đó nên không lạ với học sinh và giáo viên.

Còn câu 3, đề 2 chủ đề là tình cảm gia đình, đề khá rộng như đề 1. Đề không giới hạn thơ hay truyện, học sinh có thể chọn bất kì tác phẩm nào đúng chủ để, ở bất kì thể loại nào. Sự khác biệt với đề 1 là ở yêu cầu phụ: chia sẻ về cách đọc, cách hiểu tác phẩm mình chọn. Yêu cầu phụ này không khó, học sinh được trình bày quan điểm của mình một cách tự do. Nhưng với những học sinh quen học văn mẫu, tư duy rập khuôn sẽ không hiểu yêu cầu này", thầy Bảo nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.