Giáo viên linh hoạt truyền đạt kiến thức PCTN
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm học 2013 – 2014 đến nay 100% các trường THPT, trung tâm Giáo dục Thường xuyên đã tổ chức việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy. Việc giảng dạy PCTN đã trở thành nề nếp. Nội dung PCTN được tích hợp, lồng ghép vào môn học GDCD với thời lượng là 6 tiết (được phân bổ trong 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12).
Bên cạnh triển khai nội dung dạy học PCTN vào các tiết quy định, công tác phòng chống tham nhũng còn được lồng ghép, tích hợp vào các bài khác có liên quan trong nội dung môn giáo dục công dân và các môn học khác như: Văn học, Lịch sử.
Lãnh đạo sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế đóng góp ý kiến về giảng dạy nội dung PCTN |
Đặc biệt, các tổ chuyên môn Giáo dục công dân (GDCD) đã thực hiện tốt sự chỉ đạo của Sở là bàn bạc kỹ để thống nhất đề cương, nội dung, phương pháp bài giảng, các ví dụ liên hệ thực tiễn.
Để giúp GV phản ánh đầy đủ nội dung của Chỉ thị số 10, ngay từ ngày 3/4 năm 2014, Sở đã triệu tập đại diện lãnh đạo và toàn bộ giáo viên môn GDCD các trường THPT, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên tham gia hội nghị tập huấn trực tuyến do Bộ GD&ĐT tổ chức. Tại hội nghị này, các giáo viên đã nghiêm túc tiếp thu và đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thông qua các giải đáp của báo cáo viên.
Tại trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế), nhiều năm qua đã có những cách làm hay giúp các em HS hiểu, và nhận thức được về các bài học về PCTN trong chương trình học chính khóa và ngoại khóa.
Cô Nguyễn Thị Hoa Phượng - GV bộ môn GDCD trường Hai Bà Trưng - chia sẻ: Để thực hiện tốt nội dung PCTN nhà trường đã có nhiều cách làm rất hiệu quả: Qua các tiết dự giờ và các cuộc thi tìm hiểu về phòng chống tham nhũng cho thấy kiến thức, nhận thức của học sinh, GV được nâng cao, nhất là việc nắm rõ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra đối với các GV giảng dạy thường xuyên tích hợp trong bộ môn GDCD, cụ thể trong chương trình ngoại khóa đưa vào 2 tiết ở ba khối 10, 11, 12 đồng thời tăng các hoạt động ngoại khóa như tổ chức các hội thi tiểu phẩm về PCTN, hoặc ngay cả đưa những câu hỏi tuyên truyền về PCTN trong các bài kiểm tra 15, phút hoặc 1 tiết.
Còn tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Quảng Điền), ngay từ tháng 11/2012, theo kế hoạch của nhà trường, GV Lê Chí Công, trưởng bộ môn GDCD đã tổ chức tập huấn, giảng dạy lồng ghép về PCTN, tích hợp trong chương trình môn GDCD cho GV toàn nhóm ở cả 3 khối . Qua đó đã đề ra các cách thức giảng dạy PCTN tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh. Chính điều này đã làm cho học sinh rất hứng thú khi tiếp thu bài học.
Cô Nguyễn Thị Hoa Phượng, GV bộ môn GDCD trường Hai Bà Trưng chia sẻ kinh nghiệm |
Khó khăn trong việc bố trí, phân bổ quỹ thời gian
Thầy Nguyễn Văn Lộc - Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Chí Thanh - chia sẻ: Đối với GV, cán bộ quản lý và nhân dân, thời điểm đầu nhiều người tỏ ra hoài nghi, không tán thành quan điểm về việc đưa phòng PCTN vào giáo dục cho học sinh, họ cho rằng: Nội dung giáo dục đó không phù hợp với đối tượng người học, không có tính thực tế.
Tuy nhiên, hiện nay các bậc phụ huynh, học sinh đã tán thành với nội dung giáo dục này. Đó cũng là điều kiện tốt để giáo viên bộ môn thực hiện tốt công tác giáo dục, góp phần hình thành cho học sinh những trách nhiệm ban đầu với công tác PCTN của nước nhà.
TS. Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế - nhận định: Môn GDCD với đặc thù phải lồng ghép, tích hợp nhiều nội dung khác vào giảng dạy (pháp luật an toàn giao thông, phòng chống ma túy…) và hiện phải lồng ghép thêm nội dung PCTN mà không được tăng thêm số tiết dạy chính khóa nên tạo ra khó khăn cho giáo viên trong việc bố trí, phân bổ quỹ thời gian.
Do đó đề nghị Thanh tra Chính phủ, Bộ GD-ĐT hàng năm ban hành bộ tài liệu tham khảo về các vụ án tham nhũng, tập hợp các nội dung mới liên quan đến phòng chống tham nhũng, các bài viết hay của các nhà quản lý, chuyên gia có nội dung phòng chống tham nhũng để giáo viên tham khảo phục vụ giảng dạy.
Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn trực tuyến để giáo viên vừa có thể cập nhật kiến thức, vừa trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và nêu khó khăn, vướng mắc để cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ.