Giáo viên được thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp

GD&TĐ - Ngày 18/8/2017, Bộ GD&DDT vừa kí ban hành Thông tư số: 20/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Giáo viên được thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Ảnh: Minh Phong
Giáo viên được thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Ảnh: Minh Phong

Liên quan đến nội dung này, ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có những chia sẻ trên báo Giáo dục và Thời đại.

* Ông có thể cho biết những căn cứ pháp lý nào để triển khai xây dựng Thông tư trên?

- Ông Trần Kim Tự: Đây là văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, hướng dẫn thực hiện Luật Viên chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Theo đó, tại khoản 2, Điều 31 Luật Viên chức quy định: “việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện thông qua thi hoặc xét theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật”, đồng thời Luật Viên chức cũng giao trách nhiệm “Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý nhà nước về các lĩnh vực hoạt động của viên chức chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh nghiệp; điều kiện thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức”.

Tại khoản 2, Điều 29 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định “Các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức”.

Do hiện nay không còn hình thức Thông tư liên tịch, cho nên trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ tại Công văn số 3474/BNV-CCVC ngày 3/7/2017 về việc ban hành các Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi/xét và quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư này.

* Trong số các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay còn tồn tại các trường dự bị đại học, vậy giáo viên trong các trường dự bị đại học có được tham dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp không?

Ông Trần Kim Tự:
 
Bộ GD&ĐT sẽ ban hành tiêu chuẩn chức danh giáo viên dự bị đại học  

- Ông Trần Kim Tự: Hiện nay, Bộ Nội vụ đang chuẩn bị cấp mã số hạng đối với giáo viên dự bị đại học; Bộ GD&ĐT sẽ ban hành tiêu chuẩn chức danh giáo viên dự bị đại học nhưng do các văn bản này chưa ban hành nên trong Thông tư có quy định tại khoản 3, Điều 1 nội dung:

“Giáo viên dự bị đại học được áp dụng Thông tư này để tham dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp sau khi được chuyển xếp hạng theo mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học”.

* Đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập, theo quy định hiện nay có những kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp nào?

- Ông Trần Kim Tự: Theo quy định tại các Thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thì hiện nay, giáo viên mầm non, giáo viên Tiểu học được bổ nhiệm và xếp lương theo 3 hạng chức danh nghề nghiệp (hạng II, III, IV); giáo viên trung học cơ sở và giáo viên trung học phổ thông được bổ nhiệm và xếp lương theo 03 hạng chức danh nghề nghiệp (hạng I, II, III).

Theo đó, đối với giáo viên mầm non, tiểu học sẽ có 2 kỳ thi thăng hạng (nếu giáo viên đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và có nhu cầu), bao gồm kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng IV lên hạng III, từ hạng III lên hạng II.

Tương tự như vậy, đối với giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông có 2 kỳ thi thăng hạng bao gồm kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng từ hạng III lên hạng II và từ hạng II lên hạng I.

* Giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện gì - thưa ông?

- Ông Trần Kim Tự: Giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện như sau:

- Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí làm việc của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi.

Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 3 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14/9/2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non;

Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học công lập;

Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học cơ sở công lập;

Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học phổ thông công lập.

Giáo viên dự bị đại học khi áp dụng Thông tư để dự thi thăng hạng phải có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

* Vậy nội dung, hình thức của mỗi kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên được quy định như thế nào?

- Ông Trần Kim Tự: Về nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, Thông tư quy định cụ thể đối với từng hạng. Theo đó, giáo viên tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I, III lên II và II lên I đều phải tham dự các nội dung thi: kiến thức chung; chuyên môn, nghiệp vụ; tin học và ngoại ngữ.

Việc tổ chức thi chuyên môn, nghiệp vụ đối với kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên I theo hình thức thuyết trình và phỏng vấn trực tiếp. Theo đó, giáo viên dự thi chuẩn bị báo cáo theo hướng dẫn về nội dung thi, thuyết trình (tối đa 15 phút) và tham gia phỏng vấn trực tiếp (tối đa 15 phút).

Các nội dung còn lại được quy định theo hướng có thể có các hình thức thi khác nhau (tự luận/trắc nghiệm/kết luận giữa tự luận và trắc nghiêm/thực hành…), đồng thời Bộ GD&ĐT giao quyền cho người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng quyết định lựa chọn hình thức thi phù hợp với điều kiện của địa phương/đơn vị.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ