Giáo viên mới ra trường lương khởi điểm dự kiến khoảng 6 triệu đồng

GD&TĐ - Chính sách với nhà giáo, trong đó có chế độ tiền lương là một câu hỏi được cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội gửi tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 23/10.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH sư phạm Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH sư phạm Hà Nội.

Lương mới tạo động lực, không cào bằng

Khẳng định một trong những yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục là đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 732/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025". Đề án này rà soát căn bản các vấn đề liên quan đến đội ngũ nhà giáo, trong đó chế độ đãi ngộ là hết sức quan trọng.

Nhấn mạnh phải tạo được động lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có thực hiện các chế độ đãi ngộ, Bộ trưởng chia sẻ: Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW, Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ/ngành liên quan xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành Giáo dục, với tinh thần đổi mới, công bằng, tạo được động lực, tránh bình quân cào bằng. Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ngoài được hưởng lương theo vị trí việc làm thì phụ cấp theo ngành nghề, ưu đãi đặc thù cũng phải được bảo đảm.

Cũng theo Bộ trưởng, chăm sóc đội ngũ giáo viên còn được thực hiện ngay khi còn là sinh viên sư phạm. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. “Đây cũng là cố gắng của Chính phủ trong điều kiện hiện nay” – Bộ trưởng cho hay.

Chia sẻ về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT không có quyền quyết định về lương, việc đổi mới chính sách tiền lương phải trên cơ sở cân đối, tính toán kỹ lưỡng. Thông tin về chính sách lương mới chưa được công khai, nhưng Phó Thủ tướng chia sẻ, lương mới sẽ có khởi điểm cao hơn và dự kiến giáo viên mới ra trường có mức lương làm tròn dự kiến khoảng 6 triệu đồng. “Nhưng muốn cải cách tiền lương, nhất định chúng ta phải tăng trưởng, phát triển” – Phó Thủ tướng cho hay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Phải tạo được động lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có thực hiện các chế độ đãi ngộ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Phải tạo được động lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có thực hiện các chế độ đãi ngộ.

Đổi mới giáo dục: Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế

Trước câu hỏi về hướng phát triển của nền giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước hết là chuẩn hóa và hội nhập quốc tế. Bộ GD&ĐT với sự tư vấn hiệu quả của các trường sư phạm đã xây dựng được bộ chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Các trường sư phạm căn cứ vào chuẩn đó để đào tạo, để giáo sinh hướng tới sự chuẩn hóa, không phải ra trường mới đi bồi dưỡng. Còn hoạt động bồi dưỡng thường xuyên vẫn là cần thiết, nhưng đó là bồi dưỡng để cập nhật những thông tin mới, phương pháp mới…

Về hội nhập quốc tế, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và giáo dục không nằm ngoài xu thế hội nhập này. Nhấn mạnh hội nhập để thành công dân toàn cầu, theo Bộ trưởng, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, không phải tiếp cận theo nội dung kiến thức như chương trình cũ. Đây là cuộc cách mạng rất quan trọng. Và vì đổi mới căn bản, toàn diện nên thời gian đầu khó tránh khỏi sẽ có những khó khăn, từ nhận thức, quan điểm đến điều kiện thực hiện.

Tuy nhiên, những năm gần đây, thầy cô giáo và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; sự quan tâm xã hội rất lớn đó là tín hiệu đáng mừng, vừa là động lực, đôi khi là áp lực để chúng ta đổi mới ngày càng tốt lên.

Bộ trưởng cũng thông tin, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT vừa qua, Ban Bí thư đã ghi nhận những kết quả đổi mới giáo dục tích cực; sau đó ban hành Kết luận 51 tiếp tục sự nghiệp đổi mới này. “Chúng tôi có niềm tin và hy vọng, thế hệ sinh viên ngồi đây sẽ là đội ngũ thầy cô trong tương lai để thực hiện chủ trương đổi mới, mà trước hết là đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” – Bộ trưởng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.