Thông qua các đợt tập huấn của chương trình, chất lượng đội ngũ giáo viên không ngừng được nâng cao.
Triển khai hiệu quả SEQAP tại địa phương
Qua 5 năm thực hiện chương trình, Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã hướng dẫn, giúp đỡ và chỉ đạo đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên 60 trường tham gia SEQAP vượt qua những khó khăn bước đầu, cải thiện, nền nếp hoạt động các trường cùng với chất lượng và hiệu quả GD đã có bước chuyển biến tích cực, HS tự tin, mạnh dạn, linh hoạt hơn trong học tập và giao tiếp, nhất là HS dân tộc, HS nữ.
Việc duy trì sĩ số HS ngày càng hiệu quả. Nhờ công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên mà chất lượng về chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên được củng cố và nâng cao. Việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm theo chuyên đề cho giáo viên các trường tiểu học tham gia SEQAP của tỉnh Lâm Đồng đạt được những kết quả bước đầu đầy khích lệ và triển vọng. Chứng tỏ thầy và trò đã đi đúng hướng, hứa hẹn sẽ có những chuyên đề hay phục vụ cho việc giảng dạy, HS được hưởng lợi nhiều hơn.
Ông Nguyễn Kim Long - Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT Lâm Đồng) - cho biết: Qua 5 năm triển khai SEQAP, không chỉ năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên trường tham gia chương trình được cải thiện, nền nếp hoạt động các trường cùng với chất lượng và hiệu quả GD đã có bước chuyển biến tích cực, HS tự tin, mạnh dạn, linh hoạt hơn trong học tập và giao tiếp.
Hầu hết các trường thực hiện SEQAP trong tỉnh đã tổ chức khá tốt việc bán trú cho HS với rất nhiều cách làm. HS bán trú được nghỉ trưa tại một số phòng học, trường phân công người trực nhật chăm sóc.
Về bữa trưa, một số trường hợp đồng dịch vụ bên ngoài cung cấp thực phẩm hoặc nấu bữa trưa cho HS, một số trường vận động phụ huynh cho HS mang cơm đến lớp, số tiền hỗ trợ của chương trình được dùng để mua và chế biến thức ăn cho HS. Nhiều trường phối hợp với hội phụ huynh HS đóng góp cho con em ăn trưa thêm một số bữa tại trường bên cạnh 2 bữa ăn do chương trình hỗ trợ.
Dễ dàng nhận thấy, chương trình đã có tác động rất lớn và hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Tính đến thời điểm học kỳ II năm học 2015 - 2016, 60 trường tiểu học thuộc 9 huyện tham gia SEQAP đã tổ chức được nhiều hoạt động GD bổ ích, tổ chức các câu lạc bộ; động viên, khích lệ HS đi học chuyên cần và học tập tích cực. Đáng nói hơn, HS là người dân tộc thiểu số, HS có hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp cận với mô hình dạy học cả ngày, duy trì sĩ số HS, tỉ lệ bỏ học, lưu ban thấp.
Chất lượng GD tiểu học được tăng lên, góp phần thúc đẩy GD của địa phương phát triển một cách toàn diện. Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã chỉ đạo, quan tâm sát sao đến tất cả các hoạt động của các trường trong và ngoài chương trình SEQAP, đặc biệt hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm theo chuyên đề cho giáo viên các trường tiểu học tham gia SEQAP đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Số lượng trường và giáo viên tham gia chương trình SEQAP tăng đều theo mỗi năm, tỉ lệ thuận với chất lượng chuyên môn.
SEQAP góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
Chia sẻ về quãng thời gian 5 năm thực hiện chương trình SEQAP, ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng - chia sẻ: Việc tham gia SEQAP mở ra nhiều cơ hội tốt cho cả giáo viên và HS. Đội ngũ giáo viên được cơ cấu đủ về số lượng và cơ bản đảm bảo chất lượng, đạt tỉ lệ 1,5 GV/lớp, cơ sở vật chất đáp ứng được các điều kiện để thực hiện dạy học theo mô hình từ 30 tiết/tuần trở lên.
Các Phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức các chuyên đề, hội thảo cấp cụm trường, cấp huyện về những phương pháp dạy học tích cực theo yêu cầu nội dung tập huấn của SEQAP nhằm tạo điều kiện giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị trường giao lưu, chia sẻ, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm vận dụng trong quá trình chỉ đạo cũng như giảng dạy thực tế để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và hiệu quả đào tạo đảm bảo chất lượng GD trường học.
Các trường thường xuyên cải tiến hiệu quả hoạt động sinh hoạt chuyên môn thông qua chuyên đề sinh hoạt sư phạm, nghiên cứu bài dạy và củng cố các mô đun của SEQAP đã được tập huấn hàng năm. Chất lượng giáo viên hiện nay so với chất lượng giáo viên trước khi tham gia SEQAP có nhiều chuyển biến tích cực bởi được tham gia tập huấn nhiều mô đun về đổi mới phương pháp dạy học tích cực, các kỹ thuật dạy học…
Các thầy cô đã chuyển đổi từ lối dạy truyền thụ sang hướng dẫn HS chủ động tự học; nâng cao hiệu quả các kỹ năng tư duy sư phạm về thảo luận, chia sẻ, hợp tác, vận dụng những bài học kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy.
Qua tập huấn bồi dưỡng các nội dung theo quy định của SEQAP cho thấy, năng lực nghề của giáo viên có sự chuyển biến rõ nét: Các kỹ năng và kỹ thuật dạy học thể hiện khá tốt. Giáo viên được mở rộng về các nội dung để củng cố kiến thức, vận dụng giảng dạy và lồng ghép nội dung kiến thức vào GD kỹ năng sống, giúp HS trải nghiệm và vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.
Thêm vào đó, các thầy cô tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp và dạy học các môn học khác như Âm nhạc, Thể dục, Ngoại ngữ... hiệu quả hơn. Chất lượng giảng dạy có nhiều chuyển biến đáng kể, chất lượng mũi nhọn tăng, tỉ lệ HS ở lại lớp giảm hẳn.