Đa số giáo viên này đều có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108. Vào thời điểm các thầy cô làm hồ sơ, chiếu theo những quy định trên, họ đủ điều kiện tinh giản biên chế, nên địa phương đã cấp cho họ quyết định nghỉ hưu trước tuổi.
Thế nhưng theo lộ trình và cách tính mới của Nghị định số 143 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, việc tính mốc thời gian về hưu trước tuổi của người lao động có sự thay đổi. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2014) tính từ ngày 1/1/2021.
Hồ sơ được thực hiện từ năm 2020, nhưng thời điểm ra quyết định lại vào ngày 1/1, đẩy thầy cô vào cảnh tréo ngoe là không nhận được lương hưu, bảo hiểm y tế trong lúc lương theo công việc cũ ở trường đã bị cắt theo quyết định nghỉ hưu! Thu nhập không có ròng mấy tháng, nhiều người lâm vào cảnh khó khăn. Mệt mỏi nhất là những người sức khỏe hạn chế, đã sẵn sàng cho cuộc sống hưu trí nhưng giờ thấp thỏm tới đây phải gánh tiếp công việc như thế nào. Bởi đơn vị nào cũng có kế hoạch thay thế bổ sung nhân sự đồng thời với khi ra quyết định nghỉ hưu cho một viên chức nào đó.
Có quyết định nghỉ hưu trước tuổi mà không được nghỉ, không được hưởng lương hưu, không phải là chuyện cá biệt của riêng ngành Giáo dục, mà còn cả ở một số ban ngành khác ở Quảng Nam. Gốc rễ dẫn đến sự tréo ngoe là do khi xây dựng quy định mới, các cơ quan có thẩm quyền không lường trước tình huống xảy ra ở thời điểm giao thoa các quy định, để từ đó có phương án dự liệu, hướng dẫn. Theo thông tin từ Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam, các đơn vị đề nghị phê duyệt danh sách cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế đợt 1 năm 2021 được thực hiện từ giữa năm 2020, báo cáo trước ngày 1/10/2020. Trong khi đó, Nghị định 143 sửa đổi, bổ sung Nghị định 108 và Nghị định 113 lại ra đời ngày 10/12/2020, sau thời điểm giáo viên đệ đơn và các đơn vị phê duyệt, báo cáo!
Đành rằng trong trường hợp này, việc giải quyết chế độ chính sách sẽ có một độ trễ nhất định, nhất là khi vụ việc không chỉ liên quan đến địa phương mà còn cả Trung ương; không chỉ riêng ngành Giáo dục mà còn cả các ban ngành khác.
Nhưng dù có độ trễ cũng rất cần lời hồi đáp sớm của cơ quan chức năng, bởi các thầy cô ở tuổi xế chiều đang gặp nhiều xáo trộn trong cuộc sống, âu lo thấp thỏm. Dù các cơ sở giáo dục cho biết có thể sắp xếp đón thầy cô trở lại trường nếu không được hưu sớm, nhưng có lẽ phương án này các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc. Tốt nhất Bộ Nội vụ nên thống nhất cho những thầy cô có nguyện vọng nghỉ hưu sớm được tinh giản biên chế, như đề xuất của địa phương. Như thế, sự việc sẽ đơn giản hơn, vừa đáp ứng nguyện vọng của thầy cô, những người đã nhiều năm cống hiến cho ngành; vừa đỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong sắp xếp lại nhân sự ngoài kế hoạch.